Thành lập Hội đồng xử lý vụ việc giữa GrabTaxi và Uber Việt Nam

Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh Trần Quốc Khánh vừa ký Quyết định số 01/QĐ-HĐCT về việc thành lập Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế của Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam.

Căn cứ Luật Cạnh tranh và các Nghị định hướng dẫn thi hành, sau khi tiếp nhận hồ sơ điều tra từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh Trần Quốc Khánh đã ký Quyết định số 01/QĐ-HĐCT ngày 1 -1- 2019 về việc thành lập Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế của Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam.

Cụ thể, 2 doanh nghiệp bị điều tra là Công ty TNHH GrabTaxi (Địa chỉ trụ sở: 268 Tô Hiến Thành, Phường 15, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh (Công ty TNHH GrabTaxi đã đổi tên thành Công ty TNHH Grab) và Công ty TNHH Uber Việt Nam (Địa chỉ: Tầng 2, Tòa nhà Robot Tower, số 308 – 308C Điện Biên Phủ, Phường 4, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Theo Quyết định số 01/QĐ-HĐCT, Chủ tọa phiên điều trần là ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Các thành viên khác bao gồm ông Trần Mai Hiến, bà Trịnh Thị Hằng Nga, ông Ngô Hữu Lợi và ông Phạm Văn Khánh.

Vụ việc Grab mua lại Uber sẽ chờ phán quyết của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh

Ngoài Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam, trong vụ việc này còn có 6 doanh nghiệp có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ tiến hành các trình tự tố tụng theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Cạnh tranh.

Trước đó, căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh và hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.

Theo Điều 18 Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp bị cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật Cạnh tranh hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

Còn Điều 20 Luật Cạnh tranh nêu rõ: Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế.

Luật Cạnh tranh cũng quy định, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm 30-50% trên thị trường liên quan mà không thông báo trước cho cơ quan cạnh tranh thì doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thanh-lap-hoi-dong-xu-ly-vu-viec-giua-grabtaxi-va-uber-viet-nam-132730.html