Thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh giải pháp giảm nghèo bền vững

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có dân số đông nhất cả nước, lượng người nhập cư cũng rất lớn. Với chính sách an sinh xã hội hiệu quả, thành phố đã giảm nhanh và cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016-2020. Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo bền vững, phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

Quận Bình Thạnh trao tặng phương tiện sinh kế cho người nghèo.

Giảm nghèo hiệu quả

Với chiếc xe bán thức ăn sáng được địa phương hỗ trợ, gia đình bà Nguyễn Thị Thu Thủy (phường 11, quận Bình Thạnh) đã có phương tiện mưu sinh để vươn lên thoát nghèo. “Gia đình tôi còn được hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng để phát triển kinh tế từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, cuộc sống gia đình đã tạm ổn định”, bà Thủy chia sẻ.

Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Đinh Khắc Huy cho biết, quận có nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, điển hình là các mô hình “Tổ tự quản giảm nghèo bền vững”, “Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm ổn định”. Các mô hình này tập trung chăm lo cho người bán hàng rong bị ảnh hưởng do lập lại trật tự lòng, lề đường với các giải pháp hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế…

Với chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố giai đoạn 2019-2020 (hộ nghèo là hộ có thu nhập từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống, con số này với hộ cận nghèo là 28-36 triệu đồng/người/ năm), đầu năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh có 27.432 hộ nghèo (chiếm 1,11% tổng dân số thành phố) và 32.143 hộ cận nghèo (chiếm 1,3% tổng dân số thành phố). Đến nay, thành phố chỉ còn hơn 3.100 hộ nghèo (chiếm 0,13% tổng dân số) và gần 15.200 hộ cận nghèo (chiếm 0,61% tổng dân số); hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016-2020 (thu nhập dưới 21 triệu đồng/ người/ năm), đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đề ra trước thời hạn 1 năm.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã huy động nguồn lực cho chương trình giảm nghèo bền vững được hơn 7.000 tỷ đồng, trong đó gần 5.200 tỷ đồng phục vụ cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ. Từ nguồn vốn này đã tạo điều kiện tối đa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cũng trong giai đoạn 2016-2020, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo hiệu quả, như: Đào tạo nghề cho 20.000 người; giải quyết việc làm cho 49.000 người nghèo, cận nghèo; cấp 1 triệu thẻ bảo hiểm y tế; xây dựng 1.800 căn nhà tình thương, 500 căn nhà tình nghĩa; miễn giảm học phí cho 150.000 lượt học sinh…

Chuyển dần sang hỗ trợ tác động

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn, thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ huy động gói tín dụng khoảng 4.500 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay để phát triển kinh tế gia đình, từng bước giảm trợ cấp xã hội. Song song đó, chuyển dần sang hỗ trợ tác động, nghĩa là giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng “cần câu” thay vì bằng “con cá”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu thông tin thêm, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh triển khai 7 chính sách cụ thể dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gồm: Miễn giảm học phí cho học sinh phổ thông, hỗ trợ cho trẻ bỏ học trở lại lớp học; hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ tiền ăn cho hộ nghèo điều trị bệnh nội trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập; hỗ trợ cho vay từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương; hỗ trợ hỏa táng; hỗ trợ hộ nghèo thuộc diện khó khăn đặc biệt; hỗ trợ giảm giá nước sinh hoạt; hỗ trợ vay vốn Quỹ Xóa đói giảm nghèo thuộc diện dân tộc thiểu số.

Cũng theo ông Ngô Minh Châu, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Trung ương, đồng thời lồng ghép các chính sách đặc thù của thành phố, như: Thực hiện hỗ trợ có điều kiện trong việc kéo giảm các chiều với 11 chỉ số thiếu hụt (so với chuẩn quốc gia, bổ sung 3 chỉ số thiếu hụt về giáo dục - đào tạo, việc làm, bảo hiểm xã hội); hộ thoát chuẩn hộ cận nghèo được tiếp tục hỗ trợ chính sách an sinh xã hội như hộ cận nghèo trong 24 tháng kể từ khi thoát chuẩn hộ cận nghèo…

“Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh mô hình phân cấp quản lý, trao quyền cho UBND phường, xã, thị trấn trong tổ chức thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững nhằm mở rộng, tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động giảm nghèo. Thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025”, ông Ngô Minh Châu cho hay.

Trọng Ngôn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/986982/thanh-pho-ho-chi-minh-day-manh-giai-phap-giam-ngheo-ben-vung