Thành phố Hồ Chí Minh: Người thổi hồn cho di tích Biệt động Sài Gòn

m thầm lặng lẽ theo cha đi tìm kiếm kỉ vật, di vật… khắp nơi, rồi âm thầm tìm cách 'thổi hồn' cho những di tích đó, anh Trần Vũ Bình - con trai của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai, đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để làm những việc tưởng chừng như 'điên rồ' nhất. Đó là phục dựng lại toàn bộ những di tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn năm xưa, làm sống lại lịch sử qua những hiện vật biết nói, qua những nhân chứng còn sống hôm nay….

Gia đình ông Trần Văn Lai nhận quyết định công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia 1988 cho công trình phục dựng “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968” tại Dinh Thống Nhất.

Gia đình ông Trần Văn Lai nhận quyết định công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia 1988 cho công trình phục dựng “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968” tại Dinh Thống Nhất.

Lặng lẽ theo cha

Ông Mai Hồng Quế - biệt danh của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai thời kì đầu, hoạt động với vỏ bọc là nhà trang trí nội thất, nhận thầu khoán sửa chữa nâng cấp Dinh Độc Lập. Bằng việc làm này, nhà trang trí nội thất Mai Hồng Quế giàu có, có thể ra vào Dinh Độc Lập một cách dễ dàng và cũng dễ để khám phá từng ngóc ngách trong Dinh. Từ đây, ông Mai Hồng Quế đã gửi nhiều sơ đồ, tài liệu bí mật ra cho lực lượng cách mạng. Và cũng từ đó, nhiều phương án đánh chiếm Dinh Độc Lập đã được đưa ra. Ông Trần Văn Lai cùng với đồng đội của mình đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ bí mật quan trọng, tổ chức vận chuyển vũ khí trong và ngoài thành, phối hợp tác chiến khu vực trung tâm, mà mục tiêu quan trọng là Dinh Độc Lập.

Anh Trần Vũ Bình – con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai tại di tích 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hòa bình lặp lại, ông Trần Văn Lai có tâm nguyện tìm lại những kỉ vật, tài liệu, nhân chứng… liên quan tới lực lượng tình báo, và đây cũng là yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu. Năm 1976, nhằm thu thập lại chứng tích chiến tranh và tư liệu của ngành tình báo của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu cựu binh Trần Văn Lai đi tìm lại một số phương tiện vận chuyển vũ khí và thông tin về các chiến sĩ biệt động góp công đánh các mục tiêu quan trọng dịp Tết Mậu Thân 1968.

Trong hành trình trở ngược với thời gian, ông đã dắt theo người con trai Trần Vũ Bình để làm phụ tá. Quá trình tìm kiếm gian khó, anh Bình đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để cùng ba rong ruổi khắp nơi. Trước tiên, ông Lai và con trai truy tìm chiếc xe Hino – Pickup biển số EC-6045 và Citroen Fourgonnette, biển số NCE-345 chở vũ khí, chất nổ mà các chiến sĩ biệt động Đội 5 đánh Dinh Độc Lập đã bị chính quyền Sài Gòn cũ tịch thu.

Nhờ tài liệu lưu trữ từ Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Vận tải đường bộ thuộc Tổng cục Giao thông Vận tải miền Nam, cha con ông được biết, chiếc Hino Pickup biển số EC6045 bị địch cất kho. Mãi đến năm 1973, chúng mới đem ra bán đấu giá. Người trúng giá là bà Phạm Thị Suy ở ấp Thái Hòa, xã Tam Hiệp, Biên Hòa. Khi ông tìm tới thì xe đang được gia đình bà Suy để tận trên rẫy. Với quyết tâm tìm cho bằng được và thuyết phục để mua về, cha con ông Lai đã chuộc lại được chiếc xe và sau này trao tặng cho Bảo tàng Đặc công tại Hà Nội.

