Thành phố Venice lụt lịch sử, Italia báo động đỏ

Chính phủ Italia chuẩn bị ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Venice sau khi thành phố biểu tượng, hút khách du lịch này phải đối mặt với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng nhất 50 năm qua.

Hơn 80% diện tích của Venice, thành phố đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là một di sản văn hóa thế giới, đang chìm ngập trong biển nước sau khi thủy triều lên đến đỉnh điểm 1,87 mét hôm 12/11.

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đi thị sát tình hình ở Venice ngày 14/11. Ảnh: SBS

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đi thị sát tình hình ở Venice ngày 14/11. Ảnh: SBS

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte mô tả tình trạng ngập lụt ở Venice như "cú đấm vào trái tim" của nước này. "Thật đau lòng khi chứng kiến Venice bị phá hủy, các di sản nghệ thuật của thành phố bị hư hại và các hoạt động thương mại tại đây bị đình đốn", ông Conte viết trên Facebook sau khi đến tận nơi thị sát tình hình hôm 14/11.

Ảnh: Reuters

Theo ông Conte, chính phủ Italia hiện sẽ nhanh chóng hành động để cung cấp các quỹ và nguồn lực giúp Venice khắc phục thiên tai. Ông cam kết, nhà chức trách sẽ "tăng tốc" xây dựng hệ thống chống ngập lụt cho thành phố.

Phát biểu của thủ tướng ám chỉ đến dự án Mose, vốn nhằm xây dựng một hệ thống rào chắn thủy lực để đóng kín cửa đầm phá trong trường hợp mực nước biển dâng cao và xảy ra mưa bão vào mùa đông. Dự án Mose bắt đầu được thực hiện từ năm 2003 nhưng cho tới nay vẫn chưa hoàn thành do nhiều lần trì hoãn xây dựng vì các lí do khác nhau.

Theo BBC, lãnh đạo chính phủ Italia dự kiến sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp vào cuối ngày 14/11.

Nhà chức trách Venice cảnh báo, thủy triều sẽ vẫn còn dâng cao trong những ngày tới dù dự kiến sẽ không quá 1,3 mét so với mực nước biển trung bình.

Thị trưởng thành phố Venice Luigi Brugnaro đổ lỗi việc thành phố bị lụt lịch sử trong tuần này cho tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến triều cường nghiêm trọng.

Ảnh: Reuters

Ảnh: BBC

Quảng trường St Mark nổi tiếng, một trong những địa điểm thấp nhất trong thành phố cũng là nơi hứng chịu tổn thất nặng nhất.

Ông Brugnaro cho biết, Vương cung thánh đường của St Mark bị hủy hoại nghiêm trọng. Khu hầm mộ tại địa danh lịch sử này hoàn toàn bị ngập trong nước và hiện có nhiều lo ngại về việc hư hại cấu trúc các cột của vương cung thánh đường.

Ảnh: Reuters

Ngập lụt cũng khiến nhiều hộ gia đình bị cắt điện, giao thông gặp khó khăn và mọi hoạt động sống thường nhật của cư dân và khách du lịch trong thành phố bị đảo lộn.

Ông Brugnaro ước tính thiệt hại của thành phố do đợt thiên tai này là rất lớn, có thể lên tới hàng trăm triệu Euro. Ảnh hưởng của sự cố cũng có thể để lại "vết tích vĩnh viễn".

Hôm 13/11, nhà chức trách đã sử dụng các bơm nước để giải cứu quảng trường St Mark. Các chủ doanh nghiệp nhỏ và những người bán hàng trong thành phố cũng kêu gọi các du khách đang rời đi quay trở lại.

Ảnh: AP

Theo BBC, thành phố Venice hình thành từ hơn 100 đảo bên trong một đầm phá ngoài khơi bờ biển đông bắc Italia. Hầu như năm nào, nơi này cũng bị ngập lụt. Song, chỉ có một lần duy nhất kể từ năm 1923, thủy triều tấn công thành phố mới dâng lên mức cao hơn trong tuần này. Đó là vào năm 1966, khi thủy triều đạt mức kỷ lục 1,94 mét.

Tính tới thời điểm hiện tại, trên đảo Pellestrina thuộc Venice, hai người đã thiệt mạng do ngập lụt ở một dải đất mỏng ngăn cách đầm phá với biển Adriatic. Trong đó, một cư dân địa phương bị điện giật tử vong khi đang cố gắng khởi động máy bơm trong nhà.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/thanh-pho-bieu-tuong-lut-lich-su-italia-bao-dong-do-588373.html