Thanh niên đẹp trai không dám yêu ai chỉ vì căn bệnh khó nói này

Anh Nguyễn Minh Trung (32 tuổi, Hà Nội) rất đẹp trai nhưng chưa dám yêu ai chỉ vì mắc căn bệnh mang tên hôi miệng.

Anh Trung đến khám tại phòng khám Hoàng Long trong tâm trạng buồn. Anh tâm sự hiện đang làm IT ở Cầu Giấy, Hà Nội. Gia đình đang giục lấy vợ nhưng anh vẫn chưa tìm được người yêu. Ngày sinh viên, anh Trung có yêu một người nhưng sau đó chia tay vì anh mặc cảm với căn bệnh mà mọi người hay nói - “hở nắp dạ dày”.

Anh Trung cho biết từ khi học năm thứ nhất đại học anh phát hiện miệng mình rất hôi. Dù anh chủ động sử dụng các biện pháp như nhai kẹo cao su, vệ sinh răng miệng, lấy vôi (cao) răng nhưng tình trạng hôi miệng không đỡ.

Mẹ anh Trung nói đó là hiện tượng "hở nắp dạ dày" ngày xưa nhiều người cũng bị và phải sống chung với nó. Có lẽ vì quan điểm đó, anh Trung vẫn coi đó là bệnh bình thường. Mỗi lần ngồi cạnh ai anh Trung rất ngại giao tiếp vì hơi thở có mùi rất hôi.

Khi yêu, có một lần bạn gái anh từ chối không cho anh hôn vì kêu hôi miệng. Từ đó, cảm xúc của anh Trung không còn và anh rất tự ti với chứng hôi miệng của mình.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khi công ty có lịch kiểm tra sức khỏe, anh Trung mới tâm sự với bác sĩ. Kết quả, bác sĩ cho biết anh bị hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản gây ra hôi miệng chứ không có bệnh nào là "hở nắp dạ dày" như anh vẫn nghĩ.

Trào ngược dạ dày là tình trạng trào ngược từng dịch dạ dày lên thực quản. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại những những biến chứng nguy hiểm như viêm thực quản, hẹp thực quản, ung thư biểu mô tuyến thực quản,...

Bên cạnh các triệu chứng điển hình như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, đau tức ngực, nóng dạ dày, ho, khàn giọng thì hôi miệng cũng là một triệu chứng khá thường gặp. Hôi miệng làm hơi thở luôn có mùi khó chịu, làm người bệnh mất tự tin khi giao tiếp.

Theo GS Đào Văn Long – nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, một số người cũng có hiện tượng hơi thở hôi và họ thường nghĩ bệnh của răng miệng nhưng thực tế hơi thở hôi là do các bệnh ở đường tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh đường ruột.

Những người có bệnh về đường ruột, chức năng tiêu hóa suy giảm hoặc hoạt động không hiệu quả, thực phẩm ăn vào sẽ không được tiêu hóa hết, chúng ở lâu trong dạ dày và đường ruột khiến cho vi khuẩn hoạt động, gây lên men. Khi mở miệng là khí hôi này sẽ đi lên theo đường thực quản lên miệng, giải phóng ra ngoài. Thậm chí mùi hôi này có thể bay tới những người xung quanh khiến “thân chủ” mất tự tin trong giao tiếp.

GS Long cho biết các bệnh đường tiêu hóa do nhiễm trùng hay vi khuẩn còn có vi khuẩn Helicobacter pylori trong ruột có thể gây ra hiện tượng sulfide như ở trên. Các sulfide sẽ làm tăng khí bốc lên khoang miệng nhiều hơn, nó sẽ hình thành chứng hôi miệng.

Khi mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, thức ăn đang tiêu hóa dở trong dạ dày và acid dịch vị sẽ bị trào ngược lên thực quản, vòm họng và cả miệng khiến người bệnh bị hôi miệng.

Ngoài ra, khi bệnh để lâu ngày, người bệnh có thể bị viêm loét họng, thực quản. Tại những vị trí viêm loét này sẽ là nơi trú ngụ của vi khuẩn có mùi. Những điều này sẽ gây nên mùi hôi miệng đối với người bị trào ngược dạ dày.

Để phòng bệnh, bác sĩ Long khuyến cáo nên hạn chế hút thuốc lá. Duy trì cân nặng hợp lý vì thừa cân, béo phì sẽ làm tăng áp lực lên cơ hoành bụng, thúc đẩy dạ dày gây trào ngược acid dạ dày, gây hôi miệng.

Ăn chậm, nhai kỹ, ăn đúng giờ và chia nhỏ bữa ăn, đây là cách làm này giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, giảm những tác động tổn thương lên dạ dày, từ đó ngăn chặn chứng trào ngược.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/thanh-nien-dep-trai-khong-dam-yeu-vi-hoi-mieng-trao-nguoc-da-day-trao-nguoc-thuc-quan-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-279324.html