Thành lập Bộ phận thường trực chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh

Sau hai tuần thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, đặc biệt xuất hiện hàng loạt chuỗi lây nhiễm, điều này cho thấy dịch có thể xâm nhập vào thành phố từ đầu tháng 5 và đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm.

Cơ quan chuyên môn tiến hành xét nghiệm COVID-19.

Cơ quan chuyên môn tiến hành xét nghiệm COVID-19.

Tại cuộc họp ngày 14-6 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố với 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 2 tuần nữa theo Chỉ thị số15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục giãn cách đến 0 giờ ngày 30-6. Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) được giảm cấp giãn cách xã hội từ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg xuống theo Chỉ thị 15. Bên cạnh đó, tùy tình hình dịch bệnh mà ở một số nơi có thể áp dụng Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19.

Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, cần thiết phải kéo dài thực hiện giãn cách toàn thành phố một thời gian nữa, tương ứng với chu kỳ lây nhiễm của chủng biến thể mới.

Nhấn mạnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh là mục tiêu đặc biệt, cần được bảo vệ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố phối hợp với Viện Pasteur hỗ trợ cho bệnh viện này xét nghiệm chắc chắn, khách quan để từ đó có biện pháp ngăn chặn sớm nhất điểm lây nhiễm. Thành phố Hồ Chí Minh cần phải tính chi tiết, lộ trình, thời gian về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và công bố để nhân dân biết, thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Trong ngày 14-6, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ để hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19 (lần 2) do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đứng đầu.

Bộ phận thường trực đặc biệt có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động chuyên môn trong việc giám sát, đáp ứng chống dịch; điều trị bệnh nhân; xét nghiệm; tổ chức cách ly; công tác truyền thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương lân cận có liên quan; kiểm tra, hỗ trợ địa phương trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

* Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong ngày 14-6, Việt Nam thêm 272 ca mắc mới, gồm 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 266 ca ghi nhận trong nước. Trong đó, Bắc Giang vẫn dẫn đầu về số ca mắc với 121 trường hợp, tiếp đó là Thành phố Hồ Chí Minh 82 trường hợp, Hà Tĩnh 22 trường hợp… Trong số này, 236 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Đến chiều 14-6, cả nước có 19.810 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 4.236 ca bệnh đã được điều trị khỏi, 61 ca tử vong liên quan đến COVID-19.

Tính đến 16 giờ ngày 13-6, đã có gần 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đợt 1, 2 và 3 được thực hiện tại các tỉnh, thành phố. Trong đó, 55.265 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

* Ngày 14-6, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc gửi 4 Viện dịch tễ đầu ngành gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19. Cùng ngày 14-6, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19.

P.V

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_244622_thanh-lap-bo-phan-thuong-truc-chong-dich-covid-19-.aspx