Thanh Hóa xưa và nay

'Thanh Hóa xưa và nay' là triển lãm tầm cỡ, quy mô lớn nhất từ trước tới nay của tỉnh, một trong những điểm nhấn quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 – 2019).

Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham dự.

Với con số gần 10.000 hình ảnh, tư liệu, hiện vật được các đơn vị, tổ chức, cá nhân sưu tầm và hơn 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật của Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước, trong đó có nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý lần đầu tiên được công bố, triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” thực sự đã trở thành nơi hội tụ các giá trị tinh hoa mọi thời đại, trải đều trên khắp các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng đất “Thanh kỳ khả ái”, “địa linh nhân kiệt”. Bằng nhiều hình thức triển lãm khác nhau: Triển lãm ngoài trời từ cầu vượt Đại lộ Lê Lợi đến Khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ; triển lãm tại Trung tâm Truyền hình – Hội chợ - Quảng cáo và tuyên truyền cổ động trực quan trên các pano tấm lớn tại những vị trí trung tâm đã tạo nên hiệu ứng có sức lan tỏa mạnh mẽ, mở ra chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, xưa và nay, giữa sự kiện chính trị và đời sống thường nhật của quần chúng nhân dân. Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” chính là diễn đàn xuyên không mà ở đó, những nhà diễn thuyết tài ba của quá khứ và hiện tại cùng luân phiên đáp lời. Không có sự rạch ròi phân định, trên diễn đàn ấy, có khi, câu chuyện của quá khứ vốn đã thấp thoáng những dự báo về tương lai và câu chuyện ở thì hiện tại lại chính là thành quả được vun trồng từ quá khứ. Bởi lẽ, sinh mệnh của bất kỳ một vùng đất hay quốc gia nào làm sao có thể vượt ra khỏi khuôn khổ của những mệnh đề xưa và nay, quá khứ - hiện tại - tương lai. Và tỉnh Thanh Hóa cũng không nằm ngoài quy luật tất yếu đó.

Thanh Hóa trong dòng chảy lịch sử dân tộc luôn có vị trí chiến lược quan trọng, là mảnh đất “thang mộc”, “tam vương nhị chúa”. Chẳng thế mà dân gian lưu truyền mãi câu ca “Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ” như một minh chứng sinh động. Từ thuở bình minh của loài người cho đến ngày hôm nay, lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Thanh Hóa luôn song hành với lịch sử hình thành và phát triển của cả dân tộc. Vào những giai đoạn lịch sử cam go nhất, tỉnh Thanh Hóa nổi bật hẳn lên với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là phên dậu của đất nước. Thời nào cũng vậy, tỉnh Thanh Hóa luôn có những người con ưu tú sẵn sàng xả thân đương đầu với muôn vàn hiểm nguy, gian khó, gánh vác sự nghiệp xây dựng nước nhà và bảo vệ cuộc sống yên bình, no ấm cho nhân dân. Nhận thức được quá khứ vẻ vang, hào hùng mà biết bao thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, thông qua sự kết nối giữa những hiện vật, tư liệu, hình ảnh phong phú, đa dạng, triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” tỏ rõ tham vọng muốn tái hiện lại một cách hệ thống, chân thực bức tranh toàn cảnh về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất xứ Thanh xuyên suốt qua các thời kỳ: Tiền sử - Sơ sử, phong kiến và thuộc địa nửa phong kiến, đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH (1945 – 1975), đổi mới.

