Thanh Hóa: Truyền dạy văn hóa truyền thống ở miền núi

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, với 7 dân tộc chiếm số đông. Những năm qua, để bản sắc văn hóa của các dân tộc không bị mai một, các cấp, ngành địa phương cùng bà con ở các thôn, làng miền núi đã dành nhiều tâm huyết cho việc sưu tầm, lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.Đồng bào dân tộc Mường ở Ngọc Lặc từ xa xưa đã có một kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian vô cùng phong phú và độc đáo. Nhưng trong giai đoạn hội nhập hiện nay, sự giao thoa về văn hóa bên cạnh góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cũng đặt ra nhiều thách thức. Đó là sự du nhập của những dạng thức văn hóa không phù hợp với truyền thống dân tộc, mà đối tượng dễ ảnh hưởng nhất là giới trẻ. Câu hỏi đặt ra là liệu giới trẻ ngày nay có nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc hay không? Xuất phát từ đó, mà từ nhiều năm nay việc truyền dạy các di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể tại huyện Ngọc Lặc đã được hình thành và duy trì trong cộng đồng dân cư. Theo bà Bùi Thị Quyên - Trưởng phòng VH-TT huyện Ngọc Lặc: Để việc truyền dạy có quy mô, bài bản và hiệu quả, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về việc truyền dạy các DSVH phi vật thể được công nhận của dân tộc Mường. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VH-TT phối hợp với Trung tâm VH,TT,TT&DL huyện thống kê những DSVH phi vật thể của địa phương, thống kê danh sách những nghệ nhân, những người tâm huyết với văn hóa truyền thống để họ tập hợp, truyền dạy lại cho nhân dân, sưu tầm những tài liệu về các di sản. Trong năm 2019, huyện đã tổ chức 3 lớp truyền dạy trình diễn Pôồn Pôông - DSVH phi vật thể quốc gia cho các cán bộ văn hóa huyện, xã, thị trấn và người dân yêu thích Pôồn Pôông tại các địa phương.

Định hướng trong thời gian tới của huyện để tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện sẽ đẩy mạnh việc sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đầu tư, hỗ trợ kinh phí mở các lớp tập huấn khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một. Có cơ chế hỗ trợ, tôn vinh đối với các nghệ nhân và những người am hiểu văn hóa truyền thống, có công trong việc bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Có dịp về Thường Xuân, dưới tiết trời se se lạnh của mùa thu, trong cái bắt tay và nụ cười thân mật, ông Cầm Bá Huyến - Trưởng phòng VH-TT huyện Thường Xuân, cho chúng tôi biết: Để giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, UBND huyện giao Phòng VH-TT, Phòng Dân tộc phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc, phục dựng và duy trì các lễ hội, tết truyền thống, xây dựng đề án khôi phục chữ viết, nghề truyền thống của các dân tộc, phát huy vai trò của các nghệ nhân, thành lập các đội văn nghệ xã, bản. Xây dựng không gian văn hóa các dân tộc tại trung tâm huyện để du khách, người dân tham quan, tìm hiểu. Vừa qua Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với UBND huyện Thường Xuân mở lớp tập huấn “Phục dựng, truyền dạy cách thức khặp giao duyên, khua luống, khèn bè, sáo ôi dân tộc Thái” cho các học viên là những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu được tuyển chọn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, huyện Thường Xuân đã chọn Trường Phổ thông DTNT huyện truyền dạy thí điểm chữ Thái. Đây là trường đầu tiên trong 13 trường THCS DTNT trong tỉnh mở lớp dạy tiếng và chữ viết dân tộc Thái cho các em học sinh. Trong các năm học 2017 - 2018, 2018 - 2019, nhà trường có 120 HS khối lớp 8, 9 được tham gia học chữ Thái. Mỗi tuần các em được học 6 tiết vào các buổi chiều và thứ 7 hằng tuần. Trong thời gian tới, huyện Thường Xuân sẽ nhân rộng đến tất cả các trường THCS, các xã có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống.

Ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, người có uy tín luôn giữ vai trò nòng cốt trong việc khôi phục, bảo tồn, truyền dạy và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhờ họ, nhiều làng nghề, nhiều trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển như làng nghề dệt thổ cẩm tại huyện Lang Chánh, Cẩm Thủy, Quan Hóa; lễ hội Đình Tam Thánh, lễ hội Mái đá Điều, lễ hội truyền thống Mường Đòn, lễ hội Mường Khô, lễ hội Đình Thi của người Thổ..., Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương cũng có các biện pháp để giữ nét đẹp văn hóa các dân tộc Mường, Dao, Tày, Thái, Mông từ nếp nhà, trang phục, tiếng nói đến chữ viết...

Trong việc truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều địa phương miền núi rất mong muốn các ngành, các cấp sẽ có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa, mở các lớp tập huấn cho nghệ nhân các bản, làng...

Nguyễn Đạt

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-truyen-day-van-hoa-truyen-thong-o-mien-nui-80387