Thành phố Detroit của Mỹ phá sản: Biểu tượng lụi tàn

Chìm trong khủng hoảng kéo dài, Detroit ngậm ngùi 'mang tiếng' là thành phố lớn nhất trong lịch sử Mỹ tuyên bố phá sản với khoản nợ 18,5 tỉ USD.

Từng là biểu tượng cho sức mạnh của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ, Detroit (bang Michigan) giờ đây hoang tàn mục nát với những tòa nhà và công xưởng bỏ hoang. Theo tờ The Washington Post, từ năm 2010 đã có 35 đơn vị hành chính khác của Mỹ tuyên bố phá sản nhưng đều có dân số và mức nợ nhỏ hơn nhiều. Kỷ lục cũ thuộc về Jefferson County ở bang Alabama với 4 tỉ USD.

Hôm qua, Thống đốc Michigan Rick Snyder phát biểu: “Tôi phải đưa ra quyết định khó khăn này để Detroit có thể làm lại từ nền tảng tài chính vững chắc và hướng đến tương lai. Nộp đơn tuyên bố phá sản là giải pháp duy nhất”. Phát ngôn viên Nhà Trắng Amy Brundage cho biết Tổng thống Barack Obama “theo dõi sát sao tình trạng của Detroit” và Washington vẫn tiếp tục hỗ trợ thành phố này trong những nỗ lực cải thiện nền kinh tế địa phương. Trong vòng từ 1 - 3 tháng tới, tòa án sẽ phán quyết Detroit có được bảo vệ bởi luật phá sản để có thể đàm phán với chủ nợ hay không. Về nguyên tắc, các chế độ phúc lợi xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước vẫn được đảm bảo nhưng chắc chắn chi tiêu công sẽ bị cắt giảm mạnh.

Tại Detroit hiện có hàng trăm ngàn khu đất bỏ hoang do dân cư rời bỏ thành phố - Ảnh: Reuters

Con tàu chìm dần

Detroit từng mang biệt danh “Motor City”, là cái nôi của 3 đại gia trong ngành xe hơi (Ford, Chrysler, General Motors). Tuy nhiên, khó khăn về kinh tế - xã hội kéo dài khiến thành phố này ngày càng sa lầy. Năm 1950, Detroit là một trong những thành phố đông dân hàng đầu Mỹ với 1,8 triệu dân. Sau nhiều đợt “chảy máu” nghiêm trọng, hiện thành phố này chỉ còn 685.000 dân. Theo tờ Los Angeles Times, trong vòng một thập niên qua, dân số Detroit đã giảm 25%. Có nhiều nguyên nhân khiến người dân “tháo chạy”: kinh tế ì ạch; tỷ lệ thất nghiệp cao (nhiều nơi lên đến 40%); thiếu thốn nghiêm trọng về dịch vụ công cộng (40% đèn của hệ thống chiếu sáng bị hư hỏng, 50% số công viên phải đóng cửa); tỷ lệ tội phạm cao, nạn phân biệt chủng tộc... theo tờ Daily Mail, một khảo sát hồi tháng 5 cho thấy, 3 vị trí dẫn đầu trong danh sách những khu phố nguy hiểm nhất nước Mỹ đều thuộc về Detroit.

Hồi tháng 3.2013, Thống đốc Snyder đã bổ nhiệm chuyên gia Kevyn Orr để nghiên cứu vấn đề nợ nần của Detroit và ông Orr nhận định: “Quản lý tài chính kém, dân số giảm liên tục, nguồn thuế giảm trong nhiều thập niên”. Chuỗi ngày u ám của Detroit bắt đầu từ thập niên 1950. Kinh tế của thành phố này phụ thuộc rất lớn vào ngành sản xuất xe hơi nhưng trong thời điểm ấy, các hãng chủ lực là General Motors, Ford và Chrysler bắt đầu chiến dịch mở rộng sản xuất và đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Ngay lập tức, việc làm tại Detroit bị ảnh hưởng và người dân bắt đầu di cư.

Tình hình càng tồi tệ hơn trong giai đoạn 1960 - 1970 khi những bang khác đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn về thuế để thu hút doanh nghiệp. Và khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ vào năm 2008 làm ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ chao đảo thì Detroit không thể cầm cự nổi.

Trước khi Detroit chính thức tuyên bố phá sản, chuyên gia Orr đã thử đưa ra nhiều đề xuất thắt lưng buộc bụng, bao gồm cắt giảm phúc lợi, giảm số công chức, thanh lý tài sản công… Thậm chí, ông này không loại trừ việc bán bớt hiện vật của Viện Nghệ thuật Detroit (DIA). DIA là một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn nhất Bắc Mỹ, với nhiều kiệt tác của các danh họa Munch, Bruegel, Rembrandt, Matisse, Van Gogh, Picasso… Tổng giá trị của 66.000 hiện vật tại bảo tàng này khoảng 15 - 17 tỉ USD. Tuy nhiên, đề xuất bán tranh trả nợ không thể thực hiện được vì nhiều vấn đề pháp lý và xã hội.

Tác động khó lường

Theo Bloomberg, việc Detroit nộp đơn xin phá sản có thể làm gia tăng mức độ lo ngại cũng như lãi suất ở những thành phố dựa vào thị trường trái phiếu đô thị để tài trợ cho những dự án thiết yếu. Một số chuyên gia nhận định sự vỡ nợ của Detroit có thể khiến các nhà đầu tư ngần ngại hơn khi bỏ tiền vào trái phiếu đô thị, đặc biệt là những địa phương đang gặp khó khăn tài chính. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự hồi phục kinh tế đang tương đối khả quan của Mỹ. Tuy nhiên, cũng có nhà phân tích tin rằng tác động sẽ khá chừng mực khi các vấn đề của Detroit mang tính đặc thù và không thể lan rộng.

Trùng Quang

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/thanh-pho-detroit-cua-my-pha-san-bieu-tuong-lui-tan-21773.html