Mất nhiều công sức hơn, chính là việc tìm kiếm lại chiếc Citroen Fourgonnette, biển số NCE-345. Hồi đó, xe được bán kiểu trao tay qua khá nhiều chủ. Đúng lúc “bí”, ông Lai nhớ đến người đồng đội từng là chủ một gara nổi tiếng ở Sài Gòn cũ. Ông này là Dương Văn Đức, thường được biết đến với tên Hai Diện, chủ garage Citroen Hai Diện ở 499/20C đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh). Ông Đức cho hay, sau Tết Mậu Thân 1968 một thời gian, chiếc xe được một thượng sĩ trong Phủ Tổng thống đem đến garage của ông sửa. Nhận ra xe của ông Lai và nghe chuyện của thượng sĩ này, ông Đức đinh ninh là ông Lai đã hy sinh…

Từ sự chỉ dẫn của ông Đức, sau nhiều lần tìm tới các chủ xe để thương lượng, cha con ông Lai và đồng đội đã đưa được xe về. Xe được trưng bày tại Nhà Truyền thống quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh trước khi hiến tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự. Những năm cuối đời, ông Trần Văn Lai bị bệnh, nhiều khi phải nằm một chỗ. Công việc kiếm tìm tư liệu, hiện vật cũ, ông chỉ dẫn cho con trai – anh Trần Vũ Bình thực hiện.

Theo cha tìm kỉ vật từ khi còn trẻ, anh Bình đã dành cả tuổi thanh xuân, công sức, tiền bạc để kiên trì tìm kiếm, thuyết phục, thương lượng mua lại từng món đồ vật một, cho tới hiện nay anh vẫn mải miết đi tìm. “Mình có điều kiện thì phải làm, còn sống thì còn tìm lại, xây dựng lại những gì cha chú mình đã vì nó mà đổ bao xương máu, không thể vì chiến tranh đã kết thúc mà mình quên đi tất cả lịch sử của dân tộc” – Đó là lời tâm huyết của anh Trần Vũ Bình, con trai của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong hành trình tìm lại di vật và tài liệu quý của cha ông.

Cha con ông Trần Văn Lai sau ngày Giải phóng.

Phục dựng di tích

Khi ông Trần Văn Lai qua đời, cảm phục về chiến công và sự hi sinh của cha mẹ mình cùng các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, bên cạnh việc sưu tầm cổ vật, phương tiện, tài liệu Biệt động Sài Gòn, anh Trần Vũ Bình đã bỏ nhiều công sức, tiền của để mua lại những căn nhà vốn là nơi hoạt động bí mật của Biệt động Sài Gòn. “Một thời kỳ sống động, sôi nổi, hào hùng với những con người hi sinh thầm lặng như vậy thì cần phải được gìn giữ và giới thiệu để nhiều người biết. Tôi làm điều này không chỉ cho ba tôi mà còn làm cho cả đơn vị, để nhiều người biết đến lực lượng hình thành đặc biệt nhất ở Sài Gòn” - anh Trần Vũ Bình bày tỏ về ý tưởng phục dựng lại những căn nhà này để làm di tích cho mọi người đến tham quan, tìm hiểu về những hoạt động thầm lặng nhưng chứa biết bao kì tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Di tích Biệt động Sài Gòn đầu tiên được anh Bình tìm cách phục dựng là căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Đại tá Trần Minh Sơn - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn nhớ lại: “Đây là một trong ba căn nhà liền kề số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu đã được ông Trần Văn Lai dùng tiền cá nhân mua lại theo chỉ đạo của cấp trên. Sau khi mua được căn nhà, ông đã kiên trì, bí mật đào đắp để xây dựng nên một căn hầm chứa vũ khí có ý nghĩa chiến lược tại nội đô Sài Gòn”. Bà Đặng Thị Thiệp - vợ ông Trần Văn Lai cho biết: “Xây dựng xong hầm bí mật trong căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, chồng tôi đã lợi dụng vỏ bọc nhà thầu khoán của mình, mưu trí, dũng cảm ra vào căn cứ nhiều lần để vận chuyển hơn 2 tấn vũ khí về chứa trong hầm, đảm bảo cho trận tấn công Dinh Độc Lập và một số mục tiêu khác”.