Nếu ai đó cho rằng, cổ vật chỉ đơn thuần là những phế tích vô năng thì hãy đến với triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” để một lần được ngắm nhìn trống đồng Cẩm Giang – Bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Đông Sơn, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 – 2.000 năm. Âm vang trống đồng từ ngàn xưa luôn kiêu hùng vang vang trong những bản anh hùng ca dựng nước và giữ nước. Phiên bản mộc bản triều Nguyễn vẫn còn đó, qua hàng nghìn năm với biết bao phong ba bão táp, vận đổi sao dời cũng chẳng thể làm phai nhạt đi dòng sự kiện quan trọng, xác nhận về việc vua Lý Thái tông cho đổi trại Ái Châu làm Thanh Hóa phủ, chính thức đánh dấu mốc son cho sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa. 990 năm đã đi qua, nếu không có sự tồn tại của những hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý giá như thế thì ắt hẳn rằng, lớp lớp thế hệ cháu con như chúng ta ngày hôm nay sẽ phải sống trong sự khuyết thiếu đáng tiếc về những giá trị truyền thống văn hóa – lịch sử của cha ông mình – một sự khuyết thiếu không dễ gì bù đắp được. Hơn 10.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh được trưng bày tại triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay”, tất cả đều chứa đựng trong những dấu vết thời gian một câu chuyện của riêng chúng. Chẳng phải là ngôn ngữ để có thể cất lên thành lời nhưng bằng cách nào đó, câu chuyện ấy vẫn đủ sức thấm sâu vào tâm khảm người xem, làm dấy lên trong lòng họ những xúc cảm khôn nguôi. “Có thể nói, triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” là sự kiện quy mô, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, thể hiện được tâm huyết của những người làm công tác tổ chức và các đơn vị, cá nhân tham gia triển lãm. Triển lãm đã cho tôi và những người bạn của mình có cơ hội được nhìn lại một cách có hệ thống diện mạo tỉnh Thanh Hóa từ xưa đến nay, được sống trong không khí ngợi ca và tự hào về mảnh đất nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Từ đó, chúng tôi nhìn thấy được vai trò, trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương” – đó là những chia sẻ chân thành của bác Trịnh Quang Chánh – Chi hội trưởng Câu lạc bộ (CLB) Lam Sơn (xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân). Biết tin về triển lãm thông qua các phương tiện thông tấn, báo chí, bác Chánh đã lên kế hoạch tổ chức cho các thành viên trong CLB đến tham quan từ rất sớm. Xuất phát từ 6 giờ sáng, đoàn tham quan gồm 14 người xuống thành phố, ai ai cũng mang theo tâm trạng háo hức, hồ hởi khi được tham dự sự kiện quy tụ rất nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý về mặt văn hóa – lịch sử được trưng bày tại gian hàng của huyện nhà và toàn tỉnh. Từ bản Ngàm, xã Sơn Điện, Quan Sơn xa xôi, chị Quách Thị Huyền Trang cùng những người bạn của mình đã đến tham quan triển lãm. Dạo quanh các gian hàng và khu trưng bày chung, chị Trang không dấu nổi sự hào hứng hiện lên trên gương mặt: “Triển lãm có rất nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh hết sức gần gũi. Nếu như không trực tiếp đến tham dự triển lãm, tôi không nghĩ rằng những vật dụng thường ngày mình vẫn sử dụng lại chứa đựng những giá trị văn hóa – lịch sử và được trưng bày một cách trang trọng như thế. Triển lãm đã giúp tôi có được cái nhìn bao quát về đời sống vật chất, tinh thần của người xứ Thanh xưa và nay được gây dựng trong suốt chiều dài lịch sử. Những mũi lao bằng đá, bằng đồng cho tới những chiếc xe thồ được dùng để tải quân lương, vũ khí phục vụ kháng chiến, tôi cảm thấy tự hào về quá khứ hào hùng của cha ông, về sự anh dũng, kiên cường của các thế hệ cha anh đã ngã xuống để có được Thanh Hóa yên bình và phát triển như ngày hôm nay”.

Nhìn dòng người đổ về Trung tâm Truyền hình – Triển lãm – Hội chợ - Quảng cáo tỉnh (TP Thanh Hóa), tôi nhớ lại hình ảnh xúc động mà mình vô tình bắt gặp ngay trước giờ khai mạc triển lãm. Đó là khoảnh khắc người đàn ông với dáng người nhỏ thó, gương mặt hiền lành xen một chút gì đó khắc khổ loay hoay dựng lại chiếc xe đạp mà công năng sử dụng của nó chẳng khác nào chiếc xe thồ. Đứng trên dải phân cách đối diện cổng ra vào trung tâm, nơi triển lãm đang nhộn nhịp người ra kẻ vào, người đàn ông ấy nhấp nhổm không yên, khi thì rướn người nhìn vào trong, lúc lại đứng tần ngần nghĩ ngợi. Sau khoảng đôi lần lặp đi lặp lại trạng thái như thế, ông ngậm ngùi bước xuống bên chiếc xe đạp, tiếp tục vòng lăn của bánh xe. Tôi vẫn tiếp tục dõi theo ông và phát hiện ra rằng chiếc xe đạp di chuyển rất chậm. Ông chậm rãi đạp xe qua những tấm pano in hình các hiện vật, tư liệu, hình ảnh của triển lãm. Bắt gặp những hiện vật, tư liệu, hình ảnh mà mình quan tâm, yêu thích, ông dừng hẳn xe lại, tiến đến gần hơn, ngắm nghía hồi lâu rồi mới tiếp tục đi. Ông và tôi không nói với nhau bất kỳ một lời nào nhưng tôi hiểu điều ông mong muốn. Có thể vì áp lực của cuộc sống mưu sinh hay bất kỳ một lý do nào đó đã khiến ông do dự, chần chừ dù lòng đã rất muốn ghé vào tham dự triển lãm. Nhưng tôi cảm thấy an lòng bởi những người tất tả ngược xuôi như ông vẫn có thể tiếp cận được với nội dung của buổi triển lãm thông qua hệ thống hơn 3.000 tư liệu, hình ảnh được trưng bày ngoài trời, dọc Đại lộ Lê Lợi và những con phố lớn.

“Thanh Hóa xưa và nay” chính là Thanh Hóa của sự nỗ lực không ngừng phát triển, là tiếng vọng về từ quá khứ hào hùng và khát vọng vươn tới tương lai. Triển lãm là dịp để các thế hệ cháu con hôm nay gửi lời tri ân chân thành, sâu sắc đến các bậc tiền nhân – những thế hệ cha ông đã bằng tất cả xương máu, tinh thần, trí tuệ, cốt cách của mình vun đắp nên bề dày truyền thống lịch sử, mạch nguồn văn hóa vẻ vang, đáng tự hào như chúng ta có hôm nay. Từ những nhận thức như thế, mỗi người dân Thanh Hóa hãy tự soi chiếu lại, hãy biết sống và phấn đấu sao cho xứng đáng với truyền thống lịch sử cha ông, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho sự phát triển phồn thịnh của quê hương, đất nước.

Hương Thảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/thanh-hoa-xua-va-nay/100595.htm