Thành phố mắc kẹt sau thành công chống dịch ban đầu

Giống như phần lớn châu Á, Hong Kong vẫn phải tiếp tục nỗ lực kiểm soát nghiêm ngặt đại dịch Covid-19, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng tại đây chưa đem lại nhiều kết quả.

Những ngày gần đây tại khách sạn Kerry ở Hong Kong, nhiều "vị khách" đặc biệt chọn cách nằm trên ghế dài dưới tán ô, đọc sách hoặc lướt điện thoại để trốn cái nắng cuối xuân.

Họ không phải là khách lưu trú đã đặt phòng trước. Để có thể sử dụng các tiện ích ở đây, những người này phải mua các tấm thẻ dịch vụ theo ngày. Qua khung cửa sổ khách sạn, bóng dáng của họ xuất hiện thấp thoáng khi đi bộ quãng ngắn trong sảnh lớn hoặc lặng lẽ đứng nhìn hồ bơi ở phía ngoài.

Tiện nghi ở Kerry đáp ứng hầu hết nhu cầu của những người trú lại, nhưng tự do di chuyển ra ngoài không nằm trong số đó. Những người ở tại khách sạn này nằm trong diện cách ly bắt buộc của chính quyền thành phố. Quy định này được áp dụng ngay cả đối với những người đã được tiêm phòng vaccine Covid-19, theo The Atlantic.

 Nhân viên y tế tại một khu vực cách ly ở Hong Kong. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế tại một khu vực cách ly ở Hong Kong. Ảnh: Reuters.

Chiến lược "triệt tiêu Covid-19"

Ngay từ khi đại dịch bắt đầu, giống như nhiều khu vực khác ở châu Á, Hong Kong đã áp dụng các biện pháp phòng dịch triệt để, với tên gọi chiến lược "triệt tiêu Covid-19" hay "Covid mốc số 0".

Bằng cách nỗ lực kiểm soát số ca mắc mới trong ngày gần như ở mức 0, đồng thời duy trì số ca hiện có thông qua các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhiều khu vực ở châu Á đã tránh khỏi sự tàn phá của virus, điều mà Mỹ hay châu Âu đều đã trải qua.

Dù cách làm này phức tạp và tốn kém, Hong Kong đã kiểm soát virus SARS-CoV-2 tương đối tốt. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hong Kong đã không sụp đổ hay ghi nhận hàng trăm nghìn người thiệt mạng.

Nhờ phản ứng mạnh mẽ từ người dân kết hợp với hành động quyết liệt của chính quyền, thành phố với 7,5 triệu người đến nay chỉ có chưa đầy 12.000 trường hợp dương tính, trong khi số ca tử vong chỉ là 210 người.

Trên thực tế, đã gần 50 ngày trôi qua kể từ lần cuối cùng Hong Kong ghi nhận một ca tử vong do Covid-19.

Theo The Lancet, bên cạnh khả năng giảm thiểu các ca tử vong, cách tiếp cận quyết liệt của các quốc gia, kết hợp với sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng, đã giúp bảo vệ tốt hơn nền kinh tế và giảm thiểu những hạn chế trong đời sống người dân so với các cách làm khác.

Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia vốn đạt được thành công bước đầu trong công tác phòng dịch phải đối mặt với khó khăn khi triển khai tiêm vaccine Covid-19.

Ngược lại, dù từng bị virus corona tấn công mạnh mẽ, Mỹ hay các nước châu Âu lại đang trên đà khôi phục sau chiến dịch tiêm chủng hiệu quả.

Trên khắp châu Á, nhiều nơi vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt kéo dài, bao gồm đóng cửa biên giới, thực hiện truy vết và khoanh vùng, tiến hành cách ly quy mô lớn, đồng thời xử phạt những cá nhân vi phạm quy định.

Trên thực tế, dù kết quả đạt được tương đối khả quan, giới chuyên gia dự báo thành tựu này sẽ khó duy trì, nhất là khi chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng vẫn đang trì trệ.

Ông Ben Cowling, nhà nghiên cứu tại Đại học Y tế Công cộng Hong Kong, nỗ lực "triệt tiêu Covid-19" chỉ là "chiến lược tối ưu trong ngắn hạn".

“Miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng là cách an toàn nhất để thoát khỏi đại dịch và trở lại cuộc sống bình thường”, ông Cowling khẳng định.

Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhiều quốc gia châu Á chỉ mang lại hiệu quả tối ưu trong ngắn hạn. Ảnh: AFP.

Mắc kẹt sau thành công ban đầu

Các khu vực như Hong Kong có vẻ đang mắc kẹt trong công tác chống dịch, sau khi những nỗ lực ban đầu tại đây đã mang lại kết quả tốt.

