Thành phố Thủ Đức đạt 3 triệu dân vào năm 2060

Thành phố này sẽ đảm bảo các chỉ tiêu cơ bản về quy hoạch đô thị nhằm chuẩn bị cho các nhu cầu của tương lai như: giao thông công cộng đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại; 10% diện tích Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố là công viên; 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập.

Sáng 16/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tiếp tục diễn ra với nội dung báo cáo tham luận của các sở, ban, ngành.

Báo cáo về việc phát triển thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết, những năm gần đây, thành phố đã tiến những bước dài trên con đường phát triển về thương mại, dịch vụ, công nghệ và hạ tầng đô thị. Đặc biệt tại khu vực phía Đông thành phố, hạ tầng giao thông đô thị đa phương thức có nhiều chuyển biến mạnh mẽ với sự xuất hiện hàng loạt công trình trọng điểm như đường Mai Chí Thọ và đường hầm vượt sông Sài Gòn, đường Vành đai Đông thành phố (Vành đai 2), đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1)… Đồng thời, khu vực phía Đông này bước đầu hình thành những trung tâm mới về tài chính tại Thủ Thiêm - Quận 2, Khu nghiên cứu khoa học - Khu công nghệ cao tại Quận 9 và quận Thủ Đức.

Ông Nguyễn Thanh Nhã trình bày tham luận tại Đại hội (Ảnh: BTC cung cấp)

Ông Nguyễn Thanh Nhã trình bày tham luận tại Đại hội (Ảnh: BTC cung cấp)

Đây là một trong những tiền đề để thành phố đưa ra ý tưởng xây dựng Khu phía Đông của thành phố (gồm 3 quận: Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức) trở thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, trở thành hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố và khu vực phía Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế tri thức của thế giới.

Từ đó, UBND TPHCM đã triển khai đề án “Hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố”, tiến hành song song với công tác nghiên cứu lập quy hoạch không gian đô thị.

Đề án xác định các mục tiêu cốt lõi là trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thành phố và khu vực dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển; TPHCM sẽ hình thành nguồn nhân lực tiên tiến, tăng cường kết nối để tạo cơ hội mới, cân bằng phát triển và môi trường thiên nhiên; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội và quản lý nhà nước hướng đến thành lập Thành phố phía Đông.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, thành phố Thủ Đức đảm bảo các chỉ tiêu cơ bản về quy hoạch đô thị, bao gồm: dân số cư trú sẽ đạt mức 1,5 triệu người vào năm 2030, đạt mức 1,9 triệu người vào năm 2040 và đạt mức 3 triệu người vào năm 2060. Quy hoạch đô thị cũng sẽ tính toán cho mức dân số tối đa để chuẩn bị cho các nhu cầu của tương lai, trong đó, giao thông công cộng đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại; 10% diện tích Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố là công viên; 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập; mạng lưới đường trục chính đô thị cần hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường từ 4 - 6 km. Đến năm 2040 đảm bảo chống ngập tới tần suất 80% (5 năm mới xảy ra ngập 1 lần).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các vị lãnh đạo xem sa bàn quy hoạch TPHCM trong ngày khai mạc Đại hội, sáng 15/10 (Ảnh: Ngô Tùng)

Theo ông Nhã triển khai thực hiện Khu đô thị sáng tạo sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại khu vực, phát triển đô thị nhanh và bền vững, cải thiện chất lượng và khả năng cạnh tranh của thành phố. Để án đề xuất nhiều nhóm giải pháp cốt lõi, đồng bộ để thực hiện, gồm: giải pháp về quy hoạch; giải pháp về quản lý đất đai, tài sản đô thị; giải pháp về đầu tư và thu hút đầu tư; giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng số và chuyển đổi số; giải pháp về quản lý; giải pháp về nghiên cứu và giáo dục; giải pháp về xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp.

“Việc quy hoạch, đầu tư và hợp tác để xây dựng một khu đô thị sáng tạo không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, tài chính mà còn mang đến cơ hội quy hoạch phát triển đô thị dài hạn bền vững, thích ứng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện của thành phố”, ông Nguyễn Thanh Nhã nói.

Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Ảnh: BTC cung cấp)

Khu vực phía Đông thành phố bao gồm Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000ha (khoảng 10% diện tích thành phố) và quy mô dân số hơn 1.013.000 người (chiếm 12% tổng dân số thành phố). Hiện nay, khu vực này đang sở hữu nhiều thế mạnh nổi trội của thành phố như: là trung tâm miền Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận; là khu vực đặc biệt thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối, vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức bao gồm hàng hải, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa. Cạnh đó, nơi đây tập trung hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Khu vực này cũng đã cơ bản hình thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc tại Quận 2 với chức năng chính là trung tâm thương mại - tài chính quốc tế, dịch vụ và dân cư hiện đại.

Ngô Tùng - Huy Thịnh - Văn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/thanh-pho-thu-duc-dat-3-trieu-dan-vao-nam-2060-1736223.tpo