Thanh nhẹ phong vị phở gà Hà Nội

Phở là một món ăn nổi tiếng của đất Hà thành. Nhà văn Vũ Bằng từng viết: 'Một buổi sáng mùa thu rỗi rãi, trời hơi lành lạnh, mà ngồi ăn một bát phở gà, có đủ rau mùi, hành sống, vừa ăn vừa nghĩ thì phở gà cũng có một phong vị riêng của nó, khác hẳn phở bò. Điều người ta nhận thấy trước nhất là phở gà thanh hơn phở bò'.

Quả đúng như vậy, hương vị bát phở gà Hà Nội được kết hợp bởi sự hài hòa của các loại gia vị và tài khéo của người nội trợ nên luôn thanh nhẹ, tinh tế.

Để có bát phở gà ngon cũng không quá khó. Theo kinh nghiệm, các bà các mẹ đi chợ thường chọn loại gà mái tơ để làm món phở gà. Đôi khi, ta có thể thay bằng vài cái đùi gà hoặc ức gà cũng được. Sau khi được sơ chế sạch sẽ, gà sẽ được cho vào nồi nước lạnh, luộc chín. Ta chẳng nên quên cho thêm chút bột canh để thịt gà ngọt đậm hơn. Gà vừa chín tới, ta vớt ra để nguội, rồi lọc lấy thịt gà, thái nhỏ thành từng miếng vừa ăn. Người nội trợ khéo phải biết thái thịt gà sao cho miếng nào cũng phải có cả phần thịt và da. Phần xương gà lọc sẽ được cho vào nồi nước dùng ninh kỹ.

Thực ra, điều làm nên sự độc đáo của món phở gà Hà Nội chính là nước dùng. Để có nồi nước dùng trong, có vị thanh nhẹ, người nội trợ cũng phải chú tâm một chút. Theo kinh nghiệm, các bà các mẹ thường dùng xương gà và thêm vài xương ống của lợn để ninh cùng nước luộc gà. Xương lợn thường được luộc qua một lượt rồi mới ninh. Khi nồi nước dùng sôi lên, ta nhớ canh để hớt bọt, sau đó hạ lửa nhỏ, mở hé vung ninh âm ỉ. Các bà các mẹ thường nêm nếm mắm muối cho thật vừa miệng vào lúc này. Theo kinh nghiệm, ta nên dùng loại nước mắm ngon để nêm thêm một chút vào nồi nước dùng.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Phở gà Hà Nội dậy lên hương vị riêng có còn bởi sự kết hợp của những gia vị đặc biệt. Hành khô, gừng được rửa sạch, nướng qua cho thơm. Hạt mùi rang thơm hoặc gốc rau mùi già rửa sạch. Ngoài ra, còn có thêm củ hành tây bổ dọc nhưng không đứt hẳn. Tất cả được gói trong một miếng vải sạch rồi thả vào nồi nước dùng. Thêm một bí quyết nhỏ để nước phở có vị ngọt thanh, các bà các mẹ thường cho thêm vài con "sá sùng" vào ninh cùng xương.

Chẳng mấy chốc, cả gian bếp thơm lừng hương thơm đặc trưng của nồi nước dùng phở gà. Đợi cả nhà ngồi vào bàn, các bà các mẹ chần qua bánh phở trong nước sôi bằng một chiếc "vá", xóc cho ráo nước rồi đổ vào bát. Thịt gà được bày lên trên cùng hành mùi, lá chanh thái chỉ, rồi chan một muôi nước dùng nóng rẫy vào. Bát phở thật hấp dẫn với những miếng thịt gà da vàng ươm, bóng nhẫy xếp trên bánh phở trắng nõn, dẻo mềm. Rau mùi, hành lá xanh mơn mởn cùng ít củ hành trần điểm xuyết thêm vài lát ớt đỏ tươi. Ta nên cho một chút tương ớt, gẩy thêm hạt tiêu bắc thơm thơm, vắt xíu chanh tươi. Vậy là bát phở gà nóng hôi hổi đã sẵn sàng chờ được thưởng thức.

Khẽ múc một thìa nước dùng đưa vào miệng. Ôi chao, cái vị ngọt thanh sao mà hài hòa đến thế. Bánh phở dẻo mềm, không dai mà không nát ăn kèm miếng thịt gà béo thơm, da gà hơi nảy vị dai giòn đặc trưng của gà mái tơ. Hành mùi thơm dậy vị quyện cùng hạt tiêu bắc đẩy vị giác lên đến đỉnh cao của sự thưởng thức miếng ngon Hà thành.

Hương vị thanh nhẹ của phở gà Hà Nội gói bao phong vị tinh tế của người Hà thành khiến ai đã một lần thưởng thức sẽ khó có thể quên.

Theo Vy Anh (phapluatxahoi.vn)

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/chuyen-trang-phu-nu/thanh-nhe-phong-vi-pho-ga-ha-noi-20200313104647115.htm