Thành lập Quân đội chung châu Âu: Ngày tàn của Mỹ-NATO?

Quân đội chung châu Âu được thành lập sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của NATO, giảm khả năng can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của châu Âu?

Châu Âu lập Quân đội riêng không phải ‘theo đuôi’ Mỹ

Bình luận về sáng kiến của nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron mới đây đã đưa ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đánh giá ý tưởng thành lập quân đội châu Âu là “mong muốn dễ hiểu và xác đáng”, nhằm giúp đảm bảo an ninh riêng của Liên minh châu Âu (EU).

Theo nhà lãnh đạo Nga, ý tưởng về việc thành lập lực lượng vũ trang toàn châu Âu không phải điều gì mới mẻ, mà đã được nêu từ thời cựu Tổng thống Jacques Chirac, những đề xuất tương tự thậm chí đã có từ trước thời Chirac, ông Macron chỉ đang hồi sinh ý tưởng đã có một cách mạnh mẽ hơn.

Về nguyên tắc, châu Âu là một tổ chức kinh tế mạnh mẽ, một liên minh kinh tế lớn, nói chung, sẽ là xác đáng khi họ muốn được độc lập, tự chủ, bảo đảm chủ quyền trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh - ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn với kênh RT Pháp.

Nguyên thủ Nga nhấn mạnh rằng, nói chung việc thành lập lực lượng vũ trang chung của EU đánh dấu một tiến trình tích cực trong việc tăng cường tính đa cực của thế giới [tức là phá thế độc tôn của Mỹ]. Trong chuyện này, Nga có cùng quan điểm với Pháp.

Ông Macron vừa qua đã tái đề xuất việc tạo ra "quân đội châu Âu" độc lập với Hoa Kỳ, bao gồm cả lĩnh vực an ninh mạng. Tổng thống Pháp cũng phản đối những hành động lập lờ trong việc thành lập lực lượng chung, đặc biệt là việc tăng chi tiêu quân sự của các nước EU để mua vũ khí từ Mỹ.

Châu Âu đang muốn thành lập Quân đội chung châu Âu độc lập với Mỹ

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, các nước EU cần tăng ngân sách quốc phòng để tăng cường quyền tự chủ, chứ không phải để mua hàng loạt vũ khí của Mỹ hay các trang thiết bị quân sự khác.

Theo nguyên thủ Pháp, tăng ngân sách quốc phòng sẽ giúp tăng cường quyền tự chủ của châu Âu; tránh đi vào vết xe đổ “Thành lập Quân đội chung châu Âu chỉ để làm công cụ của Mỹ”.

"Tôi không muốn thấy các nước châu Âu gia tăng chi tiêu quốc phòng để mua vũ khí, thiết bị quân sự hoặc nguyên vật liệu khác sản xuất từ Mỹ" - ông Macron nhấn mạnh về việc thành lập Quân đội chung châu Âu không phải là nhằm phục vụ lợi ích của Mỹ, mà là cho chính người châu Âu.

Vì sao Nga ủng hộ châu Âu lập Quân đội riêng?

Đề xuất của Pháp đã được giới lãnh đạo châu Âu nhiệt liệt hưởng ứng. Đại diện của Ủy ban châu Âu cho biết, ban điều hành của Liên minh châu Âu hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, coi đó là "hoàn toàn phù hợp với công việc của khối này".

Bình luận về vấn đề này trong chia sẻ của mình trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi đề xuất của ông Emmanuel Macron về việc thành lập quân đội châu Âu để bảo vệ EU trước đe dọa của Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc là “rất đáng xúc phạm”.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, nếu muốn lập Quân đội riêng, trước hết châu Âu cần phải thanh toán một cách công bằng khoản tiền đóng góp của mình trong NATO, hiện đang dựa vào sự trợ cấp chủ yếu của Hoa Kỳ!

Trước nay, ông Trump vốn rất bức xúc về cấu trúc của ngân sách NATO, trong đó, đóng góp chủ yếu là do Hoa Kỳ, còn các ông lớn châu Âu như Đức chỉ chi chưa tới 2% GDP. Vị Tổng thống Mỹ nói rằng, các đồng minh cần phải trả thêm nhiều tiền cho Hoa Kỳ vì "sự bảo vệ của Mỹ".

Theo giới phân tích, việc Nga ủng hộ EU thành lập Quân đội chung châu Âu là nhằm mục đích cơ bản là làm suy yếu NATO, làm giảm ảnh hưởng của Mỹ đối với khối liên minh quân sự này và khoét sâu mâu thuẫn giữa Mỹ với các đồng minh chủ chốt ở châu Âu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã từng không ít lần chê trách “NATO vô dụng” hay chỉ trích các nước châu Âu “không đóng góp gì cho NATO” hẳn sẽ rất không hài lòng với việc châu Âu xa rời định hướng của Mỹ, qua việc thành lập Quân đội chung châu Âu.

Việc Liên minh châu Âu thành lập một quân đội chung với những nguyên tắc thành lập và định hướng chiến lược riêng chắc chắn sẽ làm tăng uy tín của các nước thành lập như Đức, Pháp; ngược lại; suy yếu vai trò của NATO do Mỹ lãnh đạo, giảm ảnh hưởng và khả năng chi phối của Mỹ đối với các vấn đề địa-chính trị và kinh tế của châu Âu.

Cùng với việc các nước EU suy giảm đóng góp tài chính cho NATO sẽ khiến mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh lớn ở châu Âu như Đức, Pháp thêm trầm trọng, là cơ hội lớn để Nga lợi dụng chia rẽ NATO, làm giảm sự thù địch của các nước châu Âu đối với Nga, dẫn tới việc châu Âu có thể gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/thanh-lap-quan-doi-chung-chau-au-ngay-tan-cua-my-nato-3368994/