Thanh Hóa: Vĩnh Lộc tìm hướng đi mới trong phát triển du lịch

Vĩnh Lộc được nhắc đến như địa phương nổi bật với sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử của xứ Thanh. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong những năm gần đây huyện đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, 'đổi món' cho du khách với các điểm đến du lịch cộng đồng, sinh thái hấp dẫn.

Với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng không thua kém gì một số điểm đến nổi tiếng trong cả nước như Huế hay Hội An, chính vì vậy huyện Vĩnh Lộc đã sớm xây dựng đề án “Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa”. Mục tiêu là bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong huyện gắn với phát triển du lịch. Cùng với đó, khai thác, phát triển nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân trong huyện, đặc biệt là tại các điểm du lịch.

Hoa súng nở rộ trên dòng suối Ấu hấp dẫn khách du lịch.

Vào thời điểm như hiện nay, sau khi tham quan Thành Nhà Hồ, du khách có thể ghé thăm điểm du lịch suối Ấu. Nơi đây cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chưa đầy 35 km, suối Ấu có vẻ đẹp hoang sơ, hầu như chưa bị tác động bởi bàn tay con người. Từ bao đời nay, củ ấu không chỉ là món quà quê dân dã mà còn giúp người dân cải thiện đời sống. Nơi trồng ấu chính là diện tích mặt nước nằm dưới chân dãy núi Bền (dãy núi nằm trên địa phận 2 xã Vĩnh Minh và Vĩnh An), mực nước thường sâu từ 1 - 3 m và hoàn toàn là nước tự nhiên chảy ra từ các khe núi. Trên dòng suối Ấu, người dân còn trồng thêm cây hoa súng. Có những thời điểm hoa súng nở nhuộm hồng cả dòng suối ấu tạo thành một suối hoa lung linh, huyền ảo. Tới suối Ấu vào mùa thu, ngoài việc check in, ngắm hoa, chụp ảnh, du khách còn có thể trải nghiệm cuộc sống cùng người dân địa phương, đặc biệt là hoạt động bơi thuyền hái ấu, câu cá, thưởng thức ẩm thực...

Mỗi năm, người dân địa phương bắt đầu trồng ấu từ giữa tháng 2 âm lịch, ấu cho thu hoạch từ tháng 9 đến cuối tháng 11 dương lịch. Nếu du khách có dịp tới xã Vĩnh An vào những ngày đầu tháng 11, sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng giữa màu xanh bạt ngàn của gần 15 ha mặt nước trồng cây ấu, hàng chục người dân tất bật thu hoạch củ ấu bán cho thương lái. Trước đây, người dân trong vùng chỉ lấy củ ấu về ăn và coi đây như một cây lương thực chống đói trong mùa giáp hạt. Nhưng khoảng 10 năm nay, du khách biết đến quần thể danh thắng cấp Quốc gia Kim Sơn nhiều hơn, đặc biệt là khi huyện Vĩnh Lộc đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, suối Ấu đã trở thành điểm đến hấp dẫn, cùng với đó củ ấu là một trong những đặc sản địa phương để du khách có thể mua về làm quà cho người thân, bạn bè.

Với sản phẩm du lịch cộng đồng mà huyện đã và đang triển khai xây dựng, thị trường khách hướng tới là khách du lịch nội địa, tập trung đến các dòng khách như: khách du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử, cách mạng; khách du lịch sinh thái; khách du lịch tâm linh; khách yêu thích du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa truyền thống vùng miền; nghiên cứu chữ cổ Hán Nôm, di chỉ khảo cổ học... Cùng với đó là thị trường khách quốc tế đến từ Tây Âu và một số nước Đông Nam Á.

Nhằm thu hút du khách, cùng với việc đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm du lịch, liên kết các điểm đến trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận... huyện Vĩnh Lộc còn chú trọng xây dựng sản phẩm truyền thống của địa phương, qua đó tạo ra sản phẩm quà quê đặc trưng, đồng thời tạo ra những mô hình để du khách có thể tham quan, mua sắm trực tiếp. Trong đó, xã Vĩnh Long đã khuyến khích người dân trồng cây rau má - một giống cây “đặc trưng” của xứ Thanh. Để phát triển loại cây trồng này, cùng với sự quan tâm của xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc còn đầu tư máy hút chân không để giúp nông dân bảo quản rau má khô, đồng thời hỗ trợ người dân quảng bá và kết nối sản phẩm. Tuy nhiên, trước thực trạng phát triển du lịch cộng đồng “không mấy khả quan” việc sản xuất sản phẩm vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, diện tích ngày càng bị thu hẹp do đầu ra chưa ổn định. Cho đến nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc mới chỉ có sản phẩm Chè lam Phủ Quảng đã bảo vệ thương hiệu. Sản phẩm Rau má Tây Đô đang trong quá trình hình thành.

Có thể nói, Vĩnh Lộc được xác định là một trong những trọng điểm du lịch của cả tỉnh, việc khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có là điều kiện cần thiết, bởi không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đưa Vĩnh Lộc trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, mà còn góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa.

Hoài Anh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-vinh-loc-tim-huong-di-moi-trong-phat-trien-du-lich-71991