Thành phố Hồ Chí Minh: Chủ động tận dụng cơ hội từ EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam thông qua và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Chính quyền và các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh hiện đã có kế hoạch chủ động đón đầu và tận dụng những cơ hội từ EVFTA mang lại.

Ngành kinh doanh logistics có nhiều thuận lợi khi thực hiện EVFTA, nhưng cũng chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ doanh nghiệp cùng ngành của châu Âu.

Nắm bắt cơ hội

Ngay từ tháng 5-2019, Công ty FM Logistics Việt Nam đã đưa vào vận hành một nhà kho cho thuê với diện tích 6.500m2 cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30km. Ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành Công ty FM Logistics Việt Nam cho biết: "Công ty đã nâng diện tích nhà kho tại Việt Nam gấp 10 lần, hỗ trợ sự phát triển của các ngành thực phẩm, bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh, hàng công nghiệp và hàng mỹ phẩm. Đây là chiến lược đón đầu nhu cầu về kho lưu trữ cao cấp tăng cao khi EVFTA có hiệu lực".

Nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai kế hoạch kinh doanh, nhằm tận dụng những cơ hội từ EVFTA. Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Chánh Phương thông tin: “Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đã đầu tư để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có cơ hội gia tăng thị phần ở châu Âu như: Ván công nghiệp, ván MDF và hàng thủ công mỹ nghệ….”.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút hoàn thành việc xây dựng Đề án Phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng năm 2030, triển khai các hoạt động xuất khẩu theo hướng chuyển dịch sang dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (thành phố Hồ Chí Minh sẽ là trung tâm cung cấp dịch vụ xuất khẩu cho các tỉnh, thành phía Nam) và cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng tập trung sản xuất sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao.

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Lê Huỳnh Minh Tú giải thích: “Đó là định hướng để vừa giữ được tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác chiều sâu đối với các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường châu Âu”.

Để không bị thua ngay trên “sân nhà”

EVFTA mang lại nhiều thuận lợi, nhưng cũng tạo ra không ít thách thức với doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, với điều kiện bảo đảm nguồn gốc xuất xứ. Đây lại đang là khó khăn với ngành Da giày và Dệt may của thành phố Hồ Chí Minh do phần lớn doanh nghiệp trong hai ngành này nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường chưa đáp ứng yêu cầu xuất xứ của EU. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu tại Việt Nam lại có hạn; nguyên liệu từ các thị trường đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ của EU giá thành cao.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Khánh nhận định: “Những khó khăn này khiến doanh nghiệp chưa thể hưởng lợi từ EVFTA ngay lập tức. Do đó, rất cần quy hoạch tổng thể vùng nguyên liệu ngay tại Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu xuất xứ nguyên liệu của EU”.

Ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tưởng như có nhiều lợi thế lại đang lo ngại về khả năng đối thủ cùng ngành của EU sẽ hút hết khách hàng, nhờ có mối quan hệ lâu bền hơn, nhất là trong vận chuyển, lưu kho hàng hóa từ châu Âu sang Việt Nam và ngược lại. Trong khi đó, khả năng để doanh nghiệp logistics Việt Nam "chen chân" vào thị trường EU là rất khó. Điều này dẫn tới nguy cơ các doanh nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh có thể thua ngay trên “sân nhà”.

Trước vướng mắc này, các cấp, ngành của thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra các giải pháp mang tính tổng thể. Một là, tăng cường truyền thông về EVFTA để doanh nghiệp hiểu rõ những thời cơ và thách thức của hiệp định này. Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu. Ba là, xây dựng cơ chế tạo nền tảng phát triển ngành hàng chủ lực, phát huy thế mạnh của thành phố. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng cho rằng: “Các doanh nghiệp cần liên kết, hỗ trợ nhau nắm bắt những cơ hội mới, thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới, phát triển”.

Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập 4 hội đồng phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm. Đó là: Hội đồng Phát triển ngành công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông; Hội đồng Phát triển ngành cơ khí; Hội đồng Phát triển ngành cao su - nhựa và Hội đồng Phát triển ngành công nghiệp thực phẩm. “Các hội đồng có trách nhiệm tham mưu UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng các chiến lược, chính sách, giải pháp phát triển đối với từng ngành công nghiệp tương ứng và các sản phẩm chủ lực, để đón đầu cơ hội đến từ các hiệp định thương mại, đặc biệt là EVFTA”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức - đồng thời là chủ tịch của 4 hội đồng trên, cho biết.

Nam Trung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/970469/thanh-pho-ho-chi-minh-chu-dong-tan-dung-co-hoi-tu-evfta