Thành phố Huế được mở rộng gấp gần 4 lần

Sau khi điều chỉnh, Thành phố Huế sẽ có 265,99 km2 diện tích tự nhiên (gấp gần 4 lần diện tích hiện tại), dân số 652.572 người

ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua đề án mở rộng thành phố Huế.

Sáng 27/4, trong phiên họp thứ 55, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phương án địa phương đề xuất là điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã (Thủy Vân, Thủy Bằng) thuộc thị xã Hương Thủy; 2 phường (Hương Hồ, Hương An) và 4 xã (Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương) thuộc thị xã Hương Trà; 4 xã (Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh) và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang về thành phố Huế quản lý.

Kết quả sau khi điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế thì Tỉnh Thừa Thiên Huế không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện nhưng giảm số đơn vị hành chính cấp xã từ 145 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 141 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 3 xã và 1 thị trấn).

Thành phố Huế sẽ có 265,99 km2 diện tích tự nhiên (gấp gần 4 lần diện tích hiện tại) dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 29 phường và 7 xã (tăng 9 đơn vị hành chính cấp xã).

Về sự cần thiết điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế , Chính phủ thuyết minh rằng thành phố Huế là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa nhưng hiện nay có quy mô diện tích quá nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (7.222 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Một số tiêu chuẩn của đô thị đạt vượt trội so với quy định.

Chính phủ nêu rõ, việc mở rộng thành phố Huế là một bước cụ thể hóa Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014.

Về sự cần thiết phải sắp xếp các phường thuộc thành phố Huế, Chính phủ nêu lý do, hiện nay trên địa bàn thành phố Huế vẫn còn một số phường có diện tích khá nhỏ (dưới 50% tiêu chuẩn); không gian phát triển bị chia cắt, gây khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực cho phát triển bị phân tán, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương.

Việc sắp xếp sáp nhập một số phường thuộc thành phố Huế có diện tích tự nhiên nhỏ là cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo.

Thẩm tra đề án, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết của việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.

Thành phố Huế (mở rộng) bảo đảm 5/5 tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ và lưu ý UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành việc triển khai các công tác quy hoạch nêu trên đối với thành phố Huế và phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch để có cơ sở cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả quá trình thực hiện.

Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp và thành lập các phường thuộc thành phố Huế có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thanh-pho-hue-duoc-mo-rong-gap-gan-4-lan-d141763.html