Thành phố Merv Hoàng hậu sa mạc

Và tôi đã có dịp ghé thăm thành phố Merv ở miền Nam Turkmenistan, để thăm thú những tàn tích phủ đầy bụi phơi mình trong gió.

Nơi cất giữ văn hóa người Turk

Là du khách nên tôi được ưu tiên làm thủ tục nhập cảnh, chỉ bị kiểm tra qua loa phần hành lý với câu hỏi nhẹ nhàng từ anh công an cửa khẩu: “Bạn mang theo bao nhiêu điếu thuốc lá?”. “Hai bao thuốc thơm theo quy định chính phủ Turkmenistan” - tôi trả lời. Sở dĩ tôi mang theo 2 gói thuốc lá vì biết ở Turkmenistan không có rượu, thuốc lá và chính phủ nước Trung Á này chỉ cho phép mỗi khách du lịch được mang tối đa 2 gói thuốc.

Tôi lên một chiếc taxi bắt đầu cuộc hành trình băng qua sa mạc Karakum để đến Merv. Sau quãng đường dài hơn 250km với nhiều hoang mạc gây ảo giác hình ảnh, những mầm xanh lẻ loi cũng đã hiện ra trong ánh mắt. Người tài xế chỉ cho tôi dòng sông Murghab ẩn khuất xa xa tạo thành ốc đảo xanh trong sa mạc.

Bức tường pháo đài Gawugala được xây dựng vào thế kỷ 6 và là biểu tượng của thành phố Merv (hay Mary) ngày nay.

Bức tường pháo đài Gawugala được xây dựng vào thế kỷ 6 và là biểu tượng của thành phố Merv (hay Mary) ngày nay.

Ông nói đó là thành phố Merv, từ rất lâu được gọi là “Hoàng hậu sa mạc”, khi thành phố cổ xưa trở thành ngã ba giao thương trọng điểm với nhánh đường từ Ashgabat đổ xuống, Turkmenabat hướng lên và rẽ ngang để đến Mashhad. Vào đến thành phố, tôi chia tay người taxi vui tính và dùng bữa cơm trưa muộn tại một quán ven đường với hương vị cá lăng sông Murghab chiên giòn.

Anh chủ quán khi biết tôi từ Việt Nam qua, đã rất nhiệt tình giới thiệu vài nét văn hóa cổ truyền của người Turkic, đặc biệt ngôn ngữ chính của Turkmenistan ngày nay chính là bộ chữ viết phương Nam xứ Thổ. Anh còn sốt sắng đưa tôi ghé thăm thành phố xưa có tên gọi “Mouru” - tên của một loại cây họ “gai bụi” tồn vong ven bìa vũng cát thiên nhiên. Quả thật, Mouru như cây hoa xinh đẹp các vương triều người Turkic cố gắng vun trồng để những cánh hoa màu xanh sự sống vẫn nở thắm qua bốn mùa, trong cái gió cát sa mạc nóng rát.

Chúng tôi đến thăm bức tường thành của pháo đài hoàng gia Kala cao 2m. Qua cổng chính, chúng tôi vào hoàng thành. Các nếp tầng văn hóa được xếp lớp gọn ghẽ lên nhau. Tôi đến Erkgala, bức tường nhỏ nhất với những viên gạch thô sơ, nhưng lại là nền móng đầu tiên khi hoàng đế Darius I của vương triều Achaemenid - Ba Tư thu phục những bộ lạc du mục ở Mouru làm chư hầu. Tôi lang thang lên con đồi già, nơi còn vương lại vài mảng tường cao cùng những ô cửa hình bầu dục, được cho là tòa nhà hành chính Seljuk để ngắm nhìn pháo đài Gawugala xây dựng vào thế kỷ VI bởi vương triều Ba Tư Sassanid, khi Merv còn mang tên Margiana và cũng là bức tường thành tốt nhất Merv còn lưu giữ được trên dòng thời gian.

