Thành phố nào sẽ chìm xuống biển đầu tiên khi nước biển dâng?

Trái Đất không phải là vật thể hoàn toàn rắn - điều này làm cho việc dự đoán sự ăn mòn của các đường bờ biển trở nên khó khăn hơn

Những hiểu biết khoa học về sự nóng lên toàn cầu làm cho các cuộc thảo luận về hậu quả địa chính trị của nó ngày càng cấp bách. Nói một cách đơn giản, sẽ có người chiến thắng và kẻ thua cuộc: những nơi nóng hơn và những nơi lạnh hơn; những nơi ẩm ướt hơn và những nơi khô hơn và tất nhiên là có những nơi biến mất dưới nước biển. Nhưng thực tế thì phức tạp hơn một chút. Đặc biệt là mực nước biển có dâng lên hay xuống không? Câu trả lời có vẻ rõ ràng hơn khi bạn xem xét việc Nam Cực đã mất 3 nghìn tỷ tấn băng trong 25 năm qua.

Tuy nhiên, để hiểu những gì đang diễn ra, trước hết chúng ta phải biết rằng Trái đất không phải là hoàn toàn rắn. Thủa ban đầu cách đây 4,5 tỷ năm trước nó như một quả bóng của chất lỏng nóng và dần dần được làm mát kể từ đó. Ngay tại trung tâm của Trái đất là lõi kim loại được làm bằng sắt và niken ở nhiệt độ khoảng 5.000 độ C. Lõi này được bao quanh bởi một đại dương kim loại nóng chảy dày xấp xỉ 2.000 km, vẫn chủ yếu là sắt và niken. Tầng bao phủ tiếp theo là một lớp đá có nhiệt độ từ 500 độ C đến 900 độ C. Ở nhiệt độ nóng đỏ này, đá tồn tại ở dạng chất rắn trong thời gian ngắn (tính theo giây, giờ hoặc ngày) nhưng ở dạng chất lỏng trong thời gian dài hơn (khoảng vài tháng đến nhiều năm) - vì vậy mặc dù đá không hoàn toàn bị nóng chảy nhưng nó vẫn dịch chuyển như chất lỏng. Ở trên cùng, bao quanh các lớp vật chất đó là lớp vỏ ngoài cùng của Trái Đất. Nó là một lớp đá khá mỏng, dày từ 30 đến 100km và chứa tất cả các ngọn núi, rừng, sông, biển, lục địa - thế giới của chúng ta.

Vì lớp vỏ Trái Đất đang trôi nổi trên lớp chất lỏng, nên nếu bạn tăng trọng lượng của nó, ví dụ, tăng thêm băng trên đỉnh nó, nó chìm sâu hơn vào lớp nền. Đây là những gì đã xảy ra với các vùng đất của Nam cực và Greenland, cả hai đều được bao phủ trong 2km đến 3km băng dày. Nếu hâm nóng toàn cầu làm nguyên nhân khiến băng tan chảy, thì mực nước biển của đại dương sẽ tăng hơn 50 mét, làm ngập tất cả các thành phố ven biển trên thế giới và khiến hàng trăm triệu người vô gia cư. Điều này có vẻ hiển nhiên. Điều ít rõ ràng hơn là nó diễn ra như thế nào.

Chim cánh cụt trên tảng băng trôi

Nếu toàn bộ dải băng bao phủ Nam Cực tan chảy, việc này sẽ gây giảm trọng lượng của châu lục và phá hủy những tầng đá bên dưới, bởi vì tầng phía trên sẽ nổi lên và bật ra. Điều này được gọi là phục hồi sau băng. Vị trí của Greenland tương tự như vậy: lớp vỏ bên dưới nó đang bị đè nặng bởi 3 triệu tỷ lít nước được giữ trong băng, và nếu lớp băng đó tan chảy thì một phần của vùng đất kiến tạo Bắc Mỹ sẽ bật cao lên. Nếu kết quả tăng chiều cao của lục địa lớn hơn mực nước biển dâng thì chúng ta có thể tránh được lũ lớn. Nghiên cứu kịch bản nào có nhiều khả năng sống sót là cực kỳ quan trọng đối với các thế hệ tương lai, bởi vì một trong những kịch bản này sẽ bắt đầu diễn ra nếu sự nóng lên toàn cầu tăng lên.

