Thanh khoản dồi dào, tỷ giá USD/VND giảm sâu

Mặc dù thanh khoản hệ thống ngân hàng duy trì được trạng thái dồi dào nhưng tỷ giá USD/VND lại đang có xu hướng giảm sâu do ảnh hưởng từ thế giới và nguồn cung USD vẫn đang thuận lợi...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần vừa qua (12/4 - 16/4) của Công ty Chứng khoán SSI, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn cho thấy sự dồi dào, tuy nhiên tỷ giá USD/VND lại đang có xu hướng giảm sâu theo thị trường thế giới.

Cụ thể, trong tuần qua, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất trên liên ngân tăng nhẹ 0,04 - 0,09 điểm phần trăm, chốt tuần ở mức 0,44%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,59%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Khối lượng phát hành và lãi suất trên liên ngân hàng

Cũng thể hiện sự dồi dào của hệ thống, mặc dù Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu đều đặn 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 2,50% nhưng không có tổ chức nào tiếp cận, khối lượng lưu hành trên kênh này giữ vẫn giữ ở mức 0.

Đáng chú ý, số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng quý 1/2021 ở mức 2,93%, cao hơn mức tăng trưởng 1,31% của quý 1/2020. Nhà điều hành đánh giá, tín dụng dự báo có thể tăng trưởng mạnh mẽ từ quý 2/2021, đặc biệt đối với các ngành sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại… và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của năm 2021.

Tuy nhiên, theo ước tính của SSI, tăng trưởng tín dụng năm nay thậm chí có thể đạt mức 13 - 14%. "Hiện tại, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào và mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay vẫn ổn định. Nhưng, trong nửa cuối năm 2021, cầu tín dụng và lạm phát có xu hướng tăng cao hơn sẽ khiến lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng từ 0,3 - 0,5 điểm phần trăm", nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định.

Tại một diễn biến khác, trên thị trường ngoại hối quốc tế, đồng USD tiếp tục đà giảm, chỉ số DXY về mức thấp nhất 3 tuần là 91,6 điểm. Mặt khác, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm 0,07 - 0,08 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 10 - 30 năm. Xu hướng giảm của USD có thể tiếp diễn trong ngắn hạn.

Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 1,2 tỷ USD, gấp 3 lần số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó. Tính chung quý 1/2021, cán cân thương mại thặng dư 2,75 tỷ USD.

Như vậy, bên cạnh sự suy yếu của USD trên thị trường quốc tế, cung cầu ngoại tệ ở thị trường Việt Nam cũng đang rất thuận lợi đã khiến tỷ giá USD/VND tuần qua giảm mạnh.

Diễn biến các tỷ giá điều hành của Ngân hàng Nhà nước

Tỷ giá trung tâm tuần trước giảm 18 VND về mức thấp nhất gần 1 tháng qua là 23.196 VND/USD. Tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại vẫn ổn định ở mức 22.950 VND/USD ở chiều mua và 23.160 VND/USD ở chiều bán. Tỷ giá mua - bán USD tự do giảm sâu 100 VND/USD về mức 23.650 - 23.700 VND/USD

Cuối tuần qua thị trường ngoại hối có một điểm nhấn đó là Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ sau cáo buộc hồi tháng 12/2020 của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Mặc dù Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 11 nền kinh tế bị giám sát nhưng rủi ro bị Mỹ trừng phạt đã bị đẩy lùi, áp lực với tỷ giá cũng giảm đi.

"Trong bối cảnh hiện thuận lợi cả thị trường quốc tế và trong nước, tỷ giá USD/VND niêm yết sẽ vẫn duy trì ổn định trong khi tỷ giá tự do có thể tiếp tục giảm", nhóm nghiên cứu tại SSI đánh giá.

Đào Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thanh-khoan-doi-dao-ty-gia-usd-vnd-giam-sau-20210420150852339.htm