'Thánh' Quát chịu án tử vì sai phạm lúc chấm thi

Sửa bài thi cho 24 thí sinh tại trường thi Thừa Thiên năm 1841, danh sĩ Cao Bá Quát đã bị xử án 'giảo giam hậu', sau đó hạ xuống án 'dương trình hiệu lực', đày đi làm công cán trong đoàn tàu đi nước ngoài.

Vì sửa bài cho thí sinh, Cao Bá Quát chịu mức án tử hình.

Cao Bá Quát (1809 – 1855) người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1831, đời vua Minh Mạng, ông thi Hương đỗ Á nguyên tại trường thi Hà Nội, nhưng đến khi duyệt quyển, bị Bộ Lễ kiếm cớ xếp tên ông xuống dưới cùng trong số 20 người đỗ cử nhân khoa thi đó.

Dù nổi tiếng là học giỏi, văn hay, được người đương thời gọi là “thánh Quát”, nhưng sau đó ông thi Hội thêm mấy lần đều bị hỏng. Đến tháng 8.1841, do sự tiến cử của quan tỉnh Bắc Ninh (lúc này huyện Gia Lâm đang thuộc Bắc Ninh), Cao Bá Quát và vị Cử nhân đồng khóa là Phan Nhạ được triệu vào làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên.

Cũng kỳ thi này, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872), người Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội, Phó bảng khoa thi năm 1838, được tôn là “thần Siêu”, đang làm quan trong triều và là thầy dạy các hoàng tử, được cử làm Phân khảo.

Trường thi thời Nguyễn gồm có Nội trường, gồm các chức Sơ khảo, Phúc khảo, Giám khảo, và Ngoại trường, gồm các chức Đề điệu (Chủ khảo), Giám thí (Phó Chủ khảo), Phân khảo.

Từ năm 1807, nhà Nguyễn đã ra luật cấm các quan trường thi mang giấy tờ có chữ và mực đen vào trường, sợ sửa bài hộ học trò. Là Sơ khảo ở nội trường, Cao Bá Quát và Phan Nhạ đã xét những quyển thi làm bài hay nhưng có chữ phạm húy, rồi lấy muội đèn làm mực sửa bài cho 24 thí sinh, nhờ đó có 5 thí sinh đỗ cử nhân.

Còn Nguyễn Văn Siêu làm Phân khảo ở ngoại trường, đã lấy đỗ Trương Đăng Trinh, cháu Đại thần Trương Đăng Quế, người bị đánh hỏng kỳ hai ở nội trường.

Sự việc bị phát giác, Cao Bá Quát bị tống giam vào ngục. Bộ Lễ và Viện Đô sát tra xét, Bá Quát nhận tất cả, nói: “Tôi thấy các bài hay sính bút làm vậy chứ không ai gửi gắm, dặn dò gì cả”.

Quát, Nhạ đều bị tội tử hình. Siêu bị phạt trượng và tội đồ (đi đày). Chủ khảo Bùi Quỹ và Phó khảo Trương Sĩ Tiến bị cách chức. Giám khảo bị giáng chức.

Khi đưa án lên, vua Thiệu Trị phán rằng: “Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử…".

Nhờ đó, Quát và Nhạ được xử án "giảo giam hậu", tức là giam lại chờ ngày bị thắt cổ.

5 người được hai ông Quát, Nhạ giúp đỗ phải thi lại đủ cả ba kỳ, bài làm đều khá, nên được đều cấp bằng Cử nhân. Bài thi của Trương Đăng Trinh văn khá thông cũng cho đỗ luôn.

Sau gần ba năm bị giam, cuối năm 1843, Cao Bá Quát được triều đình tạm tha, nhưng bị phát phối đi Đà Nẵng, chờ ngày đi "dương trình hiệu lực" (tức đi phục dịch để lấy công chuộc tội). Tháng 12 (âm lịch) năm đó, ông theo tàu Phấn Bằng đi hiệu lực đến vùng Giang Lưu Ba (Indonesia ngày nay). Cùng lúc ấy, Phan Nhạ theo thuyền Thần Dao đi hiệu lực sang Tân Gia Ba (Singapore ngày nay).

Đến tháng 7.1844, đoàn công cán về đến Việt Nam. Sau đó, Cao Bá Quát được phục chức ở bộ Lễ, nhưng chẳng bao lâu thì bị thải về sống với vợ con ở Thăng Long. Còn Nguyễn Văn Siêu, đến đời vua Tự Đức lại được trọng dụng.

Lê Tiên Long

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/thanh-quat-chiu-an-tu-vi-sai-pham-luc-cham-thi-620028.ldo