Thành tâm kính thầy

Lối ứng xử văn hóa của người Việt coi trọng sự chân thành, thật lòng. Như trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, con cháu không cần mâm cao cỗ đầy, có khi chỉ chén nước trong và nén hương để bày tỏ lòng thành tưởng nhớ người đã khuất; hay đề cao 'chân tu' trong tín ngưỡng thờ Phật: Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

Người dân coi nhà mình như là chùa, cha mẹ mình như là Phật, do vậy “chân tu” đích thực là thành tâm yêu mẹ thương cha. Phẩm chất thật thà luôn được đề cao: “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà”. Sự thành tâm, thật lòng, chân thành là một biểu hiện của tính cách Việt, bản sắc văn hóa Việt

Người Việt tôn thờ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” nên hình tượng người thầy luôn được kính trọng: Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Vì có thầy mới nên người: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, mà “Một kho vàng không bằng một nang chữ”. Vị thế xã hội của người thầy được người xưa xếp ngang với vua, với cha mẹ là vì vậy.

Trong quan hệ thầy trò xưa, người Việt cũng ứng xử theo quan niệm lấy sự thật tâm làm trọng. Đó là mối quan hệ tinh thần thiêng liêng, trong sáng, không dựa vào vật chất, tiền tài: Đến đây viếng cảnh viếng thầy/ Không say mùi đạo cũng khuây mùi trần. Người ta coi việc đến với người thầy là đến với sự mẫu mực, đức độ, khuôn thước… Thế nên một năm có ba ngày thiêng nhất thì dành cho người thầy dạy một ngày: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Tết thầy thường là cặp bánh chưng và dăm ba đấu gạo, cũng là một cách trả công thầy dạy dỗ trong năm. Vì thuở xưa nhà nước phong kiến không tổ chức trường học công nên các phụ huynh tự nguyện “trả lương” cho thầy. Lễ tết tuy bằng vật chất nhưng mang dấu ấn tinh thần rất rõ, lễ bằng gạo vì đó là thành quả lao động mồ hôi nước mắt của người nông dân. Tết thầy bằng gạo vừa là “cây nhà lá vườn” thành tâm, giản dị, vừa là sự trân trọng công sức thầy, gạo nuôi sống người, còn thầy dạy trò trưởng thành. Tấm quà có khi là bánh chưng vì đó là biểu trưng cho linh hồn thánh thiện của trời đất, vũ trụ.

Ngày nay đạo lý trọng thầy càng nên được phát huy vì đó là tinh hoa văn hóa, là nét đẹp truyền thống góp phần giáo dục, hoàn thiện nhân cách con người. Cơ chế thị trường coi trọng đồng tiền đang làm méo mó đi những khuôn vàng thước ngọc. Phụ huynh “chúc mừng” thầy cô bằng “phong bì”. Học trò cũng kính tặng thầy cô bằng “phong bì”! Thế là mối quan hệ vốn trong sáng thiêng liêng đã bị vật chất hóa, phàm tục hóa!

Đấy là chưa kể thời gian qua, tình trạng “mua điểm”, “chạy điểm”, “đổi tình lấy điểm”… dù rất cá biệt nhưng vẫn còn tồn tại trong môi trường học đường. Hiện tượng nâng điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2018 càng làm nhức nhối, mọt ruỗng nền tảng đạo đức xã hội. Có học sinh trong sáng lại trở thành nạn nhân của những ý đồ thiếu trong sáng. Nhiều thầy cô phải đi tù. Nhiều phụ huynh bị kỷ luật. Nghĩ mà đau xót!

Với những người thầy chân chính thì hạnh phúc nhất là có nhiều học sinh thành đạt, giỏi giang!

Thầy cô gương mẫu thì phụ huynh, học trò và cả xã hội kính trọng!

Học trò kính trọng thầy cô thành tâm thì tự mình phải cố gắng học giỏi!

Phụ huynh yêu tôn trọng thầy thực lòng thì thầy tạo điều kiện cao nhất để con mình học tốt!

Không nhất thiết phụ huynh, học sinh cứ phải gặp để chúc mừng thầy cô vào dịp lễ 20-11. Từ ý cổ nhân đã dạy “Phật tại tâm”, có thể hiểu thêm “Thầy cô tại tâm”!

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/thanh-tam-kinh-thay-599942