Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng chất lượng chính quyền điện tử

Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra hàng loạt giải pháp và cách làm nhằm nâng cao chất lượng chính quyền điện tử. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố tăng cường giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến, nhằm hạn chế số lượng người đến cơ quan nhà nước, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cán bộ, công chức.

UBND quận Bình Tân nâng cao ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân đến giao dịch.

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Ông Hoàng Đình Sử (ngụ tại số 412, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3) cho biết, ông vừa làm thủ tục đăng ký thành lập công ty tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh). “Thủ tục khá đơn giản, chủ yếu được thực hiện trên mạng internet, thời gian hoàn chỉnh hồ sơ đến khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần khá nhanh”, ông Hoàng Đình Sử chia sẻ.

Có được bước chuyển biến trong thủ tục đăng ký kinh doanh trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đã nghiêm túc thực hiện kế hoạch nhằm cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước mà UBND thành phố đã ban hành từ đầu năm 2020. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, việc đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, “một cửa” điện tử không chỉ được thực hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh mà còn đồng loạt áp dụng tại hầu hết cơ quan công quyền trên địa bàn thành phố. “Việc này không chỉ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính, mà còn giúp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19”, ông Trần Vĩnh Tuyến cho hay.

Tương tự, UBND quận Tân Bình đã đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Để người dân thuận lợi sử dụng dịch vụ, quận đã có hướng dẫn cụ thể các bước nộp hồ sơ trực tuyến. Bên cạnh đó, quận còn khuyến khích tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ được ký bằng chữ ký số (nếu có) hoặc bằng bản quét (scan) để nộp trực tuyến thay cho bản giấy như trước đây. Ông Trần Tôn Thái Hòa, cán bộ Văn phòng HĐND và UBND quận Tân Bình cho biết, đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng chữ ký số để nộp hồ sơ trực tuyến thì không cần nộp hồ sơ giấy, mọi thủ tục đều được thực hiện trực tuyến mà không cần đi đến cơ quan công quyền.

Còn tại quận Bình Tân, từ đầu tháng 3-2020 đến nay, khu vực Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận vắng vẻ hơn hẳn. Theo thống kê, lượng người đến làm thủ tục hành chính giảm từ 15% đến 20%. Phần đông người dân đã chuyển từ hình thức nộp hồ sơ giấy trực tiếp sang nộp trực tuyến. Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho biết, cách làm trên đã giúp giảm được lượng hồ sơ giấy, đồng thời giảm được số lượt tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và người dân. Điều này có tác dụng rất tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hoàn thiện chính quyền điện tử

Theo thông tin từ Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 từ 90% trở lên; tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính và sử dụng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục và y tế từ 85% trở lên; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua hệ thống một cửa điện tử của thành phố. Tính đến tháng 3-2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố đạt 668/1.786 thủ tục hành chính; trong đó, mức độ 3 là 433 thủ tục và mức độ 4 là 235 thủ tục.

Theo Giám Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm, việc nâng mức độ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến là nhiệm vụ quan trọng của thành phố nhằm thực hiện xây dựng chính quyền điện tử. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, yêu cầu này cần phải đẩy mạnh hơn để giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế số lượng người dân và doanh nghiệp đến cơ quan công quyền.

Hiện tại, tất cả các cuộc họp của sở, ban, ngành, UBND quận, huyện thuộc thành phố đã chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, dịch bệnh Covid-19 khiến thành phố phải thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số để hoàn thiện chính quyền điện tử. Hơn nữa, từ ngày 1-4, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về "cách ly xã hội" để phòng, chống dịch Covid-19, UBND thành phố Hồ Chí Minh quy định các cơ quan nhà nước, công sở chỉ duy trì 1/3 lượng người làm việc tại trụ sở. Số còn lại tận dụng công nghệ, làm việc từ xa qua internet. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, điều kiện khó khăn tạm thời do dịch Covid-19 gây ra lại là "cú hích" đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai chính quyền điện tử.

“Đây cũng là cơ hội để từng bước phổ cập kỹ năng số cho đông đảo người dân, lực lượng chính sử dụng, thụ hưởng các dịch vụ chính quyền điện tử của thành phố cũng như đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội số trong tương lai”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/963213/thanh-pho-ho-chi-minh-nang-chat-luong-chinh-quyen-dien-tu