Thành phố bên dòng Ka Long

Thành phố Móng Cái ở cực đông bắc Tổ quốc, nằm bên dòng Ka Long hiền hòa. Không chỉ được biết đến là nơi thương mại sầm uất, thành phố còn mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng biên giới tỉnh Quảng Ninh.

Một góc thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: THÁI CẢNH

Từ TP Hạ Long, xe chạy qua nhiều cung đường khúc khuỷu để đến TP Móng Cái. Tuấn, người lái xe cho biết, đường về Móng Cái bây giờ được cải tạo, đi lại dễ dàng hơn trước rất nhiều. Xe chạy bon bon, vài tiếng là lên đến thành phố, trong khi nhiều năm trước, những khi gặp sự cố tắc đường cả buổi là chuyện bình thường. Chưa kể, chất lượng đường không tốt nên nhiều đoạn không dám mở cửa xe vì bụi.

Nếu tìm hiểu về thành phố, điểm đến đầu tiên nên chọn là mũi Sa Vĩ, nằm ở vùng biển Trà Cổ. Nơi đây, biển như bất tận. Ðất trời mở rộng, mênh mông. Trong khoảng mênh mông đó, nổi lên bức phù điêu tạc hình ba ngọn thông mầu xanh lá cây vươn thẳng lên trời. Mũi Sa Vĩ. Ðiểm đánh dấu ở cực đông bắc của đất nước rất nhỏ bé, bình dị, nhưng với khách du lịch đây là điểm đến hấp dẫn. Dẫu chỉ là đứng vài ba phút để chụp ảnh thôi nhưng cảm giác thật thiêng liêng vô cùng. “Sa” là cát, “vĩ” là đuôi. Theo người dân địa phương, sở dĩ có cái tên gọi mũi Sa Vĩ vì khi thủy triều xuống, một doi cát dài hiện ra tựa chiếc đuôi con rồng...

Mũi Sa Vĩ đơn sơ, không đẹp theo kiểu hùng vĩ, nhưng chính vẻ bình dị đã níu chân du khách. Chầm chậm đọc câu thơ “…từ Trà Cổ rừng dương/ Ðến Cà Mau rừng đước…” của nhà thơ Tố Hữu in trên bức phù điêu, ngắm nhìn vùng đất bắt đầu của Tổ quốc, lòng chợt rưng rưng. Gần mũi Sa Vĩ là Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, gồm quảng trường, cụm công trình chính và nhà dịch vụ, với quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Khu vực quảng trường trung tâm nổi lên hàng trụ đá hình bán nguyệt đứng sừng sững, tượng trưng cho những người lính ngày đêm canh giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.

Biển Trà Cổ là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên ở miền bắc. Biển bình dị, dịu êm. Bãi cát dài mịn màng. Chúng tôi vừa ngắm ánh mặt trời từ từ hiện lên từ khơi xa, vừa nghe những người dân say sưa kể về mảnh đất mà họ gắn bó từ bao đời. Tổ tiên của người dân Trà Cổ là dân Ðồ Sơn (Hải Phòng). Thời Hậu Lê, có 12 hộ ngư dân từ Ðồ Sơn đi biển, gặp sóng to. Những con thuyền sau một thời gian lênh đênh trên biển, đã dạt vào Trà Cổ. Sáu gia đình quay về cố hương. Sáu gia đình ở lại Trà Cổ, sinh cơ, lập nghiệp, dựng nên làng chài Trà Cổ. Ở đây, từ những ngày đầu cơ cực, nhưng câu ca được những ngư dân sáng tác, truyền miệng đến tận bây giờ, kể về những khó khăn ban đầu và niềm lạc quan vào cuộc sống: Ở đây vui thú non tiên/ Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau… Câu thành ngữ Trà Cổ tổ Ðồ Sơn vẫn được nhắc đến để người dân nhớ về nguồn cội của mình.

Phố đi bộ và ẩm thực - một địa điểm hấp dẫn du khách tại TP Móng Cái. Ảnh: PHƯƠNG THÚY

Có vị trí địa lý thuận lợi, TP Móng Cái nhanh chóng phát triển với nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn mọc lên san sát. Dòng sông Ka Long được mệnh danh là “nhất giang lưỡng quốc”, tạo thành biên giới tự nhiên dài 60 km chạy dài giữa TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Ðông Hưng, Quảng Tây (Trung Quốc). Ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành 5328 TP Móng Cái chia sẻ: So với trước đây, dòng sông tấp nập thuyền bè chở hàng hóa, cửa khẩu nhộn nhịp khách qua lại, thì bây giờ, các hoạt động giao thương có phần ít đi. Nhưng chính quyền tỉnh và thành phố đã có hướng đi mới là phát triển du lịch. Du khách đến đây ngày càng nhiều, Móng Cái lại trở nên sôi động. Dù là thành phố thương mại nhưng nhờ có biển Trà Cổ, đảo Vĩnh Thực yên bình nguyên sơ cho nên Móng Cái không mất đi bản sắc và những nét lịch sử truyền thống.

Ðiểm nhấn của TP Móng Cái là cây cầu Ka Long với lối kiến trúc độc đáo, dáng tựa con rồng vắt ngang qua dòng Ka Long. Cầu được thiết kế bởi một nữ kiến trúc sư người Pháp. Ðây là cây cầu duy nhất ở Việt Nam được xây dựng hoàn toàn bằng những phiến đá lớn, nhỏ ghép lại với nhau. Nhiều năm qua, cây cầu này được kết hợp hệ thống ánh sáng, tạo nên nét đẹp mới cho thành phố vùng biên. Từ tháng 5-2015, phố đi bộ được mở ra ở đường Trần Phú, ngay bên bờ sông Ka Long, nhằm thực hiện đề án phát triển sản phẩm du lịch, quản lý khai thác tuyến và điểm du lịch trên địa bàn TP Móng Cái. Việc khai trương và đưa vào hoạt động phố đi bộ đã tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch. Tuyến phố đi bộ được bố trí các gian hàng, khu ẩm thực với các món ăn Việt Nam và Trung Quốc; trưng bày, bán nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có nhiều sản phẩm đặc sản Móng Cái như: tôm chân trắng, giò, ruốc, khoai lang…

Lãnh đạo UBND thành phố Móng Cái cho biết, tháng 9 tới, Móng Cái sẽ kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố và hướng tới trở thành đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh. Chính quyền và người dân thành phố đang háo hức chờ đợi thời khắc quan trọng, mở ra hướng phát triển mới. Theo đại diện một số công ty lữ hành, du lịch, hiện nay, các công ty đều chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp. Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng mừng, du khách đến ngày càng đông, nhưng Phó Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành 5328 TP Móng Cái Trần Ngọc Tuấn vẫn có nhiều trăn trở. Theo ông Tuấn, tình hình phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng tiềm năng của thành phố. Lượng khách chưa đều, hầu hết vào mùa hè để thăm thú, tắm biển, ba mùa còn lại thì thưa vắng. Chưa kể, các dịch vụ đi kèm như ăn uống, nghỉ dưỡng chưa thật sự phát triển kịp với lượng du khách kéo đến, nhất là dịp cao điểm, thường xuyên xảy ra tình trạng “cháy phòng”. “Cần thêm sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, sự chung tay của các doanh nghiệp để du lịch Móng Cái có thể phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là điểm đến hấp dẫn nơi địa đầu Tổ quốc”, ông Tuấn chia sẻ.

Hoàng Ðức Nhã

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37219102-thanh-pho-ben-dong-ka-long.html