Thành phố thông minh từ góc nhìn FDI

Một trong những trọng tâm phát triển của TP HCM trong mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, là xây dựng TP thông minh.

Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2018 với chủ đề “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TPHCM nhanh và bền vững” ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết, trong tương lai, TP HCM muốn xây dựng khu đô thị sáng tạo thành hạt nhân của sự phát triển công nghệ cao, của cuộc cách mạng 4.0 và trong tương lai trở thành đầu tàu để phát triển TP HCM, là trung tâm thông minh nhất của TP HCM. Nhiều đại diện đến từ các tổ chức, hiệp hội, các doanh nghiệp FDI chia sẻ họ sẵn lòng hiến kế, cùng TP HCM phát triển đô thị thông minh.

Ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore cho rằng, TP HCM và nhiều đô thị khác ở Việt Nam đang có nhu cầu xây dựng thành phố thông minh, đây là bước đi cần thiết để hiện đại hóa đô thị và giải quyết các vấn đề nóng như hạ tầng giao thông, môi trường, cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, Việt Nam phải có chính sách cởi mở hơn đối với các lĩnh vực đầu tư vào dịch vụ công nghệ.

Trên thực tế thì rõ ràng chính sách về dịch vụ công nghệ của Việt Nam so với Singapore, vẫn còn rất nhiều rào cản không chỉ với doanh nghiệp FDI mà cả chính doanh nghiệp trong nước. Trường hợp Sơn Kova phải đi đăng ký nhãn hiệu ở Singapore thay cho trong nước là 1 ví dụ.

Theo bà Saranya Skonnarak, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan yếu tố nhân lực với chất lượng nguồn cao cần được xem như một chìa khóa để thu hút FDI và quyết định sự thành công của đề án.

Bà Saranya Skonnarak cho biết, trong thu hút đầu tư nước ngoài, lao động TP HCM nói riêng, Việt Nam nói chung không còn nhiều lợi thế về giá nhân công. Vì vậy, phải có giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng lao động. Bởi theo bà, thành phố thông minh là để phục vụ nhu cầu của con người, do đó để xây dựng thành phố thông minh không chỉ cần có công nghệ hiện đại mà còn phải có đội ngũ nhân sự có trình độ, năng lực vận hành hệ thống và đủ khả năng thụ hưởng những tiện ích mà nó mang lại.

Mặc dù mới chỉ là những góp ý và hứa hẹn ban đầu, song với sự cam kết đầu tư dài hạn và thực tế đã đồng hành cùng sự phát triển của đầu tàu kinh tế Việt Nam suốt những năm qua - xem Việt Nam như một ngôi nhà thứ hai để đầu tư sản xuất kinh doanh và gắn bó với mảnh đất này, sự hiện diện và hưởng ứng, quan tâm của doanh nghiệp FDI với đề án đô thị thông minh nói riêng, những nội dung phát biểu, hiến kế của các doanh nghiệp nói chung, theo Chủ tịch UBND TP HCM, rất có ý nghĩa và thực sự quan trọng. Thành phố sẽ lắng nghe, ghi nhận và bổ sung để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển của thành phố, cũng như của một đô thị thông minh không xa trong tương lai.

Thừa Ân

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thanh-pho-thong-minh-tu-goc-nhin-fdi-128264.html