Thành phố thông minh, tại sao không?

Không dễ dàng để định nghĩa thế nào là thành phố thông minh. Các thành phố thông minh có mẫu số chung: Áp dụng nhiều đến kỹ thuật số và internet trong nhiều lĩnh vực, như giao thông công cộng, xử lý môi trường; ưu tiên dùng năng lượng sạch, tiết kiệm nước…

Tuy nhiên, thông thường khái niệm “Thành phố thông minh” (Smart City) là thành phố có những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị phù hợp với các thành phố dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT, Big Data, AI, SMAC… giúp quản lý hiệu quả hoạt động của thành phố và đem lại các tiện ích thiết thực, an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của chính quyền, tổ chức, DN

.Ở một thành phố thông minh, chính quyền sẽ xây dựng nguồn dữ liệu chung đáng tin cậy để làm cơ sở ra các quyết định dài hạn mang tính chiến lược. Dự liệu lớn và tin cậy được xem là điều kiện cần cho một thành phố thông minh.

Câu chuyện từ New York

Đây là thành phố được đánh giá là thông minh nhất trên thế giới, thể hiện ở việc giải quyết các vấn đề: Chiếu sáng đường phố, chất lượng nước và bảo tồn, quản lý chất thải và chất lượng không khí một cách hiệu quả.

Chính quyền New York năm 2013 đã khởi động một chương với hơn 350 triệu USD nhằm trang bị đèn LED thay thế cho đèn huỳnh quang, đèn sợi đốt cho hơn 650 tòa nhà thuộc sở hữu của 16 cơ quan thành phố. Ngoài ra, hệ thống chiếu đèn được điều khiển bằng thiết bị thông minh thay cho điều khiển thủ công. Dự án này tiết kiệm hơn 800.000 USD mỗi năm, đồng thời giảm được 900 tấn khí thải GHG.

Dự án này giúp các tòa nhà giảm lượng tiêu thụ điện năng, dùng điện hợp lý hơn, thông minh hơn. Do được lập trình thông minh, ở mỗi tòa nhà, điện chiếu sáng có thể đáp ứng mức sáng khác nhau ở những thời điểm và địa điểm khác nhau.

New York cho phép chủ tòa nhà hợp đồng với các công ty thiết kế, lắp đặt chế độ ánh sánh thông minh, sau đó chính quyền xem xét và hoàn tiền cho chủ đầu tư.

Đó là câu chuyện về điện, còn về nước, New York cũng là thành phố sớm ý thức về tiết kiệm và tài sử dụng tài nguyên ngày càng hiếm đi này. Với dân số trên 8,5 triệu người, New York sử dụng 1 tỷ gallon (3,7 lít) nước mỗi ngày. Thành phố triển khai hệ thống đọc đồng hồ tự động (AMR) quy mô lớn để có được thông tin nhanh hơn về mức tiêu thụ nước, đồng thời cung cấp cho khách hàng công cụ hữu ích để kiểm tra lượng nước sử dụng mỗi ngày.

Các AMR được cài đặt cho hơn 800.000 nhà, căn hộ, có các thiết bị cảm biến kết nối với các máy thu gắn trên mái nhà, để thông báo về trung tâm điều khiển. Trung tâm này sẽ thông báo mức tiêu thụ nước cho khách hàng từng ngày, thậm chí từng giờ tùy theo quy mô tiêu thụ. Trung tâm cũng nhờ dữ liệu này để lập hóa đơn với độ chính xác khá cao.

AMR cũng tích hợp với một ứng dụng điện thoại thông minh cảnh báo khách hàng về rò rỉ nước tiềm ẩn khi phát hiện ra những đột biến bất thường trong tiêu thụ nước. Với sự phát hiện sớm sự rò rỉ này đã giúp các khách hàng tiết kiệm 73 triệu USD mỗi năm.

Tại New York, hai biện pháp hiệu quả để giảm mức tiêu thụ nước là tái chế “nước xám” - Greywater và thu hồi nước mưa.

Greywater là nước thải không bao gồm nước thải từ nhà vệ sinh, nó có thể dùng để xả bồn cầu, tưới cây. Sử dụng loại nước này giúp giảm tiêu thụ nước sạch một lượng lớn.

Nước mưa ở New York được thu hồi nhằm 2 mục đích: Sử dụng vào việc xây dựng; ngăn không cho vào hệ thống cống chung, giúp hệ thống này không quá tải khi thoát nước. New York trang bị 40 trạm quan trắc chất lượng nước trên khắp thành phố, nhằm phản ứng nhanh khi nước có vấn đề, đảm bảo cho an ninh nguồn nước.

Mỗi ngày, New York có lượng rác thải khoảng 10.500 tấn, lớn nhất so với các thành phố khác trên thế giới. Thành phố này đã dùng BigBelly - một loại thùng rác thông minh có lắm cảm biến không dây. Cảm biến ở thùng rác sẽ báo mức độ đầy vơi rác trong thùng, giúp xe thu gom rác lên lịch trình lấy rác hiệu quả.

Thùng rác có trang bị máy nén rác chạy bằng pin mặt trời, giúp thùng chứa được rác gấp 5 lần so với thùng thông thường. Hệ thống thùng rác thông minh giúp New York tăng hiệu quả thu gom rác lên từ 50 - 80%.

Thực tế, New York là thành phố thông minh không chỉ ở những khía cạnh nói trên. Thành phố này còn ứng dụng kỹ thuật số, internet trong nhiều lĩnh vực quản lý đô thị, giao thông công cộng, siêu thị…

Những thành phố thông minh khác

Seoul: Mới đây, chính quyền TP Seoul (Hàn Quốc) tuyên bố sẽ lắp đặt 50.000 cảm biến thông minh internet vạn vật (IoT) trên toàn thủ đô vào năm 2020 để thu thập thông tin về bụi mịn, giao thông và các vấn đề khác liên quan đến cuộc sống của người dân, theo báo cáo của Yonhap News Agency. Ngoài ra, năm nay, thành phố cũng có kế hoạch giới thiệu dịch vụ đỗ xe chung sử dụng cảm biến IoT để cho phép người dân kiểm tra tình hình chỗ đậu của bãi đậu xe công cộng.

Singapore: Thành phố này đã triển khai một hệ thống giao thông gọi là One Monitoring, giúp người dân có thể truy cập thông tin giao thông được thu thập từ các camera giám sát được lắp đặt trên đường và xe taxi bằng GPS.

Singapore cũng đã triển khai hệ thống hướng dẫn đỗ xe, cung cấp cho người lái xe thông tin theo thời gian thực về tình trạng chỗ đỗ xe. Trước đó, năm 2015, thành phố cũng giới thiệu thùng rác thông minh như một phần của chương trình quản lý rác thải thông minh.

Tokyo: Một trong những khu vực đô thị có tỷ lệ năng suất lao động cao, nổi bật trong bảng xếp hạng về kinh tế và vốn nhân lực. là thành phố tổ chức Thế vận hội Olympic vào năm 2020, Tokyo sẽ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để cải thiện an ninh. Thành phố cũng sẽ sử dụng taxi không người lái để đưa đón vận động viên và du lịch.

Paris: Thủ đô nước Pháp đang trong giai đoạn phát triển Grand Paris Express bao gồm 127 dặm đường tàu điện ngầm tự động hoàn toàn với 68 trạm mới. Trong tương lai, thành phố cũng sẽ thay thế toàn bộ 4.500 xe buýt của bằng xe điện hoặc khí đốt tự nhiên (NGV).

London: Được xem là trung tâm trong các lĩnh vực như nghệ thuật, thương mại, giáo dục, giải trí, thời trang, tài chính, truyền thông, nghiên cứu, du lịch và giao thông của thế giới. London là thành phố được đánh giá cao khi nói đến vốn nhân lực, và nó cũng được công nhận về tính năng động và giao thông thuận lợi, tiếp cận quốc tế, kinh tế, quản trị, công nghệ và quy hoạch đô thị…

Việt Nam không đứng ngoài xu hướng phát triển thành phố thông minh. Theo Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (Vinasa), hiện nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, áp lực xây dựng thành phố thông minh ngày càng gia tăng do siêu đô thị xuất hiện ngày càng nhiều.

Theo PwC (1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) dự báo, đến năm 2030, trên toàn cầu, 43 thành phố sẽ có từ 10 triệu dân trở lên. Riêng tại Việt Nam, theo phân tích số liệu của PwC, tốc độ tăng trưởng đô thị hóa đã được tăng nhanh từ 19,6% (2009) lên 36% (2018) và dự kiến 45% (2020).

Xây dựng thành phố thông minh là một giải pháp để giúp các siêu thị giải tỏa những áp lực, nâng cao chất lượng sống cư dân, cũng như sức cạnh tranh cho từng đô thị. Việt Nam hiện đã có trên 30 tỉnh, thành đã hợp tác với các đối tác công nghệ để thiết kế và phát triển lộ trình thực hiện thành phố thông minh.

Thông thường, khái niệm “Thành phố thông minh” (Smart City) là thành phố có những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị phù hợp với các thành phố dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT, Big Data, AI, SMAC… giúp quản lý hiệu quả hoạt động của thành phố và đem lại các tiện ích thiết thực, an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của chính quyền, tổ chức, DN.

Thế Phong

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xu-huong-thanh-pho-thong-minh-tai-sao-khong-377672.html