Thành phố Hồ Chí Minh liên kết, hỗ trợ phát triển du lịch với các tỉnh lân cận

Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng; nâng chất các sự kiện và biến sự kiện trở thành sản phẩm quảng bá và thu hút du khách quốc tế đến thành phố; tăng độ dài lưu trú, chi tiêu bình quân và tỷ lệ quay lại của khách du lịch đồng thời liên kết với các tỉnh lân cận để cùng hỗ trợ nhau phát triển.

Ngày 20/2, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 nhằm hoàn thiện nội dung trước khi công bố.

Các đại biểu chia sẻ thông tin về Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030.

Các đại biểu chia sẻ thông tin về Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030.

Góp ý cho Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong chiến lược phát triển du lịch của TP Hồ Chí Minh mới chỉ nêu các tour tuyến mà chưa đưa ra giải pháp liên kết với các tỉnh lân cận. Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu khá gần TP Hồ Chí Minh vì vậy cần đẩy mạnh liên kết du lịch giữa hai địa phương, từ đó xây dựng các tour tuyến du lịch liên kết, xây dựng các gói sản phẩm du lịch 1 ngày, 2 ngày… đi từ TP Hồ Chí Minh đến Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cũng mong mỏi được liên kết phát triển du lịch với TP Hồ Chí Minh, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, TP Hồ Chí Minh có ngành du lịch phát triển nhất vùng vì vậy có thể kéo du lịch các vùng khác phát triển cùng. Tỉnh Tây Ninh có các điểm du lịch như núi Bà Đen cao nhất Đông Nam bộ; hồ Dầu Tiếng, công trình thủy nông nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á; di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và nhiều danh lam, thắng cảnh để phát triển du lịch… Đặc biệt, Tây Ninh có ẩm thực phong phú, đa dạng như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, bò tơ Tây Ninh, các món chay của tôn giáo Cao Đài… rất phù hợp liên kết phát triển du lịch ẩm thực với TP Hồ Chí Minh.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 là hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng, chủ lực nhằm thu hút du khách; tập trung nâng chất các sự kiện và biến sự kiện trở thành sản phẩm quảng bá và thu hút khách đến thành phố; tăng độ dài lưu trú, chi tiêu bình quân và tỷ lệ quay lại của khách du lịch; nâng cao công tác nghiên cứu thị trường, tăng cường công tác truyền thông quảng bá hình ảnh điểm đến thành phố “Hấp dẫn – Thân thiện – An toàn”.

"Để thu hút du khách đến thành phố, sắp tới TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xây dựng sản phẩm văn hóa lịch sử, y tế, mua sắm, ẩm thực, đường thủy và du lịch sinh thái – nông nghiệp; xây dựng hệ thống du lịch thông minh gắn với xây dựng đô thị thông minh; tăng cường phối hợp triển khai chương trình kích cầu du lịch vào thành phố; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; đột phá thủ tục hành chính về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; nâng cấp xây dựng mới trạm thông tin du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ khách du lịch của TP Hồ Chí Minh…", bà Thúy nói.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu cho Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch, TP Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 là đóng góp cho phát triển du lịch Việt Nam. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn phát triển du lịch mang tầm cỡ trong khu vực, thể hiện đẳng cấp trung tâm du lịch lớn của cả nước và bám sát định hướng du lịch chung của cả nước.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/du-lich/thanh-pho-ho-chi-minh-lien-ket-ho-tro-phat-trien-du-lich-voi-cac-tinh-lan-can-20200220152502966.htm