Thành phố Hồ Chí Minh: Thuế vẫn thu, nhà cứ lấy

Một người dân sống tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù sinh sống hàng chục năm, đã đóng thuế nhà đất nhưng chính quyền địa phương không công nhận. Khi giải tỏa, nhà dân bị phá nát, đơn khiếu nại đề nghị đền bù tái định cư chỉ được giải quyết bằng văn bản thông báo.

Lòng vòng giải quyết khiếu nại

Bài viết trước, Công lý và Xã hội đã thông tin đến bạn đọc phản ánh của ông Bùi Văn Nhu (trú tại số 8, Kênh Tân Hóa, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) về việc khu đất và căn nhà mà gia đình ông sinh sống lâu nay bị cưỡng chế nhưng không được nhận đền bù.

Cụ thể, phần đất của ông Nhu nằm trong 1 ha (10.000/m2) của ông nội ông Nhu tên là Bùi Văn Đỏ. Trích sao sổ địa bộ số 1583/TS-TTĐK ngày 5/9/2005 của Trung tâm thông tin Tài nguyên và Môi trường và Đăng ký nhà đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu: Diện tích đất 10.000 m2 do ông Đỏ (đã chết) đứng bộ cho bà Lang Thị mượn một phần (ước chừng 3.200 m2) trong thời hạn 20 năm kể từ ngày 13/5/1969 cho tới ngày 13/5/1989, giá thuê mỗi năm là 30.000 đồng chiếu theo chứng thư và tờ bổ túc tông chi trước bạ tại Gia Định.

Ngoài 3.000m2 đất bà Lang Thị thuê, còn lại 7.000m2 đất. Số đất này bán bớt cho một số người dân cất nhà ở, cho nên diện tích còn lại khoảng 3.500m2. Đến năm 1977-1978, Nhà nước cho tiến hành đào kênh xuyên miếng đất khoảng hơn 3.500m2, khiến cho miếng đất này còn lại khoảng 2.600m2 và phân ra làm hai phần: một phần thuộc phường Phú Trung và phần còn lại thuộc phường Hòa Thạnh đối diện với phường Phú Trung. Ông Nhu và em trai là Bùi Văn Phước đều xây nhà ở trên địa phận phường Phú Trung.

Thông báo số 152/TB-UBND của UBND thành phố

Thông báo số 152/TB-UBND của UBND thành phố

Vậy nhưng đến khi giải quyết bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về tài sản và tái định cư, UBND quận Tân Phú căn cứ vào tờ trích lục địa bộ do ông Bùi Văn Đỏ (ông nội ông Nhu) đứng tên sở hữu chủ đã đền bù và tái định cư đối với ba căn nhà của ông Bùi Văn Phước (em trai ông Nhu). Còn ông Nhu thì không được bồi thường.

Cho rằng quyền lợi hợp pháp của mình bị tổn hại, ông Nhu gửi đơn khiếu nại đến UBND quận Tân Phú về việc không được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tài sản và tái định cư. Đáng nói, theo ông Nhu, ông Phan Tấn Lực - Chủ tịch UBND quận Tân Phú đã không ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của ông.

Ông Nhu tiếp tục làm đơn khiếu nại lần hai gửi lên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh - ông Lê Hoàng Quân. Và trong khi ông Lê Hoàng Quân chưa giải quyết khiếu nại lần hai thì ông Thi Danh - Trưởng ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận Tân Phú đã cho cưa 12 cây gòn và 5 cây dừa ông Nhu trồng trên 40 năm. Chủ tịch UBND quận Tân Phú - Phan Tấn Lực cùng Phó Chủ tịch UBND quận - Phạm Minh Mẫn tiếp tục cưỡng chế đập nát căn nhà của ông Nhu và cưa nốt số cây gòn còn lại. Ông Nhu cho biết, ông đã phải che ni-lon trên đống đổ nát để gia đình ở tạm.

Công văn số 4289 ngày 26/4/2017 của Văn phòng Chính phủ

Đến ngày 12/12/2014, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Thông báo số 152/TB-UBND về việc không giải quyết đơn của ông Nhu. Nội dung nêu: “Sau khi xem xét hồ sơ và báo cáo số 580/BC-TTTP-P5 ngày 2/12/2014 của Thanh tra Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố nhận thấy: Đối với phần đất dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm mà ông Nhu yêu cầu quyết định thu hồi, bồi thường khi thực hiện dự án, có hiện trạng tại thời điểm kiểm kể là đất đường đi, sử dụng cho các hộ dân dọc theo hai bờ kênh thuộc phường Hòa Thạnh và phường Phú Trung. Ông Nhu không có quá trình sử dụng, ông Nhu không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.”

