Thành phố Hà Nội sẽ thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp phòng

Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp phòng và trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã là một trong những nhiệm vụ cải cách hành chính trong 9 tháng cuối năm 2020 của TP Hà Nội.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, TP Hà Nội đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác cải cách hành chính, trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng.

Từ năm 2019, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của TP Hà Nội đã từng bước được đổi mới từ hình thức đến nội dung. Số lượng CBCCVC được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định như bồi dưỡng chức danh, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và chất lượng hiệu quả đào tạo được bồi dưỡng nâng lên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cũng được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC đáp ứng được yêu cầu công việc.

Người dân làm TTHC tại UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Ảnh minh họa

Người dân làm TTHC tại UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Ảnh minh họa

Năm 2020, TP đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán kinh phí đào tạo bồi dưỡng với CBCCVC, cán bộ công chức xã, phường, thị trấn. Cụ thể, với khối Sở, cơ quan tương đương sở và các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP có 1.040 lớp đào tạo bồi dưỡng thường xuyên, với tổng số 43.238 học viên; khối UBND quận, huyện, thị xã có 920 lớp đào tạo bồi dưỡng thường xuyên với tổng số 133.144 học viên. Các lớp đào tạo bồi dưỡng theo đề án nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng CBCCVC TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 đã được UBND TP phê duyệt và bồi dưỡng tiếng dân tộc sẽ được phân bổ sau khi UBND TP phê duyệt điều chỉnh.

Kinh phí tổ chức đào tạo bồi dưỡng CBCCVC các Sở, các cơ quan tương đương Sở, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP năm 2020 là 134.663 triệu đồng; kinh phí đào tạo bồi dưỡng CBCCVC theo các chương trình đề án, dự án là 32.624 triệu đồng; kinh phí đào tạo bồi dưỡng cấp huyện, cán bộ công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách các cấp do quận, huyện, thị xã tổ chức là 33.107 triệu đồng từ nguồn ngân sách quận, huyện, thị xã.

Bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, UBND TP đã yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chấn chỉnh thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Theo đó, GĐ các Sở, ban, ngành TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP trong việc để xảy ra tình trạng không có cán bộ trực tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của đơn vị, không có cán bộ trực tiếp dân theo quy định, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Công tác đánh giá phân loại cán bộ, công chức của TP cũng có nhiều đổi mới. Trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, phân loại được đề cao, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao chiếm tỷ trọng lớn trong quá trình đánh giá. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu được gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được TP giao. TP cũng thực hiện việc GĐ Sở chuyên ngành kiểm điểm trưởng các phòng chuyên môn thuộc các sở, và Chủ tịch UBND cấp huyện chấm điểm chủ tịch UBND cấp xã để thêm một kênh hỗ trợ cho công tác đánh giá cán bộ.

Thực hiện quyết định số 3814/2018/QĐ-TU về ban hành quy định khung tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với CBCCVC và lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị của TP Hà Nội, TP đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, việc đánh giá xếp loại hàng tháng đã bắt đầu đi vào nền nếp, kết quả đánh giá xếp loại hàng tháng là căn cứ để bình xét khen thưởng và đánh giá xếp loại hàng năm. Đồng thời, là cơ sở để bố trí sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo bồi dưỡng theo yêu cầu nhiệm vụ.

Trong 9 tháng cuối năm, TP Hà Nội xác định sẽ tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Đồng thời, thí điểm đổi mới các tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp phòng và trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã.

Bên cạnh đó, TP tăng cường kiểm tra công vụ, chú trọng kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra gắn với khắc phục tồn tại được chỉ ra từ các đợt kiểm tra trước. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý kịp thời, nghiêm minh với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thanh-pho-ha-noi-se-thi-diem-doi-moi-cach-tuyen-chon-lanh-dao-quan-ly-cap-phong-184756.html