Trồng rau, dưa lưới với màng film Nhật Bản

Khi thực trạng đất sản xuất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, thì mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đang được xem là hướng phát triển phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với canh tác truyền thống...

Tay ngang trồng dưa lưới

Chúng tôi tìm đến mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng công nghệ cao ở cách trung tâm TP.HCM không xa của nông dân trẻ Phạm Trần Vương (Sinh năm 1986, ở số 35/4, Bùi Xương Trạch, phường Long Trừng, Q.9) được đầu tư bài bản và hiện đại.

Dẫn chúng tôi vào tham quan vườn dưa lưới đang thời điểm ra bông, anh Vương hào hứng khoe: “Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, tuy vốn đầu tư khá lớn nhưng được cái đầu ra không phải lo vì có công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên khỏe re. Với giá bán luôn được ổn định và cao như hiện nay thì chỉ cần sau 5 đến 6 vụ dưa là mình có thể thu hồi vốn đầu tư!”.

Theo anh Vương, toàn bộ 3.000 m2 vườn dưa lưới trồng trong nhà màng đều được lắp đặt hệ thống điều khiển tự động từ công đoạn tưới nước, bón phân, điều hòa nhiệt độ...Sau khi được công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao, cộng thêm sự mày mò học hỏi tham khảo mô hình của các hộ đi trước càng giúp anh tự tin. “Tôi vẫn tự nhủ rằng, mình không làm thì sao biết thành công hay thất bại được, mà có thất bại mới đi tới được thành công chứ, thế nên tôi mạnh dạn bắt tay vào triển khai mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao này”, anh Vương tâm sự.

Trước kia gia đình anh Vương trồng cà phê trên vùng đất Cao Nguyên, nhưng hiệu quả kinh tế kém, thậm chí có thời điểm nắng nóng đất cằn khô, cà phê thiếu nước tưới không phát triển được nên đành bỏ hoang. Sau khi cùng gia đình chuyển xuống TP.Hồ Chí Minh sinh sống, sẵn có tâm huyết với nghề nông, anh quyết tâm tìm hiểu và đầu tư mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ cao.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng sử dụng màng film Nhật Bản

Mặc dù là “tay ngang” trồng dưa lưới, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng thuận lợi bước đầu khi anh được một công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật, thiết kế, thi công và lắp đặt hệ thống nhà màng công nghệ cao sử dụng màng film Nhật Bản do Vipesco phân phối độc quyền tại Việt Nam. Chi phí đầu tư khoảng 400 triệu đồng/1.000m², bao gồm hệ thống nhà màng, thiết bị, giá thể, nhân công hệ thống tưới nước bón phân nhỏ giọt tự động, giàn treo…Anh bắt đầu trồng dưa lưới từ tháng 4 đến tháng 7/2018 quả đã đạt trọng lượng trung bình từ 1,5 - 2,5 kg. Ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên anh đã thu được hơn 3 tấn trái, bán cho công ty thu mua với giá sỉ tại vườn từ 35-40.000 đồng/kg để phân phối vào siêu thị, tính ra vụ đầu cho anh thu được khoảng gần 100 triệu đồng.

Qua thực tế áp dụng công nghệ nhà màng sử dụng màng film Nhật Bản vào sản xuất dưa lưới, theo anh Vương thấy có nhiều ưu điểm vượt trội và độ bền màng film Nhật Bản cao hơn so với một số màng film khác, tối ưu hóa ánh sáng trong nhà màng giúp cây trồng quang hợp và phát triển tốt; thiết kế nhà màng có độ thông thoáng cao giúp không khí lưu thông tốt bên trong nhà màng. Việc ứng dụng CNC vào hệ thống quản lý sản xuất cũng là yếu tố giúp anh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhờ đó nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế ổn định.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho người dân thu nhập cao

Hiện anh Vương đang tập trung đầu tư chăm sóc cho vụ dưa thứ 2 nhằm kịp phục vụ thị trường tết năm nay và anh hy vọng sẽ lại thêm một mùa thu hoạch dưa lưới thắng lợi…

Trồng rau "5 không"

Tiếp chuyện chúng tôi, chị Dương Thị Ngọc Giao (Chủ cơ sở rau, củ, quả sạch Ngọc Thảo, ở Khu phố Tân Phú 1, phương Tân Bình, TX.Dĩ An, Bình Dương) vui vẻ chia sẻ, gia đình chị đầu tư mô hình trồng rau ứng dụng CNC với diện tích 4.500m2. Đây được xem là vườn rau sạch kiểu mẫu ở địa phương chuyên sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tự nhiên.