Chưa cần xét tới nội dung thông báo, theo Điều 40 Luật Khiếu nại số 2/2011/QH13, người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có các nội dung sau đây: Ngày, tháng, năm ra quyết định; Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại; Nội dung khiếu nại; Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu; Kết quả xác minh nội dung khiếu nại; Kết quả đối thoại; Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính; Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có); quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Công văn số 5691/VPCP-VI ngày 28/7/2014 của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Ông Nhu cho chia sẻ, cách giải quyết qua loa của lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh khiến ông vô cùng khó hiểu. Bởi trước đó, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có công văn số 5691/VPCP-VI ngày 28/7/2014 kèm theo danh sách 12 đơn thư của công dân, trong đó có tên ông Nhu gửi đến UBND Thành phố Hồ Chí Minh để yêu cầu giải quyết.

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố cũng có công văn số 87/BB-PC ngày 23/02/2016 chuyển đơn khiếu nại của ông Nhu cho Chủ tịch UBND Thành phố giải quyết.

Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ gửi công văn số 4289 ngày 26/4/2017 tới UBND Thành phố Hồ Chí Minh với nội dung: Ủy Ban Kiểm tra Trung ương có văn bản số 1313 ngày 13/3/2017 với Thủ tướng Chính phủ kèm theo đơn của ông Bùi Văn Nhu trú tại số 8, đường kênh Tân Hóa, quận Tân Phú có nội dung khiếu nại liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất tại quận Tân Phú nhưng không được UBND Thành phố kiểm tra giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngày 30/5/2017, Chủ tịch UBND Thành phố ra công văn số 3296 gửi UBND quận Tân Phú với nội dung: Xét báo cáo số 279 ngày 12/5/2017 của Thanh tra Thành phố, UBND Thành phố giao Chủ tịch UBND quận Tân Phú xem xét đơn khiếu nại của ông Bùi Văn Nhu theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011. Báo cáo kết quả cho UBND Thành phố và Thanh tra Thành phố (Trong quá trình xử lý đơn cần xác định rõ tư cách khiếu nại của ông Bùi Văn Nhu vì ông Nhu cho rằng phần đất khiếu nại là đất thuộc gia tộc theo bằng khoán cũ để xem xét giải quyết đúng quy định pháp luật).

Theo ông Nhu, vì UBND quận Tân Phú không ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu nên ông mới khiếu nại lần hai lên Chủ tịch UBND Thành phố. Giờ UBND Thành phố lại giao cho UBND quận Tân Phú giải quyết khếu nại lần hai của ông. Liệu việc này có đúng quy định của pháp luật?

Sống như vô hình?

Công văn số 3296 của Chủ tịch UBND Thành phố

Chia sẻ với PV, ông Nhu cho biết căn nhà mà UBND quận Tân Phú cưỡng chế đập nát đã được ông Nhu kê khai năm 1977. Thực tế, giấy Xác nhận hộ khẩu gốc của Công an quận Tân Phú ngày 24/6/2003 và Sổ hộ khẩu của ông Nhu đều được cấp theo địa chỉ này.

Ông Nhu đã đưa ra một loạt các Thông báo nộp thuế và Biên lai thu thuế Nhà đất, người được thông báo và đứng tên nộp là ông Nhu.

Chưa kể tới, ngày 31/5/2013, bà Mai Thị Hai – Tổ trưởng Tổ 131 khu phố 7, quận Tân Phú đã lập Biên bản xác minh nguồn gốc đất của ông Nhu dưới sự chứng kiến của Văn phòng Luật sư Lam Sơn. Theo đó, bà Hai xác nhận: “Gia đình ông Nhu có thửa đất rất rộng. Gia đình ông Nhu chuyển nhượng đất cho rất nhiều hộ dân trong khu phố 7 trong đó có nhà bà Hai. Phần diện tích còn lại của thửa đất, gia đình ông Nhu có nhà cấp 4 cùng nhiều cây gòn, cây dừa trồng lâu năm (trồng trước cả lúc bà Hai chuyển tới). Từ khi bà Hai tới đây sống, không ai tranh chấp đất với ông Nhu. Từ đường Hòa Bình dọc theo mép kênh Tấn Hòa thuộc phường Phú Trung kéo dài trên 200m đều là đất có nguồn gốc từ gia đình ông Bùi Văn Nhu.”

Vậy lý do gì UBND Thành phố Hồ Chí Minh lại không công nhận quá trình sinh sống của ông Nhu và ra Thông báo số 152/TB-UBND cho rằng “ông Nhu không có quá trình sử dụng, ông Nhu không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước”?

Hoàng Trường Giang

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/congly-24h/thanh-pho-ho-chi-minh-thue-van-thu-nha-cu-lay-40584.html