'Thánh nữ' lột dừa và những nụ cười tỏa nắng bên dòng sông Thom

Đôi tay thoăn thoắt, chỉ cần vài ba giây với lưỡi nầm, họ đã lột xong trái dừa. Họ được gọi là các 'thánh nữ' lột dừa, luôn nở nụ cười tươi thắm bên dòng sông Thom.

Một ngày lột cả ngàn trái dừa

Với mọi du khách, ấn tượng nhất khi đến “thủ phủ” của sơ chế dừa ở hai bên bờ sông Thom (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) có lẽ là những người chị, người cô đứng lột vỏ dừa... thuộc dạng siêu hạng. Chỉ cần vài ba thao tác, trái dừa đã được lột xong vỏ. Để lột vỏ dừa, những “thánh nữ” ở đây không làm theo cách như chúng ta thường nghĩ, dùng dao chặt rồi tách vỏ dừa. Thay vào đó, người dân nơi đây đã phát minh ra một vật dụng gọi là cây nầm.

Nầm được làm bằng sắt, có đầu nhọn, sắc (giống như cây giáo) nhưng thân ngắn và to hơn. Khi sử dụng, nó lại được dựng đứng trên một bệ đỡ chắc chắn. Bằng đôi tay khéo léo của con người, trái dừa sẽ được dọng từ trên xuống, mỗi nhát như vậy sẽ tách một khía của vỏ dừa. Chỉ cần 4 lần dọng, vỏ đã rời khỏi trái dừa rất nhanh chóng.

Những nụ cười tỏa nắng bên dòng sông Thom hiền hòa (ảnh: Đăng Triều).

Những nụ cười tỏa nắng bên dòng sông Thom hiền hòa (ảnh: Đăng Triều).

Tại công ty Dừa Liên Thành, chị Nga - một người lột vỏ dừa có tiếng - cứ làm thoăn thoắt. Trong vòng khoảng 3 đến 4 giây, chị đã lột được một trái dừa. Một ngày công, chị lột khoảng 2.000 trái dừa. Chúng tôi chưa bao giờ thấy cách lột dừa nào mà nhanh, gọn đến như vậy.

Chị Nga cho biết: “Mỗi người bình quân có thể lột từ một đến vài ba ngàn trái dừa/ngày công – thường bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối. Số tiền mà họ thu được khoảng từ hai, ba trăm ngàn tới năm, sáu trăm ngàn, đủ để sinh hoạt hàng ngày và nuôi sống gia đình, cho con cái đi học”.

Tương tự, chị Lan cũng chia sẻ: “Công việc này hết sức vất vả, thậm chí có những nguy hiểm khi mà chỉ cần sơ sẩy là bị đứt tay chảy máu. Còn bị tai nạn thương tích nặng cũng đã có nhiều trường hợp xảy ra, bởi chỉ bất cẩn là “ăn đòn” ngay. Việc lột vỏ dừa là do người trước chỉ người sau, bằng kinh nghiệm và người nào có sức khỏe, kỹ thuật tốt, khéo léo thì có thể tách vỏ dừa nhanh, an toàn. Tuy nhiên, cũng khó nói về việc bị thương hay không”.

Cây nầm có hồn

Ông Tư, người có nhiều kinh nghiệm lột vỏ dừa, cho biết: “Việc lột vỏ dừa nhìn tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Với lại, làm để có độ chính xác, vừa an toàn vừa nhanh lại càng khó. Nhiều người cũng đi ngang đây, đặc biệt là cánh chở dừa hay khi dễ (từ địa phương, nghĩa là khinh rẻ - PV) phụ nữ, đòi vào thử để làm nhưng không được, dẫn tới bị rách tay chảy máu là chuyện thường. Nhất là các động tác thứ hai, thứ ba và cuối cùng, chỉ cần sơ sẩy là dễ bị “chảy máu”, đứt ngón, thủng bàn tay...”.