Ông Cowling cho biết nhiều người dân Hong Kong tin rằng không cần phải vội vàng tiêm vaccine, khi thành phố ghi nhận rất ít trường hợp mắc bệnh và tử vong.

Mới chỉ khoảng 17% cư dân được tiêm chủng đầy đủ, mặc dù vaccine đã được phổ biến rộng rãi trong hơn ba tháng nay. Đối với những người cao tuổi dễ mắc bệnh, tỷ lệ tiếp cận vaccine thấp hơn nhiều.

Theo ước tính của Đại học Hong Kong, đến tháng 9, chỉ có khoảng 55% cư dân thành phố hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Trong khi vaccine Pfizer/BioNTech đã có sẵn ở Hong Kong, chính quyền thành phố vẫn thúc đẩy phê duyệt sử dụng Sinovac của trung Quốc, dù loại vaccine này thiếu vắng một số dữ liệu lâm sàng.

Không chỉ vậy, giới chức Hong Kong đôi khi cũng hành động chưa nhất quán, nhiều lần thay đổi chính sách phòng dịch và các quy định tiêm chủng.

Trước đó, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam từng cho biết nhà chức trách không nên chi trả cho các ưu đãi để khuyến khích người dân tiêm vaccine. Thay vào đó, Hong Kong chuyển trách nhiệm này sang cho tư nhân, nhằm treo thưởng các căn hộ cao cấp hay xe thể thao giá trị cho người dân sau mỗi liều tiêm chủng.

Dù vậy, về cơ bản, Hong Kong vẫn áp dụng cùng một chính sách cho công dân, bất kể đã tiêm hay chưa tiêm vaccine.

Cả hai nhóm này vẫn phải đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập từ bốn người trở lên ở nơi công cộng. Nếu từ nước ngoài đến, công dân vẫn cần tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly y tế kéo dài hàng tuần.

Hong Kong vẫn áp dụng cách ly y tế đối với những người đã được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Felix Wong.

Vaccine là "chìa khóa"

Trong khi đó, tại Singapore, chính phủ nước này bắt đầu thay đổi thông điệp. Cách tiếp cận thực tế hơn của quốc gia Đông Nam Á khuyến cáo người dân nên chuẩn bị chung sống lâu dài với Covid-19, ông Cowling cho biết.

Ngoài ra, ở một trường hợp khác, Đài Loan dù gặt hái thành công bước đầu trong công tác phòng dịch, cũng đang gặp khó khăn tại thời điểm hiện tại. Mới chỉ có khoảng 4% cư dân Đài Loan được tiêm liều vaccine đầu tiên.

Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cho biết việc đàm phán vaccine với công ty BioNTech đang gặp khó do sự can thiệp Bắc Kinh. Dù nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản và Mỹ, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan cảnh báo rằng chiến dịch tiêm chủng sẽ bị chậm trễ.

Dù số ca mắc mới đã có dấu hiệu giảm, mức độ cảnh báo dịch bệnh ở Đài Loan vẫn ở "cấp độ 3". Trong bối cảnh đó, các nhà hàng chỉ được phục vụ đồ ăn mang đi, trong khi một số hoạt động công cộng vẫn bị cấm. Đeo khẩu trang là yêu cầu bắt buộc.

Trở lại giai đoạn đầu của đại dịch, phần lớn châu Á chứng kiến đại dịch lây lan ở châu Âu và Mỹ với vẻ hoảng hốt. Người dân ở các khu vực này từ chối đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phong tỏa.

Không chỉ vậy, nhiều hoài nghi cũng đổ dồn vào Mỹ, khi cựu Tổng thống Donald Trump liên tục hạ thấp các cảnh báo về đại dịch và không quyết liệt thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus lây lan.

Tuy nhiên, giờ đây câu chuyện giờ đây đã chuyển biến. Trong khi người dân Mỹ và châu Âu có thể bắt đầu đến các nhà hàng, gặp gỡ bè bạn và trở lại cuộc sống “bình thường”, nhiều nơi ở châu Á vẫn phải duy trì các hạn chế nghiêm ngặt để ngặn chặn virus corona, trong khi thành tựu tiêm chủng trên diện rộng vẫn còn hạn chế.

Ông Andrei Akhmetzhanov, chuyên gia y tế tại Đài Loan, cho biết những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong giai đoạn trước đã được vaccine bảo vệ, trong khi các nước phòng dịch hiệu quả ban đầu lại dễ tổn thương hơn khi đối mặt với các biến thể mới.

Thậm chí, ông Todd Pollack, chuyên gia tại Trường Y tế Harvard, nói rằng nếu không có vaccine, Mỹ có thể chứng kiến “số ca bệnh tăng vọt” trong khi tình hình chung sẽ "rất thảm khốc".

Phạm Ân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-pho-mac-ket-sau-thanh-cong-chong-dich-ban-dau-post1230281.html