Thành Lộc và những vai diễn 'đinh' gắn liền với sân khấu 'Ngày xửa ngày xưa'

'Kìa xem cô Tấm ngoan hiền bước ra từ quả thị, kìa xem cô bé Lọ Lem bước lên xe hoa'. Khi lời bài hát này vang lên, cũng là lúc tất cả chúng ta bước vào xứ sở của Ngày xửa ngày xưa, đắm chìm trong những vai diễn của 'anh Thành Lộc'.

Đến với Ngày xửa ngày xưa, từng vở kịch đều mang đến những bài học từ đơn giản đến giá trị cho mỗi khán giả xem kịch. Vì đối tượng đa số là lứa tuổi thiếu nhi, nên mỗi vở kịch đều làm có chừng có mực, trong một cái phạm vi có thể cho phép để các cháu tiếp nhận nó một cách thẩm mỹ. Một trong những mảnh ghép góp phần làm nên thành công trong mỗi vở kịch, chính là NSƯT Thành lộc. Anh đã thổi hồn vào vào vai diễn, mang đến những tràng cười bất tận cho khán giả bao thế hệ.

Cùng SAOstar điểm qua những vai diễn ấn tượng của NSƯT Thành Lộc trong kho tàng Ngày xửa ngày xưa nhé

Cô Cám đỏng đảnh trong vở Tấm Cám

Quả thật, vai diễn Cám của Thành Lộc đã bén rễ trong lòng khán giả và giới điệu mộ, mở đầu cho thế hệ Ngày xửa ngày xưa. Câu chuyện cổ tích Việt Nam được Thành Lộc và thành viên của sân khấu kịch IDECAF tái hiện một cách sống động, chân thực và hài hước. Vào vai Cám, Thành Lộc mang đến một cô bé đỏng đảnh, ham chơi sống trong sự nuông chiều của mẹ. Những lần cô Cám mang đến nụ cười cho khán giả có thể kể đến màn đối thoại giữa cô với con rắn trong đầm và điệu múa hất tóc trong bài ca gọi Bống. Những điều tưởng chừng đơn giản nhất qua Thành Lộc bỗng trở nên vô cùng mới lạ, hài hước và sống động.

Thúy mama lắm chiêu trong vở Công chúa Chích Chòe

Lấy bối cảnh triều đình nhà Thanh, vở kịch nói về cô công chúa thông minh tuyệt đỉnh không ai sánh bằng. Trong đó nổi bật hơn cả là Thúy mama với nickname trong cung “tằm ma lão bà”. Nét duyên dáng của Thúy mama được lột tả qua cách bà ru công chúa ngủ, tặng son cho thái giám để được nịn rồi những màn đấu khẩu với bà tiên đỡ đầu như: “Ối xời, đây nè người ta đỡ nguyên con người ta còn chưa nói, tự nhiên đỡ mà đỡ có cái đầu không, đầu con người ta bị cái gì mà đỡ”.

Khi công chúa về nhà chồng, vì lo lắng cho cô nên Thúy mama và hoàng hậu giả làm hiệp nữ phương xa đến xin tá túc. Sự việc bại lộ khi 'Thúy Diệp tỉ tỉ' bị phát hiện mang nhầm chiếc hài trong cung. Tại đây, mọi người phải chiến đấu với quỷ- thử thách do bà tiên đỡ đầu sắp đặt để thử lòng công chúa. Vở kịch mang đến thông điệp không nên chảnh chọe mà phải biết sống và hy sinh cho người khác.

Cú mèo bực mình trong vở Nữ thần Lee Kim Chi

Trong vở diễn này anh vào vai con cú mèo, với cái tên cu meo bư mi- cú mèo bực mình. Với tần suất bực mình không điểm dừng, con cú mèo này ngoài tiếng cú, còn biết kêu tiếng mèo, thậm chí là tiếng sủa của chó. Là tay sai của chúa quỷ, nhiệm vụ của con cú mèo này là dẫn dụ năm đứa đứa con của bà Lee Kim Chi để làm bữa ăn cho chủ nhân của hắn. Nhưng dù là quan hệ chủ tớ, cú mèo vẫn không tiếc lời khen ngợi sắc đẹp “diễm lệ” của chúa quỷ: “Chủ nhân ta đi đến đâu là muông thú chạy toán loạn, mặt mày như hà bá ai mà dám dòm. Chủ nhân ta đi đến đâu là cây cối nằm rạp dưới đất, đạp lên đầu người ta làm sao người ta ngóc đầu dậy.”

