Thành phố công nghiệp bên sông Đồng Nai

Biên Hòa (Đồng Nai) là thành phố có bề dày lịch sử, một trong những đô thị phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghiệp. Đây cũng là trung tâm công nghiệp quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước, đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Trong những năm chiến tranh, Biên Hòa là địa bàn trọng điểm tiếp giáp sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Với vị trí chiến lược bảo vệ cửa ngõ thủ phủ Sài Gòn từ hướng đông bắc, Biên Hòa được ngụy quyền bố trí nhiều đơn vị trọng yếu, trong đó có bộ tư lệnh quân đoàn 3, sân bay quân sự, Tổng kho Long Bình và nhiều trường, trung tâm huấn luyện khác đặt ở vùng ven... Theo hồi ký của Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu), trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4: Sau khi giải phóng Long Khánh, ngày 24-4-1975, lãnh đạo Quân đoàn 4 cùng lãnh đạo Thành ủy Biên Hòa bàn kế hoạch đánh vào Biên Hòa, giải phóng các mục tiêu, tiến về nội thành Sài Gòn.

Ông Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Bí thư Thành ủy Biên Hòa, nhớ lại: Theo kế hoạch đã thống nhất, Thành ủy Biên Hòa phối hợp với bộ đội chủ lực Quân đoàn 4 tổ chức lực lượng tiến công vào các mục tiêu địch ở Biên Hòa. Chiến dịch mở màn bằng những trận đánh liên tục, dữ dội dọc theo Quốc lộ 1. Địch chống trả quyết liệt với ý định tử thủ để bảo vệ cửa ngõ đông bắc. Trước khí thế hừng hực của Quân Giải phóng, địch tan rã dần. Đúng 10 giờ ngày 30-4-1975, ta chiếm được Tòa hành chính Biên Hòa, làm chủ chiến trường. Nhân dân reo hò kéo tới Quảng trường Sông Phố để mừng chiến thắng. Biên Hòa được hoàn toàn giải phóng…

 Học sinh tiểu học TP Biên Hòa vui chơi trong khuôn viên trường chuẩn nông thôn mới.

Học sinh tiểu học TP Biên Hòa vui chơi trong khuôn viên trường chuẩn nông thôn mới.

45 năm trôi qua, TP Biên Hòa hôm nay đã vươn mình đổi khác. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Biên Hòa chung sức, đồng lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Đến nay, thành phố không còn những khu dân cư xơ xác, thưa vắng năm xưa, thay vào đó là những khu đô thị khang trang, sầm uất và những tòa nhà cao tầng hiện đại. Nhiều tuyến đường được mở rộng khang trang, kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; trường học, bệnh viện được đầu tư xây mới, đáp ứng nhu cầu học tập, khám, chữa bệnh của nhân dân. Đặc biệt, chủ trương xây dựng nông thôn mới làm cho Biên Hòa hoàn toàn “thay da đổi thịt”, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc và diện mạo mới cho một đô thị văn minh. Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Biên Hòa luôn xác định mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, có đời sống vật chất, tinh thần cao; thúc đẩy công nghiệp và đô thị phát triển theo hướng bền vững, mang lại sự hài hòa trong đời sống và lao động của người dân thành phố”.

Để có được thành công đó, Biên Hòa đã huy động tốt các nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng dân cư và từ các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp cho nông thôn mới. Với đặc thù đất nông nghiệp chỉ chiếm hơn 30% diện tích đất thành phố, Biên Hòa lựa chọn phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, hình thành các vùng sản xuất lớn, đầu tư cho nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp phục vụ đô thị; tập trung chăm lo phát triển nguồn nhân lực toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đô thị. Theo bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa, truyền thống cách mạng kết hợp với tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm và chủ trương khơi sức dân để lo cho dân chính là động lực để Biên Hòa vững bước vươn lên trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai, viết tiếp truyền thống cách mạng của vùng đất Trấn Biên anh hùng.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thanh-pho-cong-nghiep-ben-song-dong-nai-616677