Theo chị Giao, cách làm truyền thống của nông dân ta rất lạc hậu không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguyên nhân là do bà con ta phần lớn không có kiến thức làm nông nghiệp sạch, sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học một cách vô tội vạ gây hại cho đất, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và giá trị sản phẩm thấp. Từ sự hiểu biết đó kết hợp với sự tìm tòi về cách làm nông nghiệp của các nước phát triển, chị ấp ủ suy nghĩ thực hiện mô hình trồng rau sạch công nghệ cao trong nhà kính.

Năm 2015 chị bắt đầu trồng khoảng chục loại rau, như cải ngọt, rau muống, cà chua, dưa leo, nay chị còn đang trồng thử cả dưa lưới…Đồng thời, áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ tự nhiên “5 không” (gồm không phân hóa học, không chất bảo quản, không chất biến đổi gen, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng thuốc BVTV) nên sản phẩm rau an toàn được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Các sản phẩm rau sạch của gia đình chị chủ yếu bán sỉ, có khi không kịp đưa ra chợ người dân đã chạy vào tận vườn mua. Thậm chí có nhiều người còn đặt cọc mua trước mấy líp rau và nhờ chăm sóc, đến cuối tuần họ ghé vườn tự tay thu hoạch rau sạch về ăn.

Mô hình trồng rau công nghệ cao “5 không”

“Nhiều năm qua vườn của gia đình tôi sử dụng các loại màng film nội địa, thấy nhanh xuống cấp, chỉ được một vài năm đã phải đầu tư thay mới nên rất tốn kém mà không hiệu quả. Do vậy, khi tôi được giới thiệu loại màng film Nhật Bản tốt nên tôi muốn ứng dụng thử nghiệm cho vườn nhà mình”, chị Giao hào hứng chia sẻ.

Theo chị Giao, trên diện tích 4.500 m2 vườn rau nhà mình, chị chia đôi vườn, một nửa vẫn sử dụng màng film nội địa, phần còn lại sử dụng màng film SKYCOAT T-5 Nhật Bản để làm đối chứng. Thực tế cho thấy so với màng film nội địa thì màng film SKYCOAT T-5 Nhật Bản có nhiều tính năng vượt trội hơn về độ dẻo, trong và cho ánh sáng nhiều hơn.

Thực tế quan sát, sự khác biệt rất rõ khi trên mặt vườn có màng film Nhật Bản cho ánh sáng tốt hơn so với bên mặt vườn đối chứng. “Với kinh nghiệm trồng vườn lâu năm, tôi thấy nếu sử dụng màng film Nhật Bản này cho trồng rau sẽ rất có lợi, giúp cây quang hợp được ánh sáng nhiều hơn trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, không bị hiện tượng nhỏ giọt làm lây lan bệnh dịch trong nhà màng”, chị Giao khẳng định.

Hiện tại, mỗi tháng chị thu hoạch 3 lứa rau, bán ra chợ cho các mối với giá cả ổn định 20.000 đồng/kg, trong khi giá rau của nông dân sản xuất theo cách truyền thống chỉ có 5- 7.000 đồng/kg. Theo tính toán của chị với thu nhập như hiện tại khoảng 60 triệu đồng/tháng sau khi trừ các khoản chi phí chăm sóc thì sau vài năm sẽ thu hồi vốn đầu tư nhà kính.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trạm trưởng Trạm BVTV TX.Dĩ An (Bình Dương): “Trong điều kiện đô thị phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc lựa chọn phát triển mô hình nông nghiệp đô thị hay nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu. Có thể thấy, TX.Dĩ An, Bình Dương đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhưng với định hướng phát triển đúng đắn cùng sự năng động, sáng tạo của người nông dân, bà con vẫn tìm được nhiều cơ hội để gắn bó và vươn lên từ nghề nông”.

MINH SÁNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/trong-rau-dua-luoi-voi-mang-film-nhat-ban-post231016.html