Thành phố bị phong tỏa: Người Trung Quốc đã làm gì để giải khuây?

Trong thời gian bị phong tỏa, nhiều người Trung Quốc có thời gian chiêm nghiệm, khám phá ra những điều mà trước đây họ chưa từng biết về bản thân mình.

Khi dịch bệnh bùng phát, khoảng 760 triệu người Trung Quốc – hơn một nửa dân số nước này – được yêu cầu ở yên trong nhà để ngăn dịch bệnh lan rộng.

Đối với nhiều người Trung Quốc, 6 tuần ở yên một chỗ kể từ sau khi kết thúc đợt nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian quý giá để họ chiêm nghiệm, lên kế hoạch sự nghiệp, sáng tạo và dành thời gian cho gia đình.

Zoey Zhou là một huấn luyện viên thể hình sống ở Thượng Hải hiện đang có vài triệu người hâm mộ online. Trước khi về nước hồi giữa tháng 3, cô đã dành 2 tháng ở Bali, Indonesia. Trong 2 tháng này, số người theo dõi trang video của Zhou đã tăng lên hơn 500 ngàn người, bởi vì đó là thời điểm mọi người hăng hái tìm kiếm các bí quyết giữ dáng trong suốt thời gian phải ở yên trong nhà.

‘Tôi đặt ra những thách thức cho người theo dõi mình. Ví dụ như là yêu cầu họ chống đẩy cùng tôi trong khoảng 2 phút suốt 7 ngày liên tục’ – cô chia sẻ.

Trong 2 tháng phải ở yên trong nhà, số người theo dõi trang video của Zhou đã tăng lên hơn 500 ngàn người.

Trong 2 tháng phải ở yên trong nhà, số người theo dõi trang video của Zhou đã tăng lên hơn 500 ngàn người.

Ngoài công việc huấn luyện, Zhou cũng dành khoảng thời gian này để phát triển thương hiệu thể hình của mình có tên Wild Saturday. ‘Tôi làm việc với nhà thiết kế để cho ra mắt các sản phẩm như dụng cụ thể dục và các lớp học online’.

‘Tôi cũng chiêm nghiệm lại về cuộc sống khi dành nhiều thời gian ở nhà – một việc mà trước kia là điều xa xỉ trong cuộc sống bận rộn. Đây cũng là một cơ hội hiếm có để mọi người lắng xuống mà không có bất cứ phiền nhiễu nào liên quan tới đồng nghiệp, giao thông, hội họp… Lịch làm việc của chúng ta trước đây tràn ngập những sự can dự của người khác’.

Nhiều người tìm cách giữ dáng trong thời gian phải ở nhà và họ tìm đến trang của Zhou.

Zhou cũng nói thêm rằng, mặc dù mọi người cảm thấy rất khó để thích nghi với những ngày dài đằng đẵng khi phải ở yên trong nhà, nhưng bạn vẫn có thể lên một thời gian biểu với nhiều nhiệm vụ cần hoàn thành. Khi người ta hoàn thành một việc gì đó, họ sẽ cảm thấy mình vừa đạt được một thành tích.

‘Thời gian cách ly là cơ hội có một không hai để tôi dành thời gian cho bản thân mình, lắng nghe tâm trí mình. Sụp đổ sau một cuộc chia tay mới đây, tôi đã biết quan tâm hơn tới cơ thể và tinh thần mình. Tôi làm những việc trong danh sách việc - cần - làm nhưng chưa từng có cơ hội làm trước đó. Tôi cảm thấy mình được tái sinh khi thời gian cách ly kết thúc’.

Chang Jing tìm thấy niềm vui khi nấu ăn - việc mà trước kia cô không hề thích thú.

Chang Jing – một ‘streamer’ trực tiếp trên mạng xã hội Bilibili của Trung Quốc – thì chia sẻ, thời gian ở yên một chỗ buộc cô phải ở với bố mẹ mình. Chang từ Bắc Kinh về quê ăn Tết trong suốt 1 tháng. Chưa bao giờ cô được về nhà lâu như thế.

