Thành Hội - Ái Như, và… Bên kia nửa đời ngơ ngác

9 năm trước, sân khấu Hoàng Thái Thanh ra mắt Nửa đời ngơ ngác ( tác giả Hoàng Mỹ Trang – đạo diễn NSƯT Thành Hội) chuyển thể từ nguyên tác văn học Chiều vắng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. 150 suất diễn phục vụ khán giả gần một thập niên đủ chứng minh sức hút của nó với công chúng. 9 năm sau, Nửa đời ngơ ngác được viết tiếp bằng Bên kia nửa đời ngơ ngác (tác giả Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như).

Nghệ sĩ Ái Như đã hóa thân một chân dung khác của bà Hai trong Bên kia nửa đời ngơ ngác.

Đứa con tinh thần này chào đời trong sự thôi thúc của tập thể nghệ sĩ Hoàng Thái Thanh, bởi ẩn khuất của số phận nhân vật chưa được miêu tả trọn vẹn. Thế nên tác giả Hoàng Thái Thanh đã chấp bút để câu chuyện được tiếp nối có ngọn nguồn. Khi mọi việc được suy xét ở một chiều kích khác, tình cảm mà khán giả dành cho nhân vật cũng đổi chiều.

Trong Nửa đời ngơ ngác, nhân vật người mẹ (Ái Như ) khiến người xem ghét cay, ghét đắng vì định kiến giàu nghèo đã chia cách tình yêu đẹp giữa con gái mình (Lê) và Tư Nhớ. Trong phần hai Bên kia nửa đời ngơ ngác, tác giả đặt ra câu hỏi: có người mẹ Việt Nam nào sinh ra con, nuôi nấng đến trương thành mà không đau khổ và phẫn nộ khi đột nhiên có một chàng trai nào đó đến cướp mất trên tay mình mà không nói với mình một lời cho phải đạo? Bà khẳng định đã quăng bào thai bị sẩy của con gái và tư Nhớ ra bãi rác, thực ra bà đã âm thầm chôn hài nhi của cháu ngoại trong vườn nhà, chứ không vứt bỏ như lời bà đã nói với Tư Nhớ.

Trong phần hai này, nhân vật bà Hai vẫn rất nghiêm khắc nhưng đầy bao dung của tấm lòng mẹ. Khi Tư Nhớ quỳ xuống và nói một câu đại khái: “Thưa bác, suy nghĩ lại con thấy mình bậy quá. Con yêu con gái bác, cướp mất con gái bác mà chưa hề nói với bác một câu cho phải phép”. Bà Hai bậc khóc: “Tôi đã chờ câu nói này từ rất lâu rồi”. Ừ nhỉ, nếu sau những biến cố xảy ra, Tư Nhớ gặp và trải lòng mình với mẹ của người mình yêu. Biết đâu được cái kết của Nửa đời ngơ ngác không buồn và thê lương đến thế. Người ta thấy Tư Nhớ đau khổ chứ có ai thấy nỗi đau xé ruột gan của người mẹ mang nặng đẻ đau và luôn muốn con mình có một tấm chồng xứng đáng. Bà Hai đã chịu tiếng oan, chấp nhận hy sinh để con mình không phải khổ.

Một sự hy sinh khác mà ai cũng thấy chính là Út Lý (Ngọc Duyên). Cô dõi theo mọi bước chân của Tư Nhớ. Cô lặng lẽ chăm sóc anh dù chưa hề được anh hồi đáp lại tình yêu. Mối tình đơn phương ấy theo thời gian biến một cô gái tuổi xuân thì thành một người phụ nữ trung niên. Đến một ngày Tư Nhớ cũng sực tỉnh và nhận ra tình yêu thương vô bờ bến của Út Lý, anh cảm thấy mình có lỗi. Sự hy sinh còn được thấy qua một nhân vật không xuất hiện trên sân khấu, người chồng Việt kiều của Lê. Anh đã nhận lỗi vô sinh về mình để cho gia đình không dằn vặt người vợ mong manh, một mình tồn tại ở xứ người...

Sự hy sinh còn được in đậm hơn qua hình ảnh ông tía què quặt (NSƯT Thành Hội). Phần đầu câu chuyện, khán giả chỉ thấy ông qua tính cách mạnh mẽ nhưng yêu thương con hết mực. Ông chính là người vun đắp để con trai và con dâu có một hôn nhân viên mãn. Có ai ngờ rằng ông chính là nạn nhân bất hạnh của hôn nhân. Tuổi thơ của ông chìm đắm trong nước mắt khổ đau vì chứng kiến sự suy sụp của người mẹ trước bản tính trăng hoa bay bướm của người cha.

NSƯT Thành Hội vô cùng tinh tế trong vai người cha đau đáu với hạnh phục của con

Những đức hy sinh ấy có một sức lay động rất mạnh, chạm vào cảm xúc của người xem. Và vì vậy, phần hai Bên kia nửa đời ngơ ngác không còn tập trung vào xung đột tình yêu nhưng vẫn bắt khán giả dõi theo câu chuyện đến hồi kết thúc. Và rồi khán giả nhận ra một giá trị đơn giản nhưng sâu sắc: nếu mỗi người đều thật tâm với người mình yêu thương, dám hy sinh một chút thì cuộc sống này sẽ ít đi những giọt nước mắt.

Bên kia nửa đời ngơ ngác là một vở chính kịch tâm lý. Tuy nhiên, bên cạnh chất bi, thông điệp giáo dục thông qua bài học lễ giáo, là rất nhiều tình huống cười nghiêng ngã. Sự nghiêm túc và tần suất cười được đang xen nhau khiến người xem vừa lắng đọng, vừa thấy dễ chịu vì tình huống hài bất ngờ và hợp lý.

Xét về diễn xuất, đây là một vở diễn rất đáng nhớ của NSƯT Tuyết Thu, Ngọc Duyên, Ngọc Tưởng, Hoàng Vân Anh. Nhưng có vẻ nhân vật phụ để lại ấn tương mạnh là vai Lan Dẹo của NSƯT Hạnh Thúy. Nếu trong phần một, diễn viên thủ vai Lan Dẹo diễn chưa tới, thì Hạnh Thúy đã giúp cho người xem hình dung rõ hơn tính cách của nhân vật. Chị đa lột tả được tính chất “bà tám’” buôn chuyện qua ngôn ngữ nói, và ngôn ngữ hình thể điệu đà.

Nguyễn Huy. Ảnh: Vũ Công Hiển

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/thanh-hoi-ai-nhu-va-ben-kia-nua-doi-ngo-ngac-105352.html