Với tâm niệm phục dựng căn nhà một cách nguyên trạng nhất chứ không tu sửa bằng vật liệu mới, cùng với việc chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, anh Trần Vũ Bình đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư phục dựng lại căn nhà để xây dựng thành di tích. Anh đã phải lặn lội đi nhiều nơi, nghe ở đâu có hiện vật của Biệt động Sài Gòn là anh lại tìm đến thương lượng để mang về. Mất mấy năm gom nhặt mới đủ vật liệu để phục dựng căn nhà. Sau bao ngày vất vả, năm 1988, căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia và trở thành “địa chỉ đỏ” nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước, vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đến thăm.

Chiếc xe huyền thoại chở vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn.

Cũng trong kế hoạch đảm bảo cho hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn, ông Trần Văn Lai còn thiết lập rất nhiều nơi che giấu cán bộ, làm hộp thư bí mật để chuyển giao thư từ, tài liệu. Điển hình trong đó là căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đặt “Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn”, được ông Trần Văn Lai mưu trí xây dựng ngay bên cạnh nhà của tướng Ngô Quang Trưởng - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1 Ngụy. Căn nhà được ông giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn bà Nguyễn Thị Sự - những người thợ làm cùng trong xưởng trang trí nội thất của mình và cũng là 2 chiến sĩ cách mạng quản lý.

Sau khi cha qua đời vào năm 2002, anh Trần Vũ Bình đã mất hơn 10 năm để tiếp nhận và phục dựng nguyên trạng căn nhà. Cùng với việc tích cực khôi phục nguyên hiện trạng 2 hầm nổi, hộp thư bí mật, lối kiến trúc xưa của căn nhà, anh Trần Vũ Bình còn tìm kiếm, sưu tầm nhiều hiện vật xưa trưng bày tại đây.

Đặc biệt, anh đã quyết định mở lại Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn tại di tích 113A Đặng Dung, theo vỏ bọc hoạt động xưa kia của căn nhà. Anh mở quán nhưng không quá chú trọng đến lợi nhuận, mà chỉ muốn tạo điều kiện để mọi người đến đây có thể vừa ăn sáng, uống cà phê, vừa có thời gian thư thái để tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn.

Phát triển tour du lịch

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm hầm vũ khí bí mật - một trong những di tích được tôn tạo lại.

Sau thành công của quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn, anh Trần Vũ Bình đã mạnh dạn triển khai ý tưởng xây dựng một tour du lịch đưa du khách đến các điểm di tích lịch sử, xem những kỷ vật, hình ảnh, tìm hiểu tường tận về lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại. Khách tham gia tour du lịch sẽ được khám phá 18 điểm di tích đặc biệt như hầm chứa vũ khí để Biệt động Sài Gòn đánh dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, quán phở Bình - Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 4 trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Di tích 113A Đặng Dung - nơi đặt “Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn”, Bảo tàng Tình báo Biệt động Sài Gòn, khi xưa là xưởng làm nội thất cho Dinh Độc Lập - 145 Trần Quang Khải, nhà ở và hầm tại khu căn cứ Hội Đồng Sầm (xã Bình Hòa, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), nơi Trung tướng Nguyễn Bình đóng quân…

Trong tour du lịch này, du khách không chỉ tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn, mạng lưới điệp báo, quân báo cách mạng qua các di tích, hiện vật… mà còn trải nghiệm ẩm thực, giao lưu với người dân, chứng nhân lịch sử tại các địa điểm lưu trú.

Có một điều đặc biệt ở tour du lịch “Theo chân Biệt động Sài Gòn” này là hướng dẫn viên của các đoàn đi tham quan chính là những người con, người cháu của các chiến sĩ biệt động năm nào. “Đó là cách để mấy anh em cảm nhận rõ hơn về giá trị lịch sử mà cha ông mình đã để lại, chính người trong cuộc phải hiểu và trân quý điều đó thì mới có thể hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho người đến tham quan được” - anh Trần Vũ Bình bày tỏ.

Sau hơn 20 năm không ngại khó khăn, tốn kém, đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc, lần tìm các manh mối, sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng, đến nay, anh Trần Vũ Bình đã sưu tầm được gần 10.000 tư liệu, hiện vật về Biệt động Sài Gòn. Điều đáng trân trọng là anh không giữ những hiện vật đó là của riêng, mà dùng để xây dựng các di tích lịch sử và sẵn sàng hiến tặng cho các bảo tàng để phát huy giá trị của hiện vật.