Điều chúng ta biết là: mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng 20cm kể từ đầu thế kỷ 20. Điều này đã được chứng minh bằng các hiện tượng như nhiệt độ nước biển tăng dẫn đến sự tăng thể tích của các đại dương. Một số sự gia tăng mực nước biển là do các dải băng Greenland, Nam Cực và các sông băng khác tan chảy. Mực nước biển dâng cao là vấn đề toàn cầu. Chúng ảnh hưởng đến tất cả mọi nơi có đường bờ biển, từ những hòn đảo nhỏ bé giữa Thái Bình Dương sẽ bị ngập hoàn toàn đến một đất nước khổng lồ như Bangladesh, nơi mực nước biển dâng cao một mét sẽ dẫn đến gần 1/5 đất nước bị ngập và 30 triệu người phải di tản. Nhưng trong khi mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến tất cả mọi người, sự phục hồi sau băng chỉ ảnh hưởng đến các khu vực bị đè nặng bởi các dải băng như Greenland và Nam Cực.

Thật khó để đánh giá tầm quan trọng của vấn đề này. Chúng ta cần nhiều dữ liệu và hiểu biết khoa học hơn về các quá trình này. Một số lượng hạn chế các vệ tinh chuyên dụng như CryoSat, GRACE và ICESat-2 đang được sử dụng để giám sát độ dày của băng và phát triển các mô hình hồi phục sau băng. Những gì khoa học dự đoán là nếu băng tan đầu tiên ở bán cầu bắc, thì Greenland có thể tăng cao hơn mực nước biển trung bình, cũng như các phần còn lại của Bắc Mỹ và do đó mực nước biển ban đầu có thể đi xuống. Nếu ngược lại xảy ra và băng Nam Cực tan chảy trước thì các mảng kiến tạo phía Nam sẽ bị đội lên đầu tiên và toàn bộ bờ biển phía Đông Bắc Mỹ sẽ chìm xuống nước trước. Nhưng ẩn số lớn nhất là tốc độ băng sẽ tan ở mỗi vị trí và tốc độ phục hồi sau băng sẽ nhanh như thế nào. Chúng ta cần hiểu rõ hơn về các quy trình này để ngăn chặn thảm họa.

Những vấn đề này nên được quan tâm nhiều hơn. Gần đây, Bộ trưởng môi trường Pháp đã từ chức do sự thiếu tiến bộ và cấp bách của các chủ tịch về các vấn đề biến đổi khí hậu. Khi làm như vậy, ông bày tỏ yêu cầu của toàn thể cộng đồng khoa học đến các nhà lãnh đạo thế giới - chúng ta cần thay đổi hành động của chính phủ. Nhưng có một sự bất cập: không phải tất cả các chính phủ đều cảm thấy các vấn đề khí hậu đang rất cấp thiết. Tại sao? Có lẽ đó là bởi vì sẽ có những người chiến thắng và kẻ thua cuộc từ sự nóng lên toàn cầu. Ví dụ, các nước như Nga sẽ ít bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao và có thể hưởng lợi từ khí hậu ôn hòa hơn. Ngược lại, Hoa Kỳ sẽ không những có thêm các vùng hạn hán mới mà còn bị đe dọa sẽ mất đi bờ biển phía Đông bởi sự tan băng ở Nam cực. Khi thời gian tiếp tục trôi và băng tiếp tục tan, vấn đề sẽ trở nên rõ ràng và nếu các quốc gia không có động lực để giảm thiểu biến đổi khí hậu, những cuộc chiến tranh xung đột hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngọc Bích (Theo Guardian)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/thanh-pho-nao-se-chim-xuong-bien-dau-tien-khi-nu%C3%B3c-bi%E1%BA%BBn-dang/20181004125625559