Thanh - kiểm tra chồng chéo đến bao giờ?

Thủ tục thanh - kiểm tra doanh nghiệp đã và đang xảy ra những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến hiệu quả làm việc của đơn vị sản xuất, kinh doanh.

“Một con kén tằm thôi nhưng trong Bộ NN-PTNT kiểm tra thì có cả thực vật lẫn động vật, rồi Bộ Y tế cũng kiểm tra về an toàn thực phẩm” – Đó là Phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị Giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vào sáng 13/5 vừa qua.

Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho thấy “vào quý 2/2015 có 82.698 mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đến tháng 3/2019 còn 70.087 mặt hàng, giảm 12.611 mặt hàng. Bên cạnh một số bộ, ngành giảm thì có một số bộ, ngành lại tăng số lượng mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, Ban Cơ yếu Chính phủ tăng 17 mặt hàng; lĩnh vực trang thiết bị y tế thuộc Bộ Y tế quản lý tăng 32 nhóm mặt hàng”.

Theo Phó Thủ tướng, hiện vẫn còn 19,1% tổng số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, trong khi mục tiêu của Chính phủ là giảm chỉ còn 15%. Bên cạnh đó, còn tình trạng một mặt hàng nhưng chịu sự kiểm tra chồng chéo của nhiều đơn vị thuộc cùng một bộ, thậm chí nhiều bộ khác nhau.

Có thể coi thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp là một thủ tục hành chính. Nhưng, thủ tục hành chính này đã và đang xảy ra những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến hiệu quả làm việc của doanh nghiệp. Nhiều yếu tố có thể kể đến như: mất thời gian, tốn kém tiền bạc,… Và kèm theo đó, không thể phủ nhận có nhiều tiêu cực từ việc thanh tra, kiểm tra khiến doanh nghiệp Việt phải trả những khoản “phụ phí” vô lý, vô cùng tốn kém.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhiều công ty phải thành lập một lực chuyên trách để đón đoàn thanh tra. Nghe thì lạ kỳ, nhưng hóa ra đúng là sự thật họ đã và đang phải lãng phí cho một nguồn nhân lực không hề nhỏ như thế trong công ty, chỉ với nhiệm vụ đón thanh tra… Tất cả cũng chỉ phản ánh lên một thực trạng “bất lực” của doanh nghiệp với sự kiểm tra dày đặc của hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước.

Hơn nữa, việc lạm dụng thanh, kiểm tra sẽ gây tổn hại cho môi trường kinh doanh chung, thay vì bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh. Doanh nghiệp luôn phải chịu áp lực bị giám sát, kiểm tra thường xuyên bởi nhiều cơ quan khác nhau, dễ buộc họ phải tìm cách né tránh, thậm chí thông đồng để được yên ổn làm ăn. Khi đó môi trường đầu tư kinh doanh cũng sẽ bị ảnh hưởng

Đó là lý do tại sao Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó quy định rõ số lần thanh kiểm tra của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp trong một năm không được quá 1 lần trên cùng 1 lĩnh vực. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phải xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, chúng ta đang thiếu một cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp với hệ thống cơ quan hành chính. Trong quan hệ quản lý, người quản lý chưa hiểu đối tượng quản lý, đối tượng quản lý không có khả năng tác động lại chủ thể quản lý thì sao quá trình quản lý đạt được hiệu quả.

Công tác thanh tra kiểm tra chung quy mục đích là tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm phát triển bền vững,… Vì thế, chất lượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra phải được đảm bảo. Thanh tra, kiểm tra của các bộ, ban, ngành phải làm sao để nó đúng là thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, bảo vệ các lợi ích xã hội, những mục đích ban đầu của công tác thanh tra, kiểm tra.

Điều này có nghĩa, nhiệm vụ tối quan trọng là phải làm sao để thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ công chức cán bộ có thẩm quyền, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp? Làm sao để chính các doanh nghiệp nhận thức được vấn đề? Làm sao để doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình khỏi những vị cán bộ “hay đòi hỏi”?

Tất cả những điều được nhắc đến ở trên nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là con người, nhân lực cán bộ. Nếu không giải quyết được nguyên nhân kia thì câu hỏi ‘thanh tra kiểm tra còn chồng chéo đến bao giờ’ sẽ không có lới giải đáp.

Sông Hàn

Bạn đang đọc bài viết Thanh - kiểm tra chồng chéo đến bao giờ? tại chuyên mục Tâm điểm của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thanh-kiem-tra-chong-cheo-den-bao-gio-150241.html