​Thanh lọc thị trường mỹ phẩm

Mỹ phẩm giả, nhái nhãn mác đã và đang khuynh đảo thị trường mỹ phẩm Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng (NTD) mà còn tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp (DN) chân chính. Cần những giải pháp mạnh tay để thanh lọc thị trường này.

Cần tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm

Quá nhiều "khoảng trống"

Thị trường mỹ phẩm nước ta đang xuất hiện rất nhiều hàng giả, hàng nhái do những "lỗ hổng" pháp lý và quản lý. Dẫn chứng từ những vụ việc đình đám vừa bị các cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, như: Thuốc chữa ung thư VN Pharma hay lô mỹ phẩm của Công ty TS Việt Nam, ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) - cho rằng, "lỗ hổng" trên thị trường mỹ phẩm hiện nay rất lớn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam - khẳng định, mỹ phẩm giả đang là vấn đề "nóng", gây nhiều rủi ro, vì đây là sản phẩm liên quan đến sức khỏe và tính mạng NTD. Về nguyên nhân, ông Hùng cho rằng, bản thân chính sách có "lỗ hổng" do chúng ta áp dụng hậu kiểm nên khi phát hiện sản phẩm giả đã gây thiệt hại cho NTD.

Theo ông Nguyễn Văn Lợi - Trưởng phòng Mỹ phẩm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) - mỹ phẩm là loại hàng hóa được Bộ Y tế quản lý và phân cấp theo hướng: Mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam được công bố ở Cục Quản lý dược, mỹ phẩm trong nước do Sở Y tế quản lý. Cơ chế khá thông thoáng trong quản lý mỹ phẩm hiện nay cũng bộc lộ những mặt trái, bất cập. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện những sai phạm, như: Công thức trong mỹ phẩm không đúng với đăng ký, không đúng địa điểm sản xuất... Hơn nữa, không ít NTD ham rẻ nên đã vô tình tạo "đất sống" cho hàng giả tồn tại.

Nâng cao vai trò giám sát

Ông Đỗ Thanh Lam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam - cho biết, để đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái nói chung, mỹ phẩm nói riêng, nhà nước đã xây dựng khung khổ pháp lý khá đầy đủ, như: Chỉ thị 31 năm 1999; Nghị quyết 41 năm 2015 đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả... Tuy nhiên, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Theo ông Lam, để giải quyết vấn đề này, cần thay đổi nhận thức của cả người xây dựng chính sách, DN và NTD về tác hại của sản phẩm giả, nhái. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của cơ quan chức năng địa phương, nâng cao vai trò của DN và NTD theo hướng bỏ tâm lý, thói quen dễ dãi khi mua sắm.

Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương - thẳng thắn, thực hiện cơ chế hậu kiểm thì trách nhiệm không chỉ thuộc về nhà quản lý mà còn thuộc về DN. Do đó, DN cũng phải có trách nhiệm từ việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, công thức, giám sát quá trình sản xuất, nguyên phụ liệu, con người tham gia sản xuất, hậu mãi, chăm sóc khách hàng…

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh - cho rằng, bên cạnh tăng cường kiểm soát của cơ quan nhà nước, bản thân các DN sản xuất mỹ phẩm nên họp nhau lại để đưa ra một thông điệp truyền thông tốt tới NTD. Trong khi đó, ông Trần Hùng đề nghị, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan nhà nước và phải "dám" làm, công khai trên các phương tiện truyền thông để bảo vệ DN làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Ông Đỗ Thanh Lam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam: Chính phủ đã phủ ban hành Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 về ban hành Quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt quyết định này.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/thanh-loc-thi-truong-my-pham.html