Thanh niên là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế

Những sản phẩm nông sản có giá trị cao trên thị trường, những mô hình phát triển kinh tế điển hình, những cá nhân sản xuất giỏi… phần lớn do thanh niên làm chủ.

Thoát khỏi tư duy manh mún

Bắc Kạn là một tỉnh nghèo miền núi phía bắc, từ trước tới nay người dân chủ yếu sinh sống dựa vào nông - lâm nghiệp, tự cung tự cấp là chính. Do tập quán vùng cao, canh tác manh mún, sản xuất nhỏ lẻ nên sản phẩm làm ra hạn chế, chất lượng thấp nhưng giá thành lại cao nên khó trở thành hàng hóa lưu thông trên thị trường được.

Nhưng đó là chuyện của năm 2016 trở về trước. Còn hiện tại, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Bắc Kạn đã đang trở thành những mặt hàng có giá trị cao, khẳng định được chất lượng không chỉ ở Bắc Kạn, mà dần dần có chỗ đứng trên thị trường các tỉnh, thành ở miền bắc như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh và có mặt trên khắp cả nước, thậm chí là xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có khoảng 150 HTX nông nghiệp, 800 mô hình phát triển kinh tế theo hướng trang trại và gia trại, số lượng tăng từ 3 - 4 lần so với năm 2016.Kinh tế tập thể tỉnh Bắc Kạn đã có những chuyển biến lớn về mặt nhận thức, quan điểm, đường lối phát triển. Vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan của kinh tế hợp tác, HTX nông nghiệp được khẳng định.

Ông Quách Đăng Quý, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Kạn thông tin: Hiện nay có nhiều sản phẩm nông nghiệp được yêu thích và đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường trong nước như bí thơm ba bể, miến dong, hồng không hạt, thịt lợn sạch, gà đồi, tinh dầu và nhiều mặt hàng nông sảnđặc sản miền núi khác.

"Những cơ sở sản xuất, HTX tạo ra sản phẩm chất lượng cao, mang tính hàng hóa và có phát triển tốt, chiếm khoảng 30% và có một điều đặc biệt là cơ bản do thanh niên làm chủ, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động nông thông. Bởi giới trẻ được đào tạo nghề nghiệp, có nhận thức xã hội, trình độ kỹ thuật và sức khỏe để sản xuất. Cũng chỉ có thanh niên mới có ý chí khởi nghiệp mãnh liệt, làm giàu trên quê hương", ông Quý cho biết thêm.

 Thanh niên huyện vùng cao Pác Nặm đua nhau làm giàu từ nuôi bò vỗ béo. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thanh niên huyện vùng cao Pác Nặm đua nhau làm giàu từ nuôi bò vỗ béo. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ý chí khởi nghiệp mạnh mẽ

Ví dự như HTX Tân Thành ở xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn, đơn vị sản xuất ra các mặt hàng tinh bột nghệ Bắc Kạn với hàng chục sản phẩm cao cấp, dễ sử dụng và tốt cho sức khỏe, đã được bày bán trên khắp cả nước và cả các đối tác nước ngoài. Sản phẩm được đánh giá rất cao trên thị trường, năm 2019 đạt giải Vàng nông nghiệp Việt Nam, nhận 2 giải OCOP 4 sao cho 2 sản phẩm tinh nghệ nếp đỏ cao cấp và tinh nghệ nếp đen cao cấp, cùng bằng khen của trung ương cho đến cấp tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Minh, Giám đốc HTX Tân Thành cho biết, mặc dù sản phẩm đã được bày bán rộng khắp trên cả nước, nhưng chị vẫn còn nhiều trăn trở, khó khăn về quy mô xưởng sản xuất còn bé, thiếu vốn sản xuất, nhưng bản thân sẽ luôn cố gắng vượt qua, tăng cường chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và chế biến đa dạng các mặt hàng nông sản thế mạnh của địa phương như chuối, dứa…

Trại nuôi gà của HTX Mai Hoa của nữ Giám đốc trẻ có tên Ma Thị Hoa ở thôn Làng Chẽ, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới hiện là trang trại nuôi gà lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn. Mỗi năm đơn vị này nuôi 3 lứa, mỗi lúa trung bình khoảng 10.000 con gà, khi xuất bán đạt trên 22 tấn/lứa.

Theo chị Hoa, năm 2018 bản thân chị đã mạnh dạn kết hợp với một số người có kinh nghiệm và kiến thức trong chăn nuôi để xây dựng trang trại. Được một thời gian thì phải tự làm do các đối tác chuyển đi nơi khác. Nhưng bằng bản thân với suy nghĩ không được thất bại, cố gắng vượt qua khó khăn, tự chủ được khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và nhất là ổn định đầu ra.

