Thành phố chìm dưới đáy biển được tạo thành từ vi khuẩn

Những thành phố như thế này phải mất hàng ngàn năm mới có thể hình thành trong một môi trường vô cùng đặc biệt.

Vào năm 2013, khi các thợ lặn thám hiểm vùng nước sâu ngoài khơi quần đảo Zakynthos (Hy Lạp), họ đã phát hiện ra những vật giống như di tích của những bức tường đá cổ. Các nhà khảo cổ học từ khắp nơi trên thế giới đã nghiên cứu ảnh chụp của những tảng đá kỳ lạ này và cho rằng chúng có thể là tàn tích của một thành phố bị chìm xuống dưới đáy biền nhiều ngàn năm về trước. Tuy nhiên, điều kì lạ là trong số các mẫu đá hình cột, hình vòng và đá lát này, họ lại không tìm thấy được bất kì một mảnh gốm hay hiện vật nào khác. Sau đó, nhà địa hóa học Julian Andrews của trường Đại học Tây Anglia và các đồng nghiệp đã đi xuống trực tiếp tại thực địa và thu thập các mẫu tàn tích mang lên bờ.

Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học mới vỡ lẽ ra rằng cái mà bấy lâu nay mọi người đinh ninh là thành phố bị mất của Zakynthos lại được xây dựng bởi các vi khuẩn, chứ không phải do người Hy Lạp cổ đại. Những tàn tích này thực sự là hóa thạch của các trầm tích tạo ra từ hoạt động của vi khuẩn metan từ hàng triệu năm trước đây.

Những tảng đá “tàn tích” được tạo thành từ vi khuẩn. Nguồn ảnh: sciencenews

Những tảng đá “tàn tích” được tạo thành từ vi khuẩn. Nguồn ảnh: sciencenews

Các tàn tích này là tác phẩm đặc sắc của những vi khuẩn sống trong miệng núi lửa phun dưới đáy biển. Tại nơi này, vào thời điểm 3-4 triệu năm trước, nước giàu mêtan thấm lên bề mặt với một lượng rất lớn. Phân tích của các nhà khoa học cho thấy, khi những vi khuẩn tiêu thụ metan, chất bài tiết của chúng tạo ra khoáng cacbonat và hình thành nên những cấu trúc rỗng lớn. Theo thời gian, sự xói mòn sẽ làm cho những cấu trúc này có những hình thù vô cùng đặc biệt.

Vi khuẩn khử sunfat trong trầm tích đã phát triển mạnh trên rỉ metan trong đáy biển. Hoạt động của vi khuẩn đã làm thay đổi tính chất hóa học của đất, tạo điều kiện thuận lợi cho một loại đá giàu magiê cacbonat gọi là dolomit hình thành. Khi các lỗ rò khí mêtan khuếch tán, các vi khuẩn sẽ làm cho các tảng đá dolomit giống như đá ốp lát. Khi các lỗ rò tập trung nhiều hơn, các vi khuẩn sẽ tạo cho đá có hình dáng tròn như bánh xe. Quá trình này xảy ra khoảng 3 triệu năm trước đây, và có lẽ mất đến hàng trăm đến hàng ngàn năm để thành hình.

Khuẩn mêtan là sinh vật cổ xưa nhất trên Trái đất. Những ngày đầu mới hình thành Trái đất, trong môi trường hoang sơ và thiếu oxy như trong cõi chết, những sinh linh đầu tiên ra đời, chúng không cần thở oxy, sống nhờ vào những chất cacbonat và một số muối đơn giản. Tuy nhiên, chúng có đầy đủ tiêu chuẩn của sự sống - tế bào, sinh sôi nảy nở trong thiên nhiên. Khuẩn mêtan chính là thủy tổ của sinh vật.

Vi khuẩn sản sinh metan cũng có thể là nguyên nhân của đợt tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất trong lịch sử Trái đất. Cụ thể là các vi khuẩn cổ sinh khí metan được gọi là Methanosarcina - đột nhiên phát triển bùng nổ trong các đại dương, phun ra một lượng khí mêtan khổng lồ vào khí quyển và làm thay đổi đáng kể khí hậu và thành phần hóa học của các đại dương. Điều này đã làm biến đổi nghiêm trọng thời tiết toàn cầu và dẫn đến sự tuyệt diệt hàng loạt của sinh vật.

Theo Phan Thanh/Khám phá

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/thanh-pho-chim-duoi-day-bien-duoc-tao-thanh-tu-vi-khuan/20200728084754601