Thạnh Phú mời gọi

Xuôi theo Quốc lộ 57 rộng thênh thang hướng về phía biển, chúng tôi thấy dòng xe tải trọng lớn, xe buýt lẫn xe hai bánh ngược xuôi rất nhộn nhịp.

Người bạn cùng quê phấn khởi kể liền một mạch: “Thạnh Phú bây giờ đổi mới nhiều lắm nhất, là chuyện đi lại không còn đò giang cách trở, đâu đâu cũng thấy đường sá thẳng băng, cầu kiên cố, cầu Hàm Luông và Cổ Chiên đã hoàn thành nên đất đai có giá lắm, làm ăn cái gì cũng dễ dàng hết”.

1. Xe qua cầu An Qui, cây cầu kiên cố cuối cùng vừa hoàn thành. Vậy là từ nay người dân ra biển Thạnh Hải, Thạnh Phong ngọt xớt, chỉ mất xấp xỉ 1 giờ đồng hồ từ trung tâm huyện. Nhớ lại trước đây, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre có nhiều xã được xem là “đảo” vì bị cô lập bởi sông nước, như Mỹ An, An Điền, Giao Thạnh, Thạnh Phong… muốn đi lại chỉ có phương tiện duy nhất ngồi đò dọc, mỗi ngày chỉ có một chuyến, nếu trễ đành chịu nếu không muốn đi bộ mấy mươi cây số dọc theo các con sông lớn. Giờ đây tất cả đã đi vào quá khứ.

Là phần đất cuối cùng của dãy cù lao Minh, huyện Thạnh Phú, vùng đất hứng chịu nhiều bom đạn chiến tranh tàn khốc của Pháp rồi Mỹ. Đi đâu trên vùng quê biển cũng bắt gặp những gia đình thương binh liệt sỹ, những đài tưởng niệm anh hùng vị quốc vong thân.

Từ Đại Điền, Quới Điền đến An Thuận, An Qui, Thạnh Hải, Thạnh Phong… nhiều du khách thực sự ngỡ ngàng khi nghe chính người dân bản xứ kể về những chuyến tàu không số chở vũ khí từ Bắc vào Nam; kể về nỗi bi thương của 21 người dân vô tội, đa phần là phụ nữ và trẻ em bị Mỹ thảm sát bằng bom Na Pan năm 1964, trong đó có 2 thai nhi còn nằm trong bụng mẹ. Bà Hà Thị Nguyền, ngụ xã Thạnh Hải kể lại: “Đau đớn và khủng khiếp lắm, họ có tội gì đâu mà chết không toàn thây. Mỗi năm tại mồ chôn tập thể nầy bà con làm đám giỗ để tưởng nhớ”.

Một góc nhà cổ Đại Điền trên 110 năm tuổi.

Một góc nhà cổ Đại Điền trên 110 năm tuổi.

Có lẽ vì cấu tạo địa chất từ những giồng cát trắng, nên Thạnh Phú (xưa gọi là giồng Miễu) có rất nhiều cái tên dân dã như: giồng Luông (xã Đại Điền), giồng Chùa (Mỹ Hưng), giồng Ớt (An Thuận), giồng Chanh (An Qui), giồng Bảy (An Nhơn)… Đâu đã vậy, do nằm giữa 2 con sông lớn xuôi ra biển nên Thạnh Phú còn có nhiều bến sông lớn như: bến Vông, bến Trại, bến Găng, bến Chỏi, bến Vinh…

Những bến bãi nầy năm xưa nhiều lần đưa bộ đội vượt sông và đón nhận những chuyến tàu đặc biệt chở vũ khí. Ông Lê Quang Chày, 88 tuổi ngụ ấp 8, xã Thạnh Hải, nhớ lại “Hồi những năm 60, bà ba Định (Nguyễn Thị Định) có về đây chỉ đạo mở bến tiếp nhận súng đạn và đóng tàu cây vượt biển ra Bắc, từ đó mới có tên đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Biển tại Thạnh Phú vẫn giữ được nét thiên nhiên hoang dã.

Khi chúng tôi đến cũng là lúc khu tưởng niệm “Đường Hồ Chí Minh trên biển” với quy mô hàng chục tỷ đồng đang hối hả thi công. Từ đây nhìn ra biển lớn thật linh thiêng và ẩn chứa biết bao câu chuyện bi hùng về những con tàu không số đã trở thành huyền thoại ngàn năm.

Đây ngã ba Mũi tàu nơi hình thành khu tưởng niệm đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam; đây miễu Bà chúa Xứ ung dung trông về biển cả; đó Lăng Ông nơi thờ cúng 2 ông cá voi nặng gần 80 tấn sa vào biển Thạnh Hải năm 2004. Có lẽ đây là những ông cá voi to lớn nhất của ĐBSCL. Vì vậy có rất nhiều du khách đến đây để “mục sở thị” những bộ xương khổng lồ mang bao câu chuyện tâm linh huyền bí lạ thường. Lăng Ông cũng đang được xây mới với kinh phí hàng chục tỷ đồng đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân ven biển đồng thời phục vụ cho thế mạnh du lịch biển tại đây.

Chiều trên cửa sông Khâu Băng rất đẹp và có nhiều sóng. Đồn Biên phòng nằm cạnh cửa sông lớn như như con mắt thần bảo vệ an ninh Tổ quốc, canh gác sự bình yên cho bao chuyến tàu ra khởi đánh bắt thủy sản, nhiều nhất là ruốc, tôm, mực và các loại cá biển. Làng biển Khâu Băng luôn tất bật với công việc phơi tôm khô, xẻ cá…
2. Nếu như Trà Vinh có biển Ba Dộng (huyện Duyên Hải) rất nổi tiếng vì vẻ đẹp nguyên sơ, thì Thạnh Phú đã có đến 2 bãi biển đẹp, to rộng và luôn giữ được nét thiên nhiên hoang dã là bãi biển Tây Đô và Hàng Dương. Đến 2 bãi biển trên chúng tôi rất ngạc nhiên về sự có mặt hàng trăm xe du lịch, ôtô đến từ nhiều tỉnh thành, đặc biệt là TPHCM và các tỉnh ĐBSCL.

Điều này minh chứng cho một sự quyến rũ, hấp dẫn của biển Thạnh Phú. Có gì thú vị hơn khi ngồi ăn những con tôm, con mực tươi rói, nghe đờn ca tài tử hay ca nhạc trong tiếng sóng biển ầm ào. Ở đây còn có nhiều đặc sản rất “độc chiêu” như mắm ba khía, mắm ruốc, khô cá lạt, khô cá khoai… rất được du khách ưa chuộng và mua về làm quà cho người thân.

Ngược về trung tâm huyện, chúng tôi ghé qua xã “đảo” Cả Cát năm xưa nay là xã An Điền không còn cách trở vì đã có cây cầu to lớn. Đây là chiếc cầu dây văng đầu tiên và duy nhất của Thạnh Phú có mặt trên 15 năm trước. Đến đây dễ dàng bắt gặp những câu chuyện làm ăn quanh đề tài nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm công nghiệp, nuôi bò. Con đường đê biển quốc phòng to rộng dầy đặc dòng xe qua lại. Những trụ điện quốc gia sừng sững chạy dọc theo các tuyến đường. Xa xa là các nhà máy nước sạch, các vuông tôm, cửa hàng vật liệu xây dựng, quán ăn, cửa hàng kinh doanh thức ăn thủy sản mọc lên san sát.

“Dân An Điền bây giờ giàu quá xá, mỗi nhà trúng tôm kiếm năm bảy chục triệu dễ như chơi” - anh bạn tôi quả quyết chắc nịch. Không chỉ biết chí thú làm ăn, người dân xứ biển này còn biết giữ gìn tôn tạo bản sắc văn hóa dân tộc. Đây những chiếc bánh lá dừa “Giồng Luông” vang tiếng một thời đang được giữ gìn như một nét văn hóa ẩm thực rất riêng của Thạnh Phú; đây nhà cổ Đại Điền trên 110 năm tuổi với nét kiến trúc độc đáo bậc nhất miền Tây; những ngôi chùa, đình làng cổ xưa là dấu tích những tháng ngày khai hoang mở đất của ông cha xưa hầu như còn nguyên vẹn.

Nhìn nhịp sống hối hả, tốc độ phát triển kinh tế căn cơ, nhìn cách sống, nếp nghĩ, nụ cười, nghe giọng nói, nghe những câu chuyện làm giàu của người dân bản địa, chúng tôi hiểu rằng cái đói, cái nghèo, cái đau xót, mất mát của chiến tranh đã lùi xa trên vùng đất biển này. Thay vào đó là những nụ cười rạng rỡ vì trúng tôm, trúng cá, là những ngôi nhà “bề thế” mọc lên nhanh chóng san sát những con đường giao thông hoành tráng ngang dọc như những chiếc xương cá khổng lồ của vùng quê biển. Chúng tôi hiểu cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc đã và đang về trên xứ biển gian lao nhưng lắm nỗi tự hào.

Phan Thị Anh Thư

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/du-lich/thanh-phu-moi-goi-52533.html