Thành phố Hà Nội: Hiệu quả bước đầu mô hình hạn chế đốt rơm rạ

Phong trào thi đua chuyên đề năm 2018 của Sở TN&MT thành phố Hà Nội 'Tăng cường kiểm soát chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội', trong đó nổi bật chủ đề hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Qua đó nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và cải thiện sức khỏe cộng.

Hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Ảnh minh họa

Đặc thù địa giới hành chính rộng lớn với 30 quận, huyện, thị xã gồm nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp, dịch vụ. Theo đó, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường đặt ra thách thức không nhỏ, nhất là ô nhiễm khói mù do tình trạng đốt rơm rạ tại các huyện ngoại thành. Để giải quyết tình trạng khói mù do đốt rơm rạ, Sở TN&MT Thành phố phát động thực hiện phổ biến mô hình “Phường/xã không đốt rơm rạ”.

Để cụ thể hóa mô hình, Thành phố hỗ trợ 50% kinh phí xử lý rơm rạ; quận/huyện/thị xã hỗ trợ 50% kinh phí xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học. Năm 2019 sẽ nhân rộng mô hình “Phường/xã không đốt rơm rạ” trên cơ sở Thành phố hỗ trợ 10% kinh phí xử lý rơm rạ, quận, huyện, thị xã hỗ trợ 30% kinh phí xử lý và người dân tự chi trả 60% kinh phí xử lý. Đặc biệt đến năm 2020 thực hiện mô hình “Thành phố không đốt rơm rạ”, kinh phí xử lý sẽ được hộ nông dân tự nguyện chi trả.

Năm 2018, Thành phố lựa chọn huyện Đông Anh, huyện Đan Phượng triển khai mô hình thí điểm “Phường/Xã không đốt rơm rạ”. Đây là 2 huyện điển hình có vị trí địa lý quan trọng, nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp, có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Theo đó, Sở TN&MT hỗ trợ, hướng dẫn bằng giải pháp sử dụng chế phẩm sinh học Fito-Biomix-RR xử lý rơm rạ tại ruộng với tổng diện tích 200ha (mỗi vụ 100ha). Vụ Xuân, ngoài diện tích lúa 100ha theo kế hoạch phối hợp, UBND huyện Đan Phượng, UBND huyện Đông Anh đã chủ động thực hiện hỗ trợ các loại chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ khác nhau và tăng diện tích xử lý để đối chứng sự hiệu quả của chế phẩm Fito-Biomix-RR do Sở TN&MT đề xuất sử dụng.

Huyện Đan Phượng hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ trên tổng diện tích 193,6 ha bao tại xã Liên Hồng 67ha bằng chế phẩm Fito-Biomix-RR; xã Thọ Xuân 19,6ha; xã Thượng Mỗ 107ha bằng chế phẩm Emuniv.

Huyện Đông Anh hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ trên tổng diện tích 280ha. Tại xã Thụy Lâm xử lý 100 ha bằng chế phẩm Fito-Biomix-RR; 30 ha bằng chế phẩm Sumitri. Các xã Việt Hùng, Liên Hà, Vân Hà, Xuân Nộn, Dục Tú xử lý 30ha/xã rơm rạ bằng chế phẩm Sumitri.

Để triển khai hiệu quả chương trình hạn chế đốt rơm rạ của Thành phố bằng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, Sở TN&MT Hà Nội, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội đã tổ chức các đợt hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, phát tờ rơi hướng dẫn đến các hộ gia đình tham gia và hướng dẫn nông dân trực tiếp tại ruộng lúa.

Tháng 7 năm 2018, Sở TN&MT, UBND huyện Đan Phượng và huyện Đông Anh phối hợp các chuyên gia tiến hành điều tra, khảo sát hiệu quả việc sử dụng chế phẩm sinh học đối với các hộ gia đình tham gia mô hình. Các địa phương, các hộ gia đình tham gia mô hình đánh giá cao hiệu quả việc sử dụng chế phẩm sinh học Fito-Biomix-RR với các ưu điểm như không còn hiện tượng khói mù, không còn hiện tượng vàng lá nghẹt rễ do bị ngộ độc hữu cơ...

Ngoài giải pháp sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, Sở TN&MT tìm kiếm các giải pháp cần thiết khác như thu mua rơm rạ trồng nấm, làm thức ăn cho gia súc, lớp phủ cho hoa màu... Đã liên kết 6 đơn vị có nhu cầu thu mua rơm rạ, góp phần giảm thiểu việc đốt rơm trên địa bàn 20 quận huyện/thị xã có rơm rạ. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức phi chính phủ lựa chọn 4 xã điển hình trên địa bàn huyện Đông Anh cam kết không đốt rơm rạ để xây dựng khu vui chơi cho trẻ em bằng rơm rạ và các sản phẩm tái chế khác như chai nhựa, túi nilon, qua đó nâng cao nhận thức, giảm thiểu việc đốt rơm rạ và tiến tới mục tiêu năm 2020 không còn hiện trạng đốt rơm rạ trên địa bàn Thành phố.

Sở TN&MT Hà Nội tổng kết nội dung phong trào thi đua chuyên đề, mô hình hạn chế đốt rơm rạ; tham mưu Thành phố các giải pháp để đến năm 2020 không còn hiện trạng đốt rơm rạ trên toàn địa bàn.

Phạm Ngọc Bách

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/thanh-pho-ha-noi-hieu-qua-buoc-dau-mo-hinh-han-che-dot-rom-ra-1262132.html