Thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết khiếu kiện kéo dài

'Tôi nói lại tinh thần của Tổng Bí thư, thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Tổ trưởng, có Tổng Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, một số chủ tịch, bí thư các địa phương. Bí thư các địa phương phải tham gia nhiệm vụ này'.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thông tin trên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, hôm qua, 3/12, khi đề cập đến thực trạng khiếu kiện kéo dài ở một số địa phương không được giải quyết dứt điểm.

“Nếu như mất điện, một số đồng chí sẽ mất chức”

Đánh giá tình hình tháng 11 và 11 tháng qua, Thủ tướng nhấn mạnh năm 2018, mọi mặt của đất nước đạt kết quả tích cực. Ngay từ thời điểm này đã có thể khẳng định các chỉ tiêu 2018 đều hoàn thành và vượt kế hoạch.

Thủ tướng cũng nêu một thông tin vui là Hãng Nikkei của Nhật Bản vừa công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam với mức tăng mạnh, từ 53,9 điểm tháng 10 lên 56,5 điểm tháng 11, cao hơn nhiều nước trong khu vực.

Thủ tướng cho rằng, điều đó cho thấy tín hiệu đánh giá tích cực về tình hình sản xuất kinh doanh và niềm tin của nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam, tạo thuận lợi cho năm 2019.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, chúng ta không được chủ quan mà phải kiên định, tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành phải luôn tập trung cao độ, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, không né tránh, ngại va chạm, giải quyết, xử lý ngay các tồn tại, hạn chế, bất cập.

“Chúng ta phải có một ý thức dân tộc, quy tụ lòng người, đoàn kết tiến bước xây dựng đất nước trong thời kỳ còn nhiều khó khăn, thách thức. Kiên trì bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước. Các cấp, các ngành phải có khát vọng vươn lên và lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và từng người dân.

Chúng ta phải đổi mới tư duy, xóa bỏ những quan điểm cũ, lạc hậu, ỷ lại, trông chờ. Chúng ta hoan nghênh và khuyến khích mọi ý tưởng đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ làm giàu cho mình và đất nước. Những tinh thần như vậy không chỉ quán triệt dịp cuối năm mà đặc biệt trong triển khai nhiệm vụ năm 2019”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu nhiệm vụ cần triển khai trong tháng 12 này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tổ chức tổng kết các nhiệm vụ năm 2018 với tinh thần không phô trương, đánh giá thực chất các hạn chế, nêu nguyên nhân và kinh nghiệm rút ra để làm tốt nhiệm vụ năm 2019.

Cùng với đó là đóng góp xây dựng Nghị quyết 01 của Chính phủ và có chương trình hành động sát thực tế để triển khai ngay từ đầu năm với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,8%.

Thủ tướng cũng lưu ý việc kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đặc biệt là thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tổ điều hành giá và các bộ, ngành liên quan tính toán kỹ phương án giá điện, giá dịch vụ y tế… với mức độ điều chỉnh và thời điểm phù hợp.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của tỷ giá hối đoái, có chính sách điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt. Bộ Công Thương phải có biện pháp bảo đảm đủ điện cho sản xuất, đời sống của người dân. Không để thiếu điện trong năm 2019.

Thủ tướng cũng chỉ đạo không được để xảy ra tình trạng cắt điện, nhất là dịp Tết. “Bây giờ đâu đó cứ nói trên báo, chuẩn bị cắt điện dịp này, dịp khác. Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, nếu như mất điện, một số đồng chí sẽ mất chức.

Tôi nói như vậy để thấy thái độ cương quyết. Tôi đã viết nhiều thư cho các đồng chí có liên quan về việc chuẩn bị điện ngay từ đầu năm. Các đồng chí Bộ Công Thương, EVN chỉ đạo thế nào về vấn đề này? Sao cứ đe dọa cắt điện dịp này, dịp khác. Ai cho phép nói điều đó”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Xử nghiêm tình trạng “tín dụng đen”

Tại phiên họp, nêu thực trạng khiếu kiện kéo dài ở một số địa phương không được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc dư luận, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi nói lại tinh thần của Tổng Bí thư, thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Tổ trưởng, có Tổng Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, một số chủ tịch, bí thư các địa phương.

Bí thư các địa phương phải tham gia nhiệm vụ này. Việc thứ nhất là kiểm tra các địa phương giải quyết tồn tại khiếu nại, tố cáo chậm trễ, thiếu trách nhiệm. Việc thứ hai của Tổ này là trực tiếp chủ trì kết luận một số vụ việc phức tạp kéo dài. Các đồng chí đừng coi thường những “đốm lửa nhỏ” dễ gây ra “đám cháy lớn”.

Trước tình trạng “tín dụng đen” gây bức xúc trong nhân dân, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm tình trạng này. Cho biết, Công an Thanh Hóa triệt phá băng nhóm tội phạm về “tín dụng đen” với quy mô lớn ở nhiều tỉnh, thành, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương cần phải phát động một phong trào về xử lý, tiến tới loại trừ “tín dụng đen” trên địa bàn cả nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát vấn đề quản lý giáo dục Mầm non, Tiểu học; Bộ này phải phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em. Cùng với đó là sớm công bố phương án thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019.

Về vấn đề tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục và Y tế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ rà lại xem biên chế Giáo dục và Y tế có những khúc mắc gì. “Vừa rồi chúng tôi làm việc với Gia Lai, tỉnh cũng nêu lên vấn đề khó khăn về biên chế giáo dục. Tôi đã nói nhiều lần rằng, giảm biên chế không nhằm vào giáo viên. Nhưng phải rà soát quy hoạch hệ thống trường học để thực hiện chủ trương nói chung về tổ chức lại, từ đó giải quyết và trả lời cho các địa phương về biên chế giáo viên, mở ra không gian thu hút nhân tài mới. Nếu chúng ta không có người tốt, giỏi trong bộ máy chúng ta sẽ lạc hậu”, Thủ tướng nói.

Bộ Công Thương không đề xuất tăng giá điện

Chiều cùng ngày, tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến về kịch bản tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương không có đề xuất tăng giá điện, cũng không xem xét nếu EVN tăng giá.

Tuy nhiên, việc xây dựng kịch bản tăng giá điện 2019 đang thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng. Theo kế hoạch, Bộ đã đưa ra 4 kịch bản tăng giá. “Chúng tôi khẳng định Bộ Công Thương sẽ xem xét rất kỹ kịch bản tăng giá điện cũng như những tác động. Khi EVN xây dựng, chúng tôi sẽ xem xét cùng Bộ Tài chính.

Dự kiến Bộ Công Thương sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trong tháng 12. Trên cơ sở chỉ đạo, Bộ sẽ xem xét hoàn chỉnh các kịch bản cụ thể để báo cáo Chính phủ”, ông Hải nói.

Để không xảy ra tình trạng thiếu điện trong thời gian tới, ông Hải cho biết, 4 phương án cung ứng điện được đưa ra đều tính toán với mục tiêu cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tuy nhiên, một số trường hợp hệ thống điện sẽ phải huy động 2-7 tỷ KWh từ các nguồn điện chạy dầu giá cao.

“Nếu muốn đủ điện thì phải tăng sản xuất điện bằng dầu, giá đắt hơn”, ông thông tin và mong người dân, doanh nghiệp có kế hoạch tiết kiệm trong sử dụng điện năng.

Phạm Diệu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/thanh-lap-to-cong-tac-dac-biet-giai-quyet-khieu-kien-keo-dai-427290.html