Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác phát triển điện mặt trời

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới, Việt Nam cũng phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới.

Phát triển điện mặt trời ở Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Phát triển điện mặt trời ở Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Chiều 12/5, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển điện mặt trời với Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Năng lượng mặt trời Bách Khoa, Công ty cổ phần Giải pháp sinh thái Việt Nam (VES) và Công ty cổ phần Năng lượng TTC.
Theo đó, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các nhà cung cấp triển khai các hoạt động này nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp quan tâm, sử dụng nguồn điện xanh và sạch với chi phí hợp lý, thủ tục đấu nối thuận tiện.

Đặc biệt, chương trình này còn có các chính sách ưu đãi cho người dân và doanh nghiệp khi lắp đặt, sử dụng góp phần tiết kiệm chi phí, đồng thời hướng đến xây dựng Thành phố thực sự là đô thị thông minh, có môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ khí hậu và sức khỏe cộng đồng.

Một trong những giải pháp tối ưu nhất hiện nay là tự cung cấp điện một phần bằng nguồn năng lượng mặt trời (hay còn gọi là điện mặt trời), giải pháp này đang nhận được nhiều người quan tâm và là xu hướng phát triển của thế giới.
"Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới, Việt Nam cũng phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Năng lượng tái tạo với ưu điểm là nguồn năng lượng xanh và sạch. Đây cũng chính là nguồn năng lượng của tương lai gần và có thể dần thay thế các nguồn điện truyền thống", ông Kiên chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Anh, đại diện Công ty cổ phần giải pháp sinh thái Việt Nam cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh hiện là trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm hộ gia đình, thương mại và công nghiệp cao hơn so với các thành phố khác của Việt Nam. Vì thế, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở Thành phố là rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà.
Theo ông Đức, Thành phố hiện còn rất nhiều khoảng trống trên các mái nhà. Như vậy việc lắp đặt không chỉ tiết kiệm, mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần giảm nhiệt cho căn nhà, giảm thiểu khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường, đồng thời phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo....
Về sản phẩm và thi công lắp đặt điện mặt trời mái nhà, các nhà cung cấp cam kết sử dụng các thiết bị tốt nhất, đảm bảo chất lượng, an toàn với giá cả hợp lý; đảm bảo hiệu quả vận hành và quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà trên nền tảng công nghệ mới. Các nhà cung cấp cũng cam kết sản lượng điện đầu ra cho khách hàng; giá điện thành phẩm kWh tốt nhất thị trường, hiệu suất năng lượng cao.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà cung cấp còn xây dựng nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá trực tiếp vào chi phí, giảm trên tổng giá trị hợp đồng cho gói khách hàng là hộ dân dụng, doanh nghiệp khi đăng ký lắp đặt hệ thống điện mặt trời thông qua ngành điện…
Như vậy, sau khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, hộ dân dụng hay doanh nghiệp (chủ đầu tư) có nhu cầu hòa lưới điện quốc gia, bán phần điện dư cho ngành điện, chỉ cần liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh qua đầu số 1900545454 để được hỗ trợ kiểm tra điều kiện hòa lưới, lắp điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời.
Theo Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến nay, toàn Thành phố đã có 6.835 công trình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 88,78 MWp. Lượng điện năng phát lên lưới đến nay là 30,49 triệu kWh, chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng.
Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện, có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của bên mua điện. Việc mua bán điện mặt trời mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều với mức giá theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ./.

Thanh Vũ/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-hop-tac-phat-trien-dien-mat-troi/156616.html