Thành phố mang tên Bác trước vận hội mới

Sau hơn 20 năm ấp ủ và hoạch định, trước thềm năm mới 2020, khi các điều kiện cần và đủ đã được chuẩn bị sẵn sàng, TP Hồ Chí Minh chính thức công bố mục tiêu xây dựng thành phố mang tên Bác trở thành Trung tâm tài chính mang tầm quốc tế. Với mục tiêu này, TP Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính; từng bước đưa thị trường tài chính trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế. Ðây là yếu tố cốt lõi giúp thành phố tăng trưởng nhanh, bền vững…

Chỉ 3 năm sau khi Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh được thành lập, tài chính đã được xác định là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố. Ðây tiếp tục là động lực để ngành tài chính thành phố tăng trưởng bình quân ở mức 8,8%/năm; chiếm tỷ trọng 10% trong các ngành dịch vụ chủ yếu và chiếm tỷ trọng 5,7% GRDP của thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thiện Nhân tham quan các sản phẩm công nghệ cao.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thiện Nhân tham quan các sản phẩm công nghệ cao.

Ngành tài chính đã giúp TP Hồ Chí Minh huy động khoảng 460.000 tỉ đồng mỗi năm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tài chính có sự tăng trưởng đáng phấn khởi, nhưng theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Phong vẫn trăn trở khi lực cản lớn nhất với lĩnh vực này là TP Hồ Chí Minh chưa thể hình thành một Trung tâm tài chính để đáp ứng nhu cầu của 13 triệu dân thành phố và hơn 7 triệu khách quốc tế.

Nhất là trong điều kiện thành phố đang từng bước chuyển dần thành một siêu đô thị để hướng đến việc phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, thành phố nhận thức thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Ðây chính là yếu tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị lớn trên thế giới.

Tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính nên việc hình thành nên một Trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu. Không ngoài xu thế trên, TP Hồ Chí Minh cũng xác định việc đưa thành phố trở thành Trung tâm tài chính là chìa khóa để đưa kinh tế thành phố bứt phá trong thời gian tới.

Ủng hộ mục tiêu này của thành phố, Bộ trưởng Bộ KH - ÐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, xây dựng thành phố mang tên Bác trở thành Trung tâm tài chính của cả nước, khu vực và quốc tế là ước mơ, sự mong đợi của nhiều nhà đầu tư, tổ chức tài chính, doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ý tưởng xây dựng một Trung tâm tài chính của cả nước đã có từ nhiều năm trước, nhưng do nhiều yếu tố nên ý tưởng này vẫn chưa trở thành hiện thực. Với lợi thế của đất nước ở thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang đứng trước vận hội lớn để hiện thực hóa mục tiêu này.

Ông phân tích, khu vực châu Á phát triển nhanh đang là chất xúc tác quan trọng cho các hoạt động tài chính trong khu vực, tạo cơ hội để TP Hồ Chí Minh có thể trở thành Trung tâm tài chính lớn. Ngày càng nhiều hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại diễn ra tại khu vực châu Á, kéo theo sự xuất hiện nhiều nhu cầu và hoạt động về tài chính cùng sự ra đời các Trung tâm tài chính lớn những năm gần đây.

Đường hoa Nguyễn Huệ - TP Hồ Chí Minh

Các nhà đầu tư, nhà tài chính, doanh nghiệp luôn có xu hướng tìm kiếm những mảnh đất mới để mở rộng hoạt động nhằm gia tăng lợi nhuận. Vì vậy, việc Trung tâm tài chính mới ra đời tại TP Hồ Chí Minh là hoàn toàn khả thi.

Ðặc biệt hơn, với múi giờ khác biệt với các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, Trung tâm tài chính của thành phố sẽ có lợi thế riêng trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi vào thời gian nghỉ giao dịch từ các Trung tâm tài chính khác.

Thời điểm này, việc kết nối thuận tiện thông qua đường hàng không với những nền kinh tế như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng là lợi thế của TP Hồ Chí Minh khi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã có đường bay tới 72 thành phố của 25 quốc gia, vùng lãnh thổ.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chính sách công và quản lý, Trường Ðại học Fulbright đánh giá, với sự phát triển vượt trội về kinh tế so với cả nước, TP Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều dịch vụ tài chính, khách hàng và tổ chức cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng; phạm vi hoạt động và lưu chuyển nhiều dòng vốn cũng đã ở tầm quốc tế.

Càng thuận lợi khi thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Ðông Nam bộ, khu vực chiếm 45% GDP, 40% kim ngạch xuất khẩu, 42% số thu ngân sách và 45% lượng vốn đầu tư FDI của cả nước. Ðể trở thành Trung tâm tài chính ngang tầm trong khu vực và thế giới, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng TP Hồ Chí Minh cần tận dụng vị trí giao thương giữa vùng công nghiệp Ðông Nam bộ và nông nghiệp Tây Nam bộ, không nên theo lộ trình truyền thống như các thành phố khác. Cùng lúc, TP Hồ Chí Minh cần chọn cách tiếp cận với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tránh theo lối mòn để tạo sự khác biệt và để rút ngắn thời gian.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng gợi ý, phát triển TP Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề quốc gia, chứ không phải là vấn đề riêng của thành phố.

Vì vậy các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ để cùng thành phố đưa ra các chính sách vượt trội; các tỉnh, thành khác cùng chung tay, chung sức để hỗ trợ thành phố sớm xây dựng thành công Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

TS Trần Du Lịch cũng đưa ra khuyến nghị thành phố cần định hướng là nơi có thị trường tài chính tập trung với quy mô lớn; quy tụ và tập trung nhiều nguồn cung cầu sản phẩm tài chính; thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ cho thương mại, đầu tư theo ý nghĩa của một Trung tâm chuyển tải vốn cho nền kinh tế trong nước và có tác động nhất định đến thị trường khu vực cũng như thế giới.

GS TS Sử Ðình Thành, Trường Ðại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, để tạo đà cho việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, hệ thống tài chính của thành phố cần đồng bộ, gồm phát triển thị trường tài chính, thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu cũng như phát triển công nghệ quản lý tài sản; các dịch vụ tài chính…

Nói về mục tiêu này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc xây dựng đề án phát triển TP Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là vì cả nước; để phục vụ cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chứ không phải cho riêng thành phố.

Bởi hiện nay, các chỉ tiêu về thu ngân sách, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, lượng kiều hối, số lượng DN… của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã chiếm gần một nửa của cả nước. Nêu ra con số một nửa doanh nghiệp của cả nước nằm ở TP Hồ Chí Minh, nếu tính của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, số lượng DN chiếm đến 65%, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nhu cầu vốn của TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam rất lớn.

Và sẽ càng lớn hơn khi những năm sắp tới, nhu cầu các dịch vụ tài chính gắn với dịch vụ tiện ích từ trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu còn tăng trưởng rất nhanh. Về các điều kiện để trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho hay, lợi thế khác là thành phố từ lâu đã là trung tâm đào tạo lớn, nhiều trường đại học có kinh nghiệm có thể đảm trách chương trình đào tạo hỗ trợ cho dịch vụ tài chính.

Thành phố cũng đã triển khai đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo làm tiền đề hỗ trợ các DN khởi nghiệp về tài chính. Ngoài ra, việc triển khai các giải pháp thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh; nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; hoàn thiện hạ tầng giao thông… sẽ giúp thành phố bổ sung các điều kiện cần và đủ để phục vụ mục tiêu này.

Đức Thắng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/canddb-thanh-pho-mang-ten-bac-truoc-van-hoi-moi-577369/