‘Khoảng thời gian ấy rất có giá trị với tôi. Tôi tập luyện thư pháp mỗi ngày để bình tâm và giúp mình không lo lắng quá nhiều về sự bùng phát của dịch bệnh’.

Chang cũng đăng ký các khóa học online mà cô chưa từng theo đuổi. Cô học về lịch sử nghệ thuật phương Tây, văn học cổ điển Trung Quốc, thiết kế Trung Quốc và phương Tây.

‘Tôi đã học khá chăm chỉ. Việc học khơi gợi đam mê sáng tác của tôi nhiều hơn. Tôi cũng vẽ và viết nữa. Mặc dù bị giam hãm trong một không gian nhỏ, nhưng những suy nghĩ của tôi thì bay xa nhờ việc học tập’ – cô nói.

‘Trước đây, tôi không thích nấu ăn. Nhưng sau đó phải nấu ăn ở nhà 3 lần/ ngày khiến tôi dần quan tâm tới nó hơn. Khi bạn hình thành một thói quen, bạn sẽ quen với nó, thậm chí bạn sẽ có được niềm vui khi làm những việc mà mình chưa từng thích thú trước đây’.

‘Tôi không cảm thấy buồn chán khi ở nhà bởi vì tôi cảm thấy rất may mắn khi làm việc đó. Có quá nhiều bệnh nhân và các y bác sĩ còn đang rất khó khăn khi phải sống xa nhà’.

'Tôi biến nỗi đau mà mình cảm nhận được thành sức sáng tạo' - nghệ sĩ Kong Ning chia sẻ.

Nghệ sĩ Kong Ning – người làm việc ở Bắc Kinh – cho biết, chưa bao giờ cô làm việc hiệu quả như thời điểm dịch bệnh bùng phát. Cảm thấy chán nản khi nghĩ về những mất mát vô nghĩa trong cuộc sống, tức giận vì những phản ứng chủ quan ban đầu của chính quyền thành phố Vũ Hán, cô đã vẽ những bức tranh các nhân viên y tế đang làm việc trên tuyến đầu.

Một trong những nhân vật trong tranh của cô là bác sĩ Li Wenliang – một trong số những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh ở Vũ Hán, sau đó tử vong vì dương tính với Covid-19.

Kong cũng thực hiện một tác phẩm khác – chiếc váy màu xanh cồng kềnh với họa tiết khẩu trang trên đó. Cô muốn truyền tải hi vọng rằng mọi người sẽ sớm được tháo khẩu trang ra và hít thở không khí trong lành.

Chiếc váy in hình khẩu trang màu xanh được nghệ sĩ Kong Ning sáng tạo trong thời điểm dịch bệnh.

‘Tôi cũng làm thơ và vẽ tranh về những bệnh nhân vô danh đã mất – những người mà tôi hi vọng sẽ biến thành những bông hoa trên thiên đường. Tôi sáng tác mỗi ngày trong suốt những ngày phong tỏa thành phố’.

‘Tôi mua rất nhiều vải vẽ và không bước chân ra khỏi nhà. Tôi đã biến nỗi đau mà tôi cảm nhận được thành sức sáng tạo. Tôi không cảm thấy mình bị giam cầm bởi vì tôi có những cây cọ và ô cửa sổ. Tôi đã cảm thấy rất ổn’.

Kong tin rằng người phương Tây nên thể hiện trách nhiệm của mình và chấp nhận việc ở nhà như một biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình mình.

‘Đi ra ngoài bây giờ là phải trả giá. Họ đang mạo hiểm mạng sống của mình khi làm vậy. Họ có thể nghe nhạc, đọc sách và nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu’ – cô khuyên.

Nguyễn Thảo(Theo SCMP)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/thanh-pho-bi-phong-toa-nguoi-trung-quoc-da-lam-gi-de-giai-khuay-630006.html