Thành phố kẹt xe nghiêm trọng nhất thế giới

Thủ đô Manila của Philippines, nơi đăng cai SEA Games 30 là thành phố đông dân hàng đầu thế giới với hơn 12 triệu người. Năm 2015, trong cuộc khảo sát trên ứng dụng chỉ đường, nơi đây được cho là thành phố tệ nhất để lái xe. Năm 2016, số liệu chính phủ cho thấy mỗi ngày, tắc đường ở thủ đô và vùng phụ cận thường kéo dài 3-4 giờ.

Vấn nạn kẹt xe ngày càng tệ hơn bởi việc gia tăng nhanh chóng lượng xe hơi lưu thông trên đường. Hơn nữa, hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố chưa phát triển, chỉ có vài đại lộ và hệ thống đường ray nhỏ. Trang Forbes từng đưa ra lời cảnh báo rằng Manila nguy cơ trở thành đô thị không thể sống bình thường trong tương lai gần.

Nỗi ám ảnh của khách du lịch và người dân

Là một giám đốc ngân hàng làm việc ở thủ đô Manila, Jolu Bunda mất 4 tiếng mỗi ngày cho hành trình đi làm và trở về. Ông tranh thủ đến chỗ làm sớm từ 5h sáng để tránh giờ cao điểm kẹt cứng và rời công sở càng sớm càng tốt ngay sau khi ca làm việc kết thúc 12 tiếng sau đó.

Manila, thành phố tệ nhất thế giới để lái xe.

Manila, thành phố tệ nhất thế giới để lái xe.

"Quá căng thẳng nhưng tôi phải bảo đảm ra về đúng giờ để tìm được chỗ ngồi tốt trên xe buýt. Tôi lo lắng khi ra đường vào buổi tối. Tôi cần về nhà càng sớm càng tốt và đi ngủ lúc 22h", Bunda nói. Bunda đã cảm nhận được sức căng hạ tầng do tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa tạo ra ở Manila trong nhiều năm qua.

Tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở Manila là một trong những lý do khiến Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang cân nhắc kế hoạch di dời thủ đô đến nơi mới. Mỗi ngày, người dân Philippines mất 3,5 tỷ peso (68,2 triệu USD) do nạn kẹt xe ở thủ đô, theo ước tính của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Nếu vấn nạn trên không được kiểm soát, mức thiệt hại hàng ngày dự kiến tăng lên 5,3 tỷ peso mỗi ngày vào năm 2035.

Dự án "Kế hoạch Giấc mơ" trị giá 65 tỷ USD hứa hẹn hoàn thiện tới năm 2030 với hệ thống tàu điện ngầm, đường ray cao tốc... Khi đề cập tới kế hoạch này, Gilberto Llanto, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Philippines, bình luận: "Người ta gọi dự án là "Kế hoạch Giấc mơ" vì nó sẽ tồn tại mãi trong thế giới của những giấc mơ". Nhiều năm qua đi, nỗi ám ảnh về cảnh tượng mắc kẹt giữa dòng xe cộ trên phố vẫn luôn là nỗi ám ảnh của khách du lịch và người dân ở thành phố Manila, Philippines. Cho tới nay, vấn nạn này vẫn chưa có giải pháp khả thi để cải thiện.

Chuyển thủ đô

Trong khi các dự án xây dựng đường cao tốc và các tuyến đường sắt bổ sung đang được tiến hành ở Manila, Chính phủ Philippines vẫn nhắm đến kế hoạch thành lập một khu đô thị mới có tên gọi thành phố New Clark, cách Manila 100 km về phía bắc.

Công ty phát triển bất động sản Clark cùng Cơ quan Phát triển và chuyển đổi căn cứ quân sự (BCDA) thuộc Văn phòng Tổng thống Philippines hy vọng thành phố mới sẽ thu hút các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp đến đặt trụ sở, dẫn tới hình thành một thủ đô hành chính mới giống như thủ đô hành chính Putrajaya của Malaysia.

Tổng thống Duterte "muốn lan tỏa tăng trưởng ra bên ngoài vùng đô thị Manila và thành phố New Clark là một minh chứng rõ ràng cho ước muốn này", Vince Dizon, Giám đốc điều hành BCDA nói.

Thành phố New Clark sẽ tọa lạc trên diện tích đất dữ trự quốc phòng 94,5 km2 ở Capas thuộc tỉnh Tarlac. Khoảng 40% diện tích này sẽ được quy hoạch cho phát triển hạ tầng, phần còn lại sẽ để dành cho đất canh tác nông nghiệp và các rừng cây.

Dù Tổng thống Duterte chưa xác định rõ kế hoạch di dời thủ đô hành chính, Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez đã cung cấp một lý do khác để biến thành phố New Clark thành trung tâm hành chính mới: Sự bất tiện từ tình trạng các cơ quan chính quyền nằm dàn trải khắp vùng đô thị Manila. Chẳng hạn, Thượng viện và Hạ viện Philippines nằm cách nhau 20 km, khiến các nghị sĩ có thể mất tới hơn một tiếng để di chuyển giữa hai cơ quan này.

"Các văn phòng chính quyền ở Manila nằm rải rác khắp thành phố. Rất bất tiện cho người dân nếu họ phải giao dịch với nhiều cơ quan bộ ngành vì phải đi từ nơi này sang nơi khác nằm cách xa nhau. Vì vậy, việc cân nhắc di dời trung tâm đến đây rất hợp lý", Dominguez nói trong một chuyến viếng thăm kiểm tra tiến độ xây dựng ở New Clark.

Thành phố mới cũng tạo cho Manila một đối thủ cạnh tranh cần thiết. Trong một báo cáo về đô thị hóa ở Philippines vào năm 2017, Ngân hàng Thế giới lưu ý việc thiếu những lựa chọn thành phố thay thế khả thi cho các doanh nghiệp và người dân góp phần dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông trầm trọng ở thủ đô Manila khi nền kinh tế đất nước tăng trưởng.

Nguyễn Minh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/thanh-pho-ket-xe-nghiem-trong-nhat-the-gioi-572457/