Thanh Hóa tìm đáp án cho bài toán giải phóng mặt bằng: Nhận diện điểm yếu

Giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư là phần việc phức tạp, khó khăn bậc nhất trong quá trình triển khai một dự án. Trong giai đoạn năm 2020 - 2022, Thanh Hóa 'hụt hơi' trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhiều dự án trọng điểm thi công trì trệ, nguyên nhân đến từ những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất 'sạch'...

Những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khiến Thanh Hóa giai đoạn năm 2020 - 2022 thiếu quỹ đất "sạch", bất lợi trong thu hút đầu tư.

Những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khiến Thanh Hóa giai đoạn năm 2020 - 2022 thiếu quỹ đất "sạch", bất lợi trong thu hút đầu tư.

Năm 2020, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: Exxon Mobil (Hoa Kỳ), Foxconn (Đài Loan), Mintal (Hồng Kông), Fangda (Trung Quốc), INTