Thanh niên Mỹ bị tác động tâm lý nặng nề vì COVID

Đại dịch COVID-19 khiến gần 1/3 người Mỹ nói chung cho biết họ đã trải qua các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến nay.

Các báo cáo về lo lắng đã tăng gấp 3 lần lên 26% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi tỷ lệ trầm cảm tăng gấp 4 lần, lên 24%; trong đó, người trẻ chiếm con số không nhỏ.

Trước đó, các chuyên gia y tế đã dự đoán rằng đại dịch COVID-19 gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Báo cáo mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã chứng minh điều này.

Theo đó, 1/4 thanh niên Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 24 cho biết họ đã cân nhắc việc tự tử trong 30 ngày qua. Một tỷ lệ tương tự cũng cho biết họ đã bắt đầu sử dụng hoặc tăng mức tiêu thụ các chất gây nghiện như một cách đối phó với căng thẳng và cảm xúc tiêu cực do đại dịch gây ra.

Chưa hết, trong số gần 6.000 thanh niên Mỹ tham gia khảo sát do Qualtrics thực hiện vào cuối tháng 6 vừa qua, có tới gần 1/2 người cho hay họ đã trải qua các triệu chứng lo lắng và trầm cảm trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.

Tỷ lệ các tác động có hại cho sức khỏe tâm thần thực sự giảm theo tuổi tác. Với người Mỹ từ 65 tuổi trở lên, báo cáo cho thấy ở mức độ thấp nhất của lo âu, trầm cảm và các vấn đề liên quan. Báo cáo của CDC cũng cho thấy sự gia tăng tổng thể các vấn đề sức khỏe tâm thần do đại dịch và nhiều yếu tố gây căng thẳng liên quan từ việc bị cô lập xã hội đến thất nghiệp…

Gần gấp đôi số người Mỹ cho biết, họ đã cân nhắc tự tử trong 30 ngày qua (11%), so với một cuộc khảo sát vào năm 2018 (4%). Gần 1/3 người Mỹ nói chung cho biết họ đã trải qua các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay. Các báo cáo về lo lắng đã tăng gấp 3 lần lên 26% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi tỷ lệ trầm cảm tăng gấp 4 lần, lên 24%.

Từ đó, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia ước tính rằng, 19% người trưởng thành Mỹ bị rối loạn lo âu trong suốt 1 năm; 7% người trưởng thành Mỹ có giai đoạn trầm cảm nặng và những người trẻ tuổi đang phải chịu đựng các vấn đề sức khỏe tâm thần ở mức độ đặc biệt cao. Thêm vào đó là người Mỹ da đen, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, những người lao động thiết yếu…

Khoảng 19% người Tây Ban Nha được hỏi và 15% người da đen cho biết họ có ý định tự tử. Con số nổi bật là 31% người chăm sóc người già nhưng không được trả lương và 22% người lao động thiết yếu cho biết họ từng có ý định tự tử.

Người trẻ cũng chịu nhiều tác động từ sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ. ảnh: Shutterstock.

Người trẻ cũng chịu nhiều tác động từ sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ. ảnh: Shutterstock.

Các nhà phân tích lý giải về những con số kinh hoàng này là do sự suy thoái kinh tế và tình trạng mất việc làm, không được đi học. Khi số người mắc COVID-19 tăng cao ở Mỹ, lực lượng thanh niên phải đối mặt với thị trường lao động suy yếu và triển vọng giáo dục không chắc chắn.

Từ tháng 2 đến tháng 6, tỷ lệ thanh niên không đi học cũng như không đi làm đã tăng hơn gấp đôi ở Mỹ. Phân tích mới từ dữ liệu của Cục điều tra dân số và Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, từ đầu năm 2020, tỷ lệ người Mỹ từ 16 đến 24 tuổi bị “ngắt kết nối” với nơi làm việc và trường học bắt đầu tăng và lên mức đỉnh điểm vào tháng 6 (30%). Mặc dù đây không phải là mức cao nhất trên thế giới nhưng với 30% này thì tương ứng với 10,3 triệu người trẻ - là tỷ lệ cao nhất ở Mỹ kể từ năm 1989.

Một khía cạnh khác cũng ảnh hưởng đến tâm sinh lý thanh niên Mỹ là việc họ buộc phải chuyển chỗ ở hoặc về sống chung với bố mẹ. Sự bùng phát của COVID-19 đã đẩy hàng triệu người Mỹ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, chuyển đến sống cùng các thành viên trong gia đình.

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, những người trẻ tuổi phải chịu tác động đặc biệt nặng nề bởi đại dịch và suy thoái kinh tế năm nay, và có xu hướng di chuyển nhiều hơn các nhóm tuổi khác. Khoảng 1/10 thanh niên (9%) nói rằng họ đã chuyển chỗ ở tạm thời hoặc vĩnh viễn do sự bùng phát của COVID-19, và tỷ lệ tương tự (10%) người chuyển đến sống trong gia đình họ.

Trong số tất cả những người trưởng thành chuyển chỗ ở do đại dịch, 23% cho biết lý do quan trọng nhất là vì khuôn viên trường đại học đóng cửa, và 18% nói rằng do mất việc làm hoặc các lý do tài chính khác. Những sắp xếp cuộc sống mới này có thể có tác động không chỉ đến thanh niên và gia đình của họ, mà còn đối với nền kinh tế Mỹ, phản ánh tầm quan trọng của thị trường nhà ở đối với tăng trưởng kinh tế…

Các khảo sát và nghiên cứu nói trên là lời nhắc nhở rõ ràng về phản ứng sức khỏe cộng đồng đối với COVID-19, sự đòi hỏi ưu tiên sức khỏe tinh thần và hướng nhiều hơn nữa các nguồn lực sức khỏe tinh thần và hỗ trợ xã hội cho các nhóm đang cần.

Được biết, vấn đề này cũng đang trở thành nỗi lo lớn trên thế giới khi mà mới đây Tổ chức Commonwealth Fund công bố kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dân phải gánh chịu tổn thương sức khỏe tinh thần trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 tại một số quốc gia giàu có ở mức cao. Theo Commonwealth Fund, Mỹ đứng đầu với tỷ lệ 33%, tiếp theo là Anh và Canada với 26%.

Để giải quyết tình trạng này, giải pháp hữu hiệu nhất là tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân nhưng hiện chỉ có 31% người Mỹ trưởng thành có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Ngọc Khuê

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/thanh-nien-my-bi-tac-dong-tam-ly-nang-ne-vi-covid-611771/