Hồi sinh pháo đài cổ

Rất tiếc Gawugala đang đóng cửa trùng tu nên tôi không vào được bên trong pháo đài cổ này. Dù sao, ngắm từng khía hình thoi dài kết nối trên bức tường thành, trông giống như những lọn tóc giả buông thả trên khuôn mặt các vị hoàng đế, tôi vẫn cảm nhận được nền văn hóa Ba Tư xưa còn lưu giữ trên vùng đất Trung Á.

Lăng mộ đôi Askbat.

Đó là nam giới hồi đó thích đội tóc giả, xoăn dài để chụp ảnh lưu niệm. Nét đẹp gợn sóng trên mái tóc người Địa Trung Hải đã làm các vị hoàng đế Ba Tư sử dụng lông cừu tô điểm nét văn hóa riêng nhưng cũng trở thành vật chắn, chiếc khăn ấm áp trong gió bụi hành quân.

Ở hướng Nam kinh thành, bức tường Abdyllahangala của hoàng đế Timur vào thế kỷ XV vẫn còn trụ vững. Đáng giá nhất là lăng mộ đôi Askhbat để tưởng niệm 2 vị giáo sĩ Hakim ibn Amr al Jifari và Buraida ibn al Huseib al Aslami đã nằm xuống trên đường truyền bá đạo Hồi từ Tây Á đến Merv vào thế kỷ VII.

Tương truyền, Hoàng đế Sanjar của vương triều Seljuk ký gửi tình yêu vĩnh hằng với hoàng hậu Merv bằng lăng mộ Soltangala lộng lẫy. Kiến trúc lăng mộ Soltangala mở đầu cho dòng mỹ thuật Hồi giáo Tây Á phối trên nền mỹ thuật bản lề Sassanid của Ba Tư. Nhớ về cội nguồn dân tộc, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ tiền trùng tu hình dáng bên ngoài, nhưng vẫn giữ lại các đường nét hoa văn nội thất từ cuối thế kỷ XVII.

Đêm xuống, tôi rời Merv để đến Ashgabat bằng khoang tàu nằm hạng nhất với giá chưa đến 4USD. Merv tàn lụi trong ánh hào quang như con đường Đông Tây đã tắt lịm ánh sáng vào cuối thế kỷ XIX, nhưng giá trị vẫn còn khi các thành phố ốc đảo một thời đã lún chìm sâu vào mớ cát mông lung. Merv là tiền đồ để thành phố Mary ngày nay, lớn thứ tư ở Turkmenistan và nổi tiếng ngành bông vải, đánh dấu vị trí trên bản đồ lịch sử hiện đại.

Turkenistan không miễn visa cho bất cứ quốc gia nào. Do chưa có Đại sứ quán tại Việt Nam, nên để có visa du khách cần liên hệ với Đại sứ quán Turkemistan ở Iran, Azerbaijan và Uzbekistan. Phí visa 50USD có giá trị 5 ngày. Khi làm thủ tục visa, du khách cần nhớ chính xác địa danh cửa khẩu để vào, hay ra khỏi Turkmenistan và thực hiện đúng cửa khẩu biên giới đã đăng ký với Đại sứ quán.

Để có đồng Manat bản địa, du khách có thể đến chợ Nga - thủ đô Ashgabat - để giao dịch đồng ngoại tệ ngoài thị trường chợ đen và đây cũng là địa điểm để mua quà lưu niệm. Giống như các quốc gia Hồi giáo Trung Á, nam giới phải mặc quần dài và nữ choàng khăn dài khi viếng thăm các ngôi giáo đường hay lăng mộ. Du khách có thể chụp ảnh ở các thành phố du lịch, trừ thủ đô Ashgabat. Mạng xã hội tra cứu tư liệu không được sử dụng tại Turkenistan, nhưng người bản địa rất nhiệt tình giúp đỡ du khách. Kebab hay cơm Plov là món ăn truyền thống của người Turkmenistan với giá rất rẻ.

Nguyễn Chí Linh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/du-lich/thanh-pho-merv-hoang-hau-sa-mac-73804.html