Thành lũy Biên phòng 209 năm

Ngay giữa trung tâm thành phố biển Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, hiện vẫn còn di tích thành cổ Đồng Hới. Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của thiên tai, chiến tranh, nhưng nơi đây vẫn lưu lại tương đối đầy đủ dấu tích của thành lũy. Nơi từng vang lên những âm thanh mài gươm, luyện võ, giờ trở thành di tích nằm gần giáp mặt với biển.

Cửa Đông thành Đồng Hới được phục dựng. Ảnh: Văn Chương

Cửa Đông thành Đồng Hới được phục dựng. Ảnh: Văn Chương

Nếu đứng từ vị trí ở một ngôi nhà cao tầng gần Tỉnh ủy Quảng Bình thì sẽ bao quát được toàn cảnh thành Đồng Hới, hình dung ra được những đoạn hào thành từng tồn tại với hình vuông có các cạnh mũi khế, xung quanh được bao bọc bởi hào nước sâu để chặn bước tiến của bộ binh. Sau khi được trùng tu nhiều hạng mục, nhiều đoạn tường thành có sắc gạch đỏ, những đoạn hào nước được lót đá có màu sáng. Nhưng người ta vẫn có thể tìm lại được những hình ảnh xưa cũ của thành Đồng Hới trên con tem thời Pháp có ghi Dong Hoi Pont et porte de la citadelle (Annam). Thành Đồng Hới thời đó như một phế tích, rêu phong rệu rã.

Thành Đồng Hới được khởi công xây dựng vào năm Gia Long thứ 10 (1812). Hiện nay, Tỉnh ủy Quảng Bình nằm trong khuôn viên của thành. Có một sự trùng hợp, đó là ở Quảng Ngãi, vị trí của Tỉnh ủy cũng nằm giữa thành Gấm (xây dựng năm 1807). Nhưng giờ đây, thành Gấm chỉ còn trong ký ức, vì không còn một mảnh tường thành nào sót lại. Còn thành Đồng Hới thì dù trải qua bao biến thiên, nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn, là di sản tạo ra dấu nhấn và sự khác biệt cho thành phố ven biển.

Thành Đồng Hới được xây dựng ngay trên trục thiên lý Bắc - Nam. Chu vi thành dài 465 trượng, tức khoảng 1.860m, mặt thành rộng 1,35m, móng dày 2m, mặt chính của thành quay về hướng Tây. Thành có 3 cổng lớn Bắc-Nam-Đông, trên cổng có vọng canh 8 mái, cổng thành xây cuốn kiểu tam quan thông ra ngoài bằng chiếc cầu gạch cũng xây kiểu vòm cuốn bắc qua hào. Theo sử sách ghi chép, năm Nhâm Dần 1842, vua Thiệu Trị trên đường đi tuần du ra Bắc qua lũy Trấn Ninh đã đổi tên cũ thành tên Định Bắc Trường thành và cho tu sửa lại.

Trên cổng thành đều có vọng gác cho lính canh. Phía Đông của thành hiện nay đã phục chế cửa Đông. Đây là cửa đi từ ngoài biển vào và phải đi qua một chiếc cầu đá bắc qua hào nước. Trong quá khứ, đây là nơi có đội lính đứng gác, những người vào thành phải dừng ngựa để xuất trình giấy tờ, gửi thư tín, công văn. Hoặc đây cũng là nơi lính gác thành bồng gươm, giáo để đón quan trên, đoàn người, ngựa trên đường kinh lý ghé vào thành để nghỉ ngơi và làm việc.

Thành Đồng Hới được xây dựng nằm gần biển. 209 năm trước thì có thể đây là vị trí độc đạo để kiểm soát tuyến đường người, ngựa xuôi ngược. Nhưng nếu đọc những cuốn du ký của các nhà hàng hải phương Tây thì có thể hình dung ra, đây còn là một “Đồn Biên phòng” để nắm tình hình, kiểm soát hoạt động của các tàu buôn của các nước Bồ Đào Nha, Pháp, Hà Lan. Các thương điếm của phương Tây từng đặt tại kinh đô Thăng Long như của Hà Lan, thành lập năm 1637 và được đặt bên bờ sông Nhị, bên bờ sông Hồng. Còn thành Đồng Hới nằm cạnh sông Nhật Lệ, gần đó là biển, vì vậy, các tàu buôn trên đường hành trình gặp thời tiết xấu, hoặc muốn mua thêm lương thực thì có thể cập vào cửa sông Nhật Lệ để đi sâu vào nội địa.

Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Thành tỉnh Quảng Bình, chu vi 479 trượng (tương đương 1.876m), cao 1 trượng (4m), dày 3 trượng 1 thước (12,4 m), mở ba cửa, hào rộng 4 trượng (16m) ở địa phận hai thôn Đồng Hải và Phú Ninh, huyện Khang Lộc. Hồi mới dựng nước, là lũy Trấn Ninh. Họ Trịnh đổ làm đồn Động Hải (vào năm 1774). Bản triều Gia Long năm thứ 10 (1812) đổi dựng làm dinh (Quảng Bình). Thành xây bằng đất. Năm Minh Mạng thứ 5 (1825) xây gạch đá”.

Năm 1885, thực dân Pháp tấn công vào thành Đồng Hới bằng vũ khí hiện đại. Sau 2 lần tấn công, quân Pháp đã chiếm được thành. Năm 1954, sau khi bị thất bại ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân Pháp bắt đầu suy yếu và rút khỏi hàng loạt các thành ở ven biển. Lính Pháp rời thành Đồng Hới ngày 18-8-1954; còn tại Trấn Hải Thành nằm tại cửa Eo ở tỉnh Thừa Thiên Huế, lính Pháp phải rút đi sau khi bị tấn công vào ngày 28-7-1954.

Nhìn thành Đồng Hới, lại nhớ đến Hải Vân quan trên đèo Hải Vân. Hải Vân quan (được xây dựng năm 1826, thuộc về xứ Đàng Trong), dù khác thành Đồng Hới về quy mô, nhưng giống nhau ở chức năng giám sát tuyến đường quan yếu và nằm trên tuyến biên phòng. Hải Vân quan giờ đây vẫn còn giữ được phiên bản gốc, còn thành Đồng Hới đã phải phục dựng, do trải qua những trận chiến không cân sức. Việc phục dựng từng vấp phải chỉ trích về việc không giống với phiên bản cũ. Tuy nhiên, một thành phố bên bờ biển, được pha trộn giữa cảnh sắc mới với nét xưa cũ đã tạo ra sự khác biệt cho vùng đất nơi đây.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thanh-luy-bien-phong-209-nam-post437636.html