Thành Long tiết lộ lý do không thể trở thành Lý Tiểu Long 'phiên bản 2'

Trong giai đoạn đầu sự nghiệp phim ảnh, Thành Long đã thử bắt chước theo phong cách của Lý Tiểu Long nhưng các bộ phim của ông đều thất bại.

Thành Long trong tác phẩm Tiểu Sư Phụ (1980).

Thành Long trong tác phẩm Tiểu Sư Phụ (1980).

Vào giữa thập niên 1970, cơ hội tỏa sáng trên màn bạc đến với Thành Long khi La Duy - đạo diễn hai tác phẩm đình đám Đường Sơn Đại HuynhTinh Võ Môn -muốn biến ông trở thành bản sao của ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long (Bruce Lee).

Thế nhưng bộ phim đầu tiên hợp tác giữa cả hai là Tân Tinh Võ Môn (1975) lại thất bại ở phòng vé. Chỉ khi hai bộ phim võ thuật phong cách hài Xà Hình Điêu ThủTúy Quyền phát hành vào năm 1978, Thành Long mới thoát khỏi cái bóng của ngôi sao tiền bối, định hình được phong cách độc đáo của bản thân.

Thành Long sau đó ký hợp đồng với hãng phim Golden Harvest, nơi cho ông cơ hội thực hiện bộ phim Tiểu Sư Phụ (1980). Trong tác phẩm mới, Thành Long được thỏa sức sáng tạo với tư cách đạo diễn, diễn viên và chỉ đạo võ thuật.

Trong cuộc phỏng vấn từ năm 1998 mới được công bố gần đây trên SCMP, Thành Long đã lần đầu chia sẻ về những bộ phim chắp cánh cho sự nghiệp của ông, cũng như cảm nhận về tượng đài võ thuật Lý Tiểu Long.

Khi thực hiện Tân Tinh Võ Môn, đạo diễn La Duy muốn ông diễn giống như Lý Tiểu Long, ông thấy thế nào với yêu cầu đó?

Đúng vậy, La Duy chỉ muốn tôi trở thành một phiên bản của Lý Tiểu Long. Ông ấy muốn tôi thi triển võ thuật theo phong cách của người đó. Nhưng tôi không giống Lý Tiểu Long, không chỉ khác với tư cách một võ sĩ mà cả với tư cách một con người. Vì tôi là người hạnh phúc và may mắn.

Tôi không có nhiều kinh nghiệm như Lý Tiểu Long và tôi cũng không làm được giống như ông ấy. Lý Tiểu Long am hiểu về triết học còn tôi thì không. Tôi chỉ thạo cách làm của riêng mình.

Ngoài ra, tôi cảm thấy áp lực mà Lý Tiểu Long phải gánh chịu khi tự coi mình là võ sĩ giỏi nhất. Tôi không muốn nếm trải cảm giác đó. Vì vậy, tôi nhận ra rằng để thành công, tôi sẽ phải hoàn toàn khác biệt với ông ấy.

Ông có hài lòng với Tân Tinh Võ Môn?

Tôi không thực sự hài lòng với những màn võ thuật trong phim. La Duy đã không cho tôi đủ thời gian để xoay xở trong các phân đoạn chiến đấu. Đó là một bộ phim kinh phí thấp và mọi thứ được thực hiện quá nhanh. Ông ấy luôn bắt tôi phải hoàn thành các cảnh đánh nhau một cách rốt ráo. Khi bộ phim ra mắt, nó đã không thành công.

Thành Long trong buổi phỏng vấn với tờ SCMP năm 1986.

Thiếu Lâm Mộc Nhân Hạng – bộ phim làm cùng La Duy năm 1976 có phải được ông yêu thích hơn

Tôi rất hài lòng với những màn võ thuật trong phim mà chính tay tôi chỉ đạo. Nhưng La Duy vẫn cố gắng biến tôi thành Lý Tiểu Long trong phim này nên nó đã thất bại ở phòng vé.

Khán giả đã mong đợi tôi chiến đấu như Lý Tiểu Long còn tôi thì không. Lý Tiểu Long dùng võ thuật miền Bắc, còn tôi sử dụng võ thuật cả miền Bắc và miền Nam. Thành thật mà nói, tôi hoàn toàn khác với ông ấy. Tôi cũng đoán khán giả sẽ không thể chấp nhận tôi sau khi Lý Tiểu Long qua đời.

Bruce là người giỏi nhất cho đến nay và công chúng không thể chấp nhận một ngôi sao hành động khác.

Sau thành công của Xà Hình Điêu Thủ và Túy Quyền, vì sao ông ký hợp đồng với hãng phim Golden Harvest mà không phải Shaw Brothers?

Shaw Brothers đề nghị tôi ký vào bản hợp đồng rất nhiều tiền. Nhưng tôi đã chọn Golden Harvest. Tôi chỉ cảm giác rằng đó là lựa chọn đúng đắn. Shaw Brothers có quá nhiều ngôi sao vì vậy tôi nghĩ nếu tôi ký hợp đồng với Golden Harvest thì mình sẽ có cơ hội tỏa sáng hơn.

Golden Harvest biết tôi đang thương thảo với Shaw Brothers vì vậy họ nói sẽ biến tôi thành ngôi sao ở Mỹ. Shaw Brothers thì ngập ngừng trong việc đó.

Tiểu Sư Phụ, bộ phim đầu tiên hợp tác với Golden Harvest cũng như là tác phẩm đạo diễn đầu tiên của ông dường như đã gây tiếng vang rất lớn?

Bộ phim đó đã thiết lập một hướng đi mới cho phim châu Á. Vì chúng tôi đã nghĩ ra những cách làm mới. Mọi người khi đó đều bảo hãy nhìn cách làm của Thành Long kìa!

Có rất nhiều chỉ đạo võ thuật giỏi ở Hồng Kông, nhưng họ quá bận rộn trong việc thực hiện nhiều bộ phim hàng năm. Họ không có thời gian để sáng tạo ra những cách đánh mới.

Tôi chỉ làm một bộ phim mỗi năm, vì vậy tôi có thể làm theo cách của mình và làm được thứ gì đó mới mẻ. Tôi bắt đầu hướng đi như vậy với Tiểu Sư Phụ và tất nhiên là tất cả các bộ phim sau này.

Phương Dung

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ly-do-thanh-long-khong-bao-gio-tro-thanh-phien-ban-2-cua-ly-tieu-long-a511002.html