Thành phố trẻ hội nhập, phát triển

Trên cầu Gành Hào lộng gió, khách thập phương dừng chân ngắm khung cảnh đô thị Cà Mau lúc chiều tà, và cả bình minh khi mặt trời chưa ửng đỏ. Hai bên bờ sông, những ngôi nhà chi chít ngày nào giờ được thay bằng những bờ kè thông thoáng, có vỉa hè, cây xanh và hệ thống đèn lung linh… khi màn đêm buông xuống.

Trên cầu Gành Hào lộng gió, khách thập phương dừng chân ngắm khung cảnh đô thị Cà Mau lúc chiều tà, và cả bình minh khi mặt trời chưa ửng đỏ. Hai bên bờ sông, những ngôi nhà chi chít ngày nào giờ được thay bằng những bờ kè thông thoáng, có vỉa hè, cây xanh và hệ thống đèn lung linh… khi màn đêm buông xuống.

Bằng các nguồn lực, Ðảng bộ TP Cà Mau đã và đang tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng để trong tương lai gần hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại I, trở thành một trong những nơi đáng sống ở vùng đất cuối cùng cực nam Tổ quốc…

Thay đổi diện mạo đô thị

Ðô thị Cà Mau những ngày cuối tháng 8, khắp nơi đỏ thắm cờ Ðảng, cờ Tổ quốc chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2020 - 2025 sắp diễn ra. Sau gần 10 năm được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh, đô thị trẻ cuối trời cực nam Tổ quốc đã khoác lên mình dáng dấp mới, xanh hơn, sạch hơn, thân thiện hơn với con người, thiên nhiên và cuộc sống…

Cột mốc đánh dấu cho những đổi thay trên là Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ TP Cà Mau (nhiệm kỳ 2015-2020) về tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, huy động và tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị thành phố, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trở thành đô thị loại I.

Cả hệ thống chính trị TP Cà Mau đã cùng vào cuộc kiến thiết đô thị trẻ theo định hướng phát triển bền vững. Ðến nay, đã có 51 đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt và thông qua. Trong đó, có 45 đồ án quy hoạch chi tiết, sáu đồ án quy hoạch phân khu. Các phường nội ô đã quy hoạch phân khu bao phủ 52,2%, quy hoạch chi tiết bao phủ 24,04% diện tích và hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở cả bảy xã của thành phố.

Xác định rõ là vùng có địa hình khá thấp và bị sông ngòi bao quanh, cho nên các tuyến sông trong nội ô, các công viên, kè bờ sông…, TP Cà Mau đã chú trọng quy hoạch chi tiết theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với cải thiện vệ sinh môi trường. Không gian đô thị không gói gọn mà cũng được quy hoạch mở rộng phát triển toàn diện về các hướng.

Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau, Bùi Tứ Hải cho biết: Ðể việc quy hoạch không bị phá vỡ, thời gian qua, các cơ quan chuyên trách của thành phố đã tăng cường công tác quản lý quy hoạch, chấn chỉnh hoạt động xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được duyệt, nhất là các tuyến hẻm tự mở, các khu tái định cư và nhà ở xã hội tại các phường 4, phường 9 và các khu vực ven sông…

Là một trong ba đô thị động lực của tỉnh, là đô thị hạt nhân vùng Tây Nam Tổ quốc và là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh Cà Mau cho nên thời gian qua, Ðảng bộ TP Cà Mau tập trung quyết liệt, ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ về đô thị và xây dựng nông thôn mới. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố thực hiện 97 công trình với tổng mức đầu tư hơn 816 tỷ đồng. Ðến nay, đã có 69 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy kết quả, tạo chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội và góp phần tạo nên dáng dấp mới cho đô thị trẻ này.

Nổi bật trong số đó là Dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) - Tiểu dự án TP Cà Mau. Nhờ dự án trên, TP Cà Mau đã nâng cấp và cải tạo được 205 tuyến đường/hẻm trong các khu có thu nhập thấp với chiều dài hơn 51.200 m, xây dựng mới 3.000 m đường và kè ven sông, nâng cấp và xây dựng mới 16 trường học, 8 trụ sở sinh hoạt cộng đồng, 4 công viên cây xanh, 2 khu chợ, xây dựng mới 900 lô nền tái định cư với diện tích gần 12 ha để bố trí tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án.

Tiểu dự án nâng cấp đô thị vùng ÐBSCL tại TP Cà Mau đã giúp gần 200 nghìn người dân đô thị được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp, góp phần quan trọng phát triển dân sinh, cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị, đóng góp rất lớn để TP Cà Mau hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II như hôm nay. Ðồng chí Lê Tuấn Hải, quyền Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau, chia sẻ: Ở những nơi “tấc đất, tấc vàng” thì thành công lớn nhất trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị chính là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhận được sự chia sẻ, đồng thuận cao của người dân, tạo điều kiện tốt về mặt bằng để triển khai các công trình được thuận lợi, nhanh chóng.

Thời gian qua, các cấp ủy TP Cà Mau còn đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, tăng cường sắp xếp trật tự và vệ sinh môi trường nội ô, khắc phục từng bước tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông. Chính quyền TP Cà Mau còn huy động hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn. Nhờ đó mà đến nay, cả bảy xã của TP Cà Mau đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; thành phố gần như hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II và đạt được 48 trong tổng số 59 tiêu chí của đô thị loại I (đạt 68 trong tổng số 100 điểm).

Hướng đến đô thị loại I

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị mà trong nhiệm kỳ qua, Ðảng bộ TP Cà Mau thực hiện đạt và vượt 8 trong tổng số 11 chỉ tiêu nghị quyết. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Bạch Ðằng đánh giá: Ðảng bộ TP Cà Mau đã luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, tổ chức thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 11 đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Xây dựng Ðảng bộ, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; thực hiện có hiệu quả các đề án đã được phê duyệt; tập trung đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng nông thôn mới, phường văn minh đô thị…, tạo điều kiện quan trọng giúp thành phố đẩy nhanh tốc độ phát triển các mặt về kinh tế - xã hội.

Một trong những thành công lớn của Ðảng bộ TP Cà Mau trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) và nâng cao chất lượng dịch vụ công (Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 4-7-2016 của Ban Chấp hành Ðảng bộ TP Cà Mau). Ðến nay, công tác CCHC các cấp trên địa bàn TP Cà Mau đã có sự chuyển biến tích cực; trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức trong công tác CCHC chuyển biến rõ rệt. Ðó cũng là nguyên nhân giúp kết quả thực hiện công tác CCHC của thành phố đạt hơn 90% các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, tỷ lệ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính chiếm hơn 97%...

“Có được những kết quả bước đầu tích cực như vậy, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác CCHC, Thành ủy chỉ đạo UBND thành phố Cà Mau xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể và các kế hoạch theo từng lĩnh vực phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để thực hiện có hiệu quả công tác CCHC”, Bí thư Thành ủy Cà Mau Phạm Thành Ngại chia sẻ.

Ðến nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) được Chủ tịch UBND tỉnh công bố áp dụng chung tại UBND thành phố là 296, liên thông ngoài danh mục TTHC là 34; cấp xã là 161 thủ tục. Tổng số TTHC áp dụng tại UBND thành phố thực hiện mức độ 3 là 197, mức độ 4 là 37 thủ tục của mức độ 3. Tổng số TTHC áp dụng tại UBND cấp xã thực hiện mức độ 3 là 71, mức độ 4 là 5 thủ tục của mức độ 3. Các TTHC được niêm yết công khai tại đơn vị và tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố và xã, phường theo thẩm quyền giải quyết; cung cấp đầy đủ các mẫu đơn, mẫu tờ khai... đáp ứng nhu cầu của tổ chức và cá nhân đến liên hệ thực hiện TTHC; cập nhật kịp thời danh mục TTHC và thông tin cần thiết trên Trang thông tin điện tử thành phố để doanh nghiệp và người dân thuận tiện tra cứu.

Công tác cải cách, đơn giản hóa TTHC gắn liền với việc tăng cường, đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Ðến nay, TP Cà Mau đã rút ngắn 30% thời gian giải quyết TTHC của một số lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Ðầu tư; Xây dựng - Ðô thị; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tư pháp. UBND thành phố cũng đồng thời: Tiến hành sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy làm việc, bảo đảm chuyên trách, hiệu quả, hoạt động ổn định theo mô hình một cửa liên thông theo hướng hiện đại; triển khai thực hiện có hiệu quả phần mềm một cửa điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố và xã, phường, các cơ quan, đơn vị có liên quan đến TTHC. Nhờ đó mà tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước và đúng hẹn đạt tới 98%.

Nhằm từng bước hiện đại hóa hành chính công, TP Cà Mau còn đẩy mạnh và thực hiện tốt ứng dụng phần mềm quản lý công việc liên thông (VIC), mang lại hiệu quả công việc giữa các cơ quan, đơn vị và quá trình xử lý văn bản đi, đến. Hiện, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thành phố sử dụng VIC đạt mức từ 79% đến 88%; 100% cơ quan thuộc UBND thành phố sử dụng và trao đổi văn bản điện tử trong công việc. Ðây được xem là một trong những khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình CCHC và triển khai chính phủ điện tử trên địa bàn TP Cà Mau, góp phần nâng chất lượng dịch vụ công, giảm đáng kể thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp và tránh được tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu trong một bộ phận cán bộ làm công tác chuyên trách… Ðó cũng là một trong những lý do ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm đến TP Cà Mau thực hiện các dự án lớn, nhất là các dự án về thương mại, dịch vụ, như: Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, Khách sạn Mường Thanh, Trung tâm thương mại Sense City, Trung tâm thương mại và Shophouse, shopvilla Vincom Cà Mau…

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp mang lại hiệu quả mà trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế TP Cà Mau tiếp tục phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,23%/năm. So với năm 2015, tổng giá trị sản xuất 5 năm của TP Cà Mau tăng 2,16 lần, quy mô các ngành kinh tế tăng 1,52 lần, tỷ trọng ngành dịch vụ hiện chiếm tới 62,30%, ngành công nghiệp chiếm 33,67%, ngành nông nghiệp chỉ còn 4,03%, thu nhập bình quân đầu người đạt 133 triệu đồng/người/năm, tăng 1,64 lần và hộ nghèo chỉ còn 0,49%.

“Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 tới đây, một trong ba nhiệm vụ trọng tâm mà Ðảng bộ TP Cà Mau sẽ quyết tâm thực hiện là tập trung huy động, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển thành phố đạt tiêu chí đô thị loại I”, Bí thư Thành ủy Cà Mau Phạm Thành Ngại cho biết. Ðồng chí nêu rõ bốn đột phá chiến lược sẽ tập trung triển khai, gồm: Ðẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, trường học, các khu đô thị mới; phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh; chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng ven thành phố, trọng tâm là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khắc phục ô nhiễm môi trường các dòng sông; đầu tư phát triển “kinh tế đêm” và sản phẩm du lịch trên sông trong lòng thành phố.

Một số chỉ tiêu chủ yếu quan trọng của TP Cà Mau nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phấn đấu các tiêu chí đô thị loại I đạt từ 75 điểm trở lên; Tổng vốn đầu tư xã hội tăng bình quân hằng năm 10,5%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý 98%; Xây dựng 5 phường đạt chuẩn “Phường văn minh đô thị”, 5 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”; Tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo (không kể truyền nghề) chiếm 75%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,3%; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị chiếm 84%; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành chiếm 97%; Tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố chiếm 95%; Tỷ lệ đô thị hóa 66%...

Hữu Tùng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/thanh-pho-tre-hoi-nhap-phat-trien-614254/