Hai đơn vị nói trên nằm trong số những gương điển hình trong sản xuất nông nghiệp do thanh niên làm chủ, có doanh thu hàng năm đạt con số nhiều tỷ đồng. Qua đó trở thành tấm gương giảm nghèo cho các phong trào kinh tế tại các địa phương.

Thậm chí có những HTX do chính cán bộ đoàn thanh niên sáng lập và trực tiếp tham gia, không chỉ đem lại nhuận cao, mà còn đem lại công ăn việc làm cho đông đảo người lao động.

Điển hình như HTX thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới), được thành lập tháng 11/2017, có 11 thành viên là cán bộ và các đoàn viên thanh niên tham gia với mục tiêu "Vì một nền nông nghiệp bền vững", canh tác nông nghiệp theo chuẩn an toàn thực phẩm, lựa chọn phát triển các nông sản chủ lực, với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú.

Ngoài việc mạnh dạn hiện đại hóa sản xuất bằng việc đưa máy móc vào sản xuất để nâng cao năng suất, giảm giá thành, thì HTX thanh niên Như Cố đã xây dựng nhiều mô hình mới theo hướng công nghệ cao như nhà lưới CNC, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, máy móc thiết bị làm đất, bạt phủ luống, hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước…

Đồng thời đơn vị này đã chủ động xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nhiều sản phẩm như: Dưa lê Như Cố, Dưa lưới Như Cố, Cà chua Như Cố, Mật ong hoa rừng Như Cố, Bún khô Quân Nguyệt, Trà mướp đắng rừng, Chè Như Cố...

Vườn rau công nghệ cao của HTX Thanh niên Như Cố, huyện Chợ Mới. Ảnh: Toán Nguyễn.

Lực lượng chủ đạo

Ông Nông Bình Cương, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn thông tin, do nhu cầu phát triển kinh tế của thanh niên hiện nay rất lớn, xuất hiện nhiều mô hình do thanh niên làm chủ. Tỉnh đoàn xác định nhu cầu thực tế, đã xây dựng nhiều lớp tập huấn thiết thực nhằm mục đích nâng cao kỹ năng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh cho thanh niên.

Mộ số lớp đã được Tỉnh đoàn Bắc Kạn triển khai như: Tập huấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh nhằm trang bị kiến thức về xây dựng hệ thống bán lẻ chủ động, truyền thông online kết hợp không gian ảo; Tấp huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho các đoàn viên, thanh niên vùng cao Pác Nặm, nhằm phát huy điều kiện tự nhiên của miền núi.

Bắc Kạn có tới 205 mô hình kinh tế thanh niên, hơn 50 HTX và tổ hợp tác do thanh niên làm chủ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo thống kê, trên địa bàn Bắc Kạn có tới 205 mô hình kinh tế thanh niên, hơn 50 HTX và tổ hợp tác do thanh niên làm chủ. Ngay trong năm 2020, trong số đơn vị kể trên, đã sản xuất 11 loại sản phẩm chất lượng cao được gắn sản phẩm OCOP 3 sao, thâm nhập được vào các siêu thị, chuỗi cửa bán lẻ và được người tiêu dùng trên cả nước đón nhận.

Bắc Kạn: Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 2%

Đó là kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực thực hiện các chính sách phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020.

Mỗi năm tỉnh Bắc Kạn giảm được 2 - 2,5% hộ nghèo theo tiêu chí mới trong giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: Toán Nguyễn.

Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 26,61%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 12,93%, thì đến năm 2019 giảm còn 19,57% hộ nghèo và 11,33% hộ cận nghèo. Năm 2020, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo là 2,5%.

Với kết quả trên, tỉnh Bắc Kạn đã đạt mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra (mỗi năm giảm 2 - 2,5%). Trong đó, đáng chú ý có huyện Ba Bể hiện không còn nằm trong 61 huyện nghèo nhất cả nước theo nghị quyết số 30a năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện và phân bổ vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hàng năm. Các chính sách giảm nghèo được triển khai hiệu quả đã khuyến khích các hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo bền vững, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Để duy trì thành quả, Bắc Kạn sẽ phải xử lý một số thách thức như kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS còn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, nghèo mới, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp…

Toán Nguyễn

Văn Toán - Đồng Văn Thưởng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thanh-nien-la-luc-luong-chu-luc-trong-phat-trien-kinh-te-d274247.html