Và nhân vật này cũng là sợi dây then chốt trong việc giải thoát năm đứa bé khỏi bàn tay của quỷ dữ. Tại đây cú mèo có dấu hiệu 'phản chủ', dẫn dân làng đến tiêu diệt chúa quỷ kim nam châm và tất nhiên, vai diễn của anh kết thúc khi anh bị đám lâu la của chúa quỷ đập cây vợt bắt muỗi lên đầu. Vở kịch mang đến thông điệp tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ dành cho con cái của mình.

Bọ cạp câm trong vở Hoàng tử Ai Cập

Hoàng tử Ai Cập kể chuyện một hoàng tử hư hỏng, lười biếng đã tỉnh ngộ siêng năng học tập kiến thức, võ nghệ để chiến đấu với vua Bò Cạp cứu mẹ và chị gái bị bắt làm nô lệ. Có lẽ vai diễn bọ cạp câm là một trong vai diễn ấn tượng nhất trong kho tàng ngày xửa ngày xưa. Thoạt đầu khi công bố thành lộc vào vai bọ cạp câm, khán giả tò mò liệu con bọ cạp này không nói có mang đến nụ cười không. Tưởng không cười, ai ngờ cười nhiều đến không tưởng. Hình ảnh con bọ cạp đen nhẻm đáng yêu lập tức ấn tượng mạnh với khán giả qua giọng nói không ai hiểu gì hết, phải được phiên dịch qua người bạn bọ cạp diêm dúa.

Xuyên suốt cả vở kịch, khán giả được cười nghiêng ngả với những lần chạy xe đạp nhưng nẹt pô xe máy của bọ cạp câm cùng những màn múa hát bất tận. Vở kịch mang đến thông điệp ngoan ngoãn và hiếu kính với bậc sinh thành.

Nữ thần nhảy múa trong vở Chuyện thần tiên ở xứ sở Phù Tang

Vở kịch Chuyện thần tiên xứ Phù Tang là cuốn thứ 16 trong Ngày xửa ngày xưa đang làm mưa làm gió với lịch diễn liên tục 3 suất/ngày nhưng nhiều người xem vẫn chẳng dễ mua được một chiếc vé trong thời điểm đó. Chuyện thần tiên xứ Phù Tang kể câu chuyện nữ thần Mặt trời vì giận dỗi thiên hoàng xứ Phù Tang làm mất viên ngọc ánh sáng do mình ban tặng đã nguyền rủa xứ sở này. Vì ganh ghét nữ thần Mặt trời luôn được dân chúng ca ngợi, xem trọng, nữ thần Bóng đêm nhân dịp bóng tối bủa vây xứ Phù Tang đã cướp ngôi, giam thiên hoàng vào ngục. Chẳng thể đứng nhìn chuyện xấu, nữ thần Nhảy múa đã ban cho một đôi vợ chồng hiếm muộn một đứa con để sau này mang sứ mệnh tiêu diệt cái xấu, đem lại ánh sáng cho xứ Phù Tang. 17 năm sau, đứa bé ấy đã đánh bại nữ thần Bóng đêm, cưới công chúa và lên ngôi thiên hoàng trong sự hân hoan của xứ sở.

Với tạo hình độc đáo khi có hẳn một đàn bướm dạo chơi trên đầu, chị ba nữ thần khiến khán giả cười sảng khoái với tính trẻ con hay dỗi hờn, nhưng cũng chứa chan tình thương rộng lớn. Vở diễn mang đến thông điệp rằng trong cuộc sống có xảy ra tranh chấp gì cũng nên hòa giải chứ không gây chiến với nhau.

Qua đó, những ai đã xem qua các vở diễn này đều trót yêu nét duyên dáng trên sân khấu kịch của người nghệ sĩ mang tên Thành Lộc. Không suồng sã, không trào phúng, nét duyên dáng ấy luôn được diễn tả một cách chân thực nhất, sống động nhất.

Bảo Đặng

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/giai-tri/nhung-lan-hoa-than-nhan-vat-cua-thanh-loc-tren-san-khau-kich-5958182.html