Thành phố Thủ Đức chính thức hoạt động từ ngày 1/3/2021

Lãnh đạo UBND TPHCM tiếp tục đề xuất Trung ương cho tăng thêm 1 Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức cùng với việc xử lý một số nhiệm vụ về tài chính – ngân sách còn tồn đọng thuộc thẩm quyền HĐND quận 2, 9 và Thủ Đức trước khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập để TP Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ 1/3/2021.

Sáng 24/12, tại TPHCM, Bộ Nội vụ và UBND TPHCM tổ chức phiên họp thứ 2 ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì phiên họp.

Góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ, UBND TPHCM đề nghị cho phép UBND phường và các đơn vị sử dụng ngân sách của TP thuộc TPHCM lập báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách năm 2020 và những tháng năm 2021 khi còn là đơn vị thuộc 3 quận 2, 9 và Thủ Đức để báo cáo Phòng Tài chính – Kế hoạch TP thuộc TPHCM xét duyệt, thẩm định và tổng hợp, lập báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách, báo cáo UBND TP thuộc TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì phiên họp

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì phiên họp

UBND TP thuộc TPHCM lập quyết toán ngân sách địa phương trình HĐND cùng cấp phê chuẩn quyết toán thu ngân sách nhà nước, thu, chi ngân sách địa phương năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 của quận 2, 9, Thủ Đức và báo cáo UBND TPHCM, Sở Tài chính TPHCM.

Theo UBND TPHCM, quy định như trên là nhằm xử lý các nhiệm vụ về tài chính – ngân sách còn tồn đọng thuộc thẩm quyền của HĐND quận 2, 9 và Thủ Đức trước khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, trong đó có nhiệm vụ quyết toán thu ngân sách nhà nước, thu, chi ngân sách địa phương năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 của quận 2, 9 và Thủ Đức.

“Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (điều 134) quy định: Trường hợp nhiều đơn vị hành chính nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì đại biểu HĐND của các đơn vị hành chính cũ được hợp thành HĐND của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ. Trong khi đó, TP Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2021 và HĐND quận 2, 9 và Thủ Đức cũng kết thúc nhiệm vụ tại thời điểm này”, báo cáo góp ý của UBND TPHCM cho biết.

Tại phiên họp sáng 24/12, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục đề xuất số lượng Phó Chủ tịch UBND TP trực thuộc TP HCM không quá 4 người; số lượng các cơ quan chuyên môn có không quá 13, trong đó có 3 cơ quan khác. Trong số 3 cơ quan khác, tùy tình hình thực tiễn có thể thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ.

Trước đó, tại lần góp ý thứ nhất ngày 19/12, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đề xuất Trung ương xem xét thêm về số lượng phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức có tối đa là 4 người.

Trong khi đó, tại khoản b, Điểm 2, Điều 28 dự thảo quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND TP thuộc TP HCM và cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn có không quá 5 cho đến hết nhiệm kỳ.

Chậm nhất là 5 năm kể từ ngày Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP thuộc TP HCM có hiệu lực thi hành, số lượng cấp phó của UBND TP thuộc TPHCM thực hiện theo quy định của pháp luật (không quá 3 người).

Trụ sở UBND Quận Thủ Đức sẽ được trưng dụng làm trụ sở của chính quyền TP Thủ Đức

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, sau phiên họp góp ý lần 1 vào ngày 19/12, các ý kiến góp ý đã được khẩn trương tổng hợp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Dự thảo mới nhất gồm 8 Chương, 46 Điều (tăng 1 Chương, 2 điều so với dự thảo góp ý ngày 19/12).

Cụ thể, Chương 1 là Quy định chung. Chương 2 là về tổ chức và hoạt động của UBND quận, chế độ trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận. Chương 3 là về tổ chức và hoạt động của UBND phường, chế độ trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường. Chương 4 là về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP thuộc TPHCM. Chương 5 quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND quận và UBND phường.

Chương 6 quy định về lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách quận, phường. Chương 7 là về tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Riêng chương 8 quy định về điều khoản thi hành.

TP Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có diện tích khoảng 211 km2, trên cơ sở sáp nhập diện tích tự nhiên các quận 2, 9 và Thủ Đức với tổng dân số hơn 1 triệu người. Dự kiến TP Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM, 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.

Huy Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/thanh-pho-thu-duc-chinh-thuc-hoat-dong-tu-ngay-132021-1768886.tpo