Dưới đây là một số hình ảnh thuộc tour du lịch “Theo chân Biệt động Sài Gòn”:

Căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - nơi đặt “Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn”.

Di tích căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu - nơi cất giấu, vận chuyển hơn 2 tấn vũ khí, cung cấp cho trận tấn công Dinh Độc Lập và một số mục tiêu khác.

Kho vũ khí tại di tích 287/70 Nguyễn Đình Chiểu.

Khách tham quan được xem phim tài liệu về Biệt Động Sài Gòn tại Bảo tàng Tình báo Biệt động Sài gòn, số 145 Trần Quang Khải, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo PGS.TS Phan Xuân Biên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: “Đầu tư biết bao công sức, tiền của để giữ lại nhiều căn nhà là cơ sở của Biệt động Sài Gòn ở nội thành. Nếu đưa những căn nhà đó vào kinh doanh thì sẽ thu được lợi nhuận lớn. Nhưng với tâm huyết và trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử của dân tộc, anh Trần Vũ Bình đã sử dụng làm di tích để mọi người đến tham quan, tìm hiểu miễn phí. Đó là điều rất đáng trân trọng”. “Đây là một kỳ công, nếu làm được việc thu thập tư liệu, hiện vật và những địa chỉ đỏ của Biệt động Sài Gòn thì quá tốt, quá đặc biệt, rất cần được phát huy. Tôi nghĩ phải làm vậy cho con cháu mình hiểu được lịch sử. Tôi nghĩ thế hệ trẻ sau này còn tìm hiểu rất sâu về cách mạng, về những chiến tích anh hùng của cha ông, thông qua những địa chỉ mà anh Bình phục dựng” - Ông Ngô Văn Lập, con trai đồng chí Ngô Toại - Chủ tiệm phở Bình, số 7 Lý Chính Thắng, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. (Di tích phở Bình là “tổng hành dinh” của đơn vị F100 thuộc biệt động Sài Gòn, nơi phát lệnh cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 và là Sở chỉ huy tiền phương - Phân khu 6, Ðặc khu Sài Gòn - Gia Ðịnh). “Thế hệ chúng tôi vào sinh ra tử đã bao phen, hoàn thành được nhiều chiến công xuất sắc, nhưng đâu có được kể ra vì phải giữ bí mật cho đến lúc chết. Việc của anh Bình làm tôi rất là trân trọng, rất đáng quý. Thế hệ trẻ sẽ hiểu được mọi việc, mọi chiến công của Biệt Động Thành chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Thân (Mười Thân) – chiến sĩ Biệt động Sài Gòn chia sẻ. Còn ông Hồ Duy Hùng – Chủ nhiệm câu lạc bộ Quân báo Sài Gòn Gia Định vui vẻ: “Mô hình tour du lịch và chuỗi địa chỉ đỏ cách mạng của anh Bình thực hiện rất cần được Bộ Quốc phòng quan tâm sâu sát. Đây là những giá trị tinh thần của cách mạng, gắn liền với giá trị văn hóa của mảnh đất Sài Gòn - Gia Định. Tôi ủng hộ ý tưởng của anh Trần Vũ Bình, anh ấy rất xứng đáng là con của người anh hùng Trần Văn Lai”. “Có những căn nhà tôi mua lại, chuộc lại không được công nhận là di tích lịch sử, mới được khoanh vùng để đó nhưng không quan trọng. Chỉ cần đó là di tích của từng người dân, từng thế hệ, là di tích trong lòng dân. Về lâu dài, tôi nghĩ mình sẽ hiến tặng cho Nhà nước thì mới giữ được cho muôn đời. Mình không thể sống cả đời, không thể tự mình giữ mãi được” - Anh Trần Vũ Bình – con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nói.

Nguyễn Hồng Việt – Tâm Bút

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-nguoi-thoi-hon-cho-di-tich-biet-dong-sai-gon-304628.html