Hơn nữa, đối với người một dân lột vỏ dừa chuyên nghiệp, nhất là nữ, ai cũng chuẩn bị cho mình một cái nầm phù hợp với vóc dáng của từng người. Cái nầm cũng có hồn, ai quen của người đó - chỉ cần dọng trái xuống là biết, đầu nầm cắm sâu vào trái dừa độ nào, tách ra làm sao... Từ đó, việc gỡ, lột vỏ nhẹ nhàng, lại thêm quen tay, cứ thế thoăn thoắt mà làm.

Cũng theo ông Tư, “không phải ai cũng dùng nầm của người khác được. Trước đây, có hàng tá người phải vào bệnh viện cấp cứu. Người nhẹ thì bị đứt tay, chảy máu, còn người nặng là đứt cả cả bàn tay, ngón tay... thậm chí bị cây nầm đâm cả vào người, do ngã xuống ngay ngọn nầm, rất nguy hiểm”.

Những tưởng, việc lột vỏ dừa chỉ dành cho cánh mày râu nhờ sức vóc khỏe mạnh, cơ thể cường tráng... Tuy nhiên, trong việc lột vỏ dừa, phụ nữ lại có những lợi thế nhất định. Họ là những người kiên trì, chịu khó, lại thêm cẩn thận và đôi bàn tay khéo léo, dẻo dai nên việc lột vỏ dừa... có thể cạnh tranh sòng phẳng với nam giới.

Ở hai bên dòng sông Thom đang có rất nhiều chị, cô thậm chí cả người lớn tuổi đang hăng say lao động với các sản phẩm từ dừa. (ảnh: Đăng Triều).

Họ khôn khéo, uyển chuyển trong việc sử dụng lưỡi nầm, để tách vỏ dừa một cách nhanh, gọn và hiệu quả. Nhìn những giọt mồ hôi trên khuôn mặt rơi lã chã xuống trái dừa, chúng tôi mới hiểu thế nào là giá trị của lao động. Ngoài mang lại thu nhập, những cô, những chị đang tích cực lao động còn góp phần vào việc làm đẹp cho quê hương xứ Dừa.

Vì vậy, có khách đến chụp hình, trao đổi... dù mệt mỏi đến cỡ nào, họ vẫn tươi vui, nở nụ cười chào đón khách và nói hết về công việc, nghề nghiệp của mình. Đó thực sự là những nụ cười tỏa nắng bên dòng sông Thom hiền hòa. Sông Thom theo như cách lý giải của người dân nơi đây là đọc trại (chệch – PV) từ Thum - tiếng của người Khmer. Dù vậy, nhiều người vẫn lầm tưởng, gọi là sông Thơm.

Sông Thom - cái tên gợi cho người nghe nhiều điều thú vị: Hai bờ con sông, sóng nước nhấp nhô, vỗ bờ nhẹ nhàng. Nhà - vườn cây cối xanh tươi của người dân cứ san sát nhau tạo nên khung cảnh thơ mộng, bình yên như tranh vẽ.

Đi thuyền giữa lòng sông nhìn quang cảnh hai bên như những bức họa đồng quê đẹp mê hồn, nhất là lúc bình minh và hoàng hôn. Điều đặc biệt là con sông này hiền hòa, thân thiện như tính cách con người nơi đây. Mực nước con sông tự bao đời chỉ có bấy nhiêu, ít khi dâng cao mà cũng chẳng mấy lúc xuống cạn. Vì thế mà nhà cửa của người dân xây dựng lên cứ sát ra tới mé sông, sống gần gũi với con sông.

Song Thom được người Pháp đào vào năm 1905, dài hơn 15km nối liền sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Đây là con đường tắt, đi từ Tiền Giang xuyên qua Bến Tre để đến Trà Vinh. Vốn là kênh đào, có diện tích mặt ngang nhỏ nhưng qua thời gian, qua nhiều lần nạo vét rồi sạt lở nên lòng kênh rộng ra như bây giờ nên người dân “ quen gọi là sông Thom.

Chí Thanh

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (207)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/thanh-nu-lot-dua-va-nhung-nu-cuoi-toa-nang-ben-dong-song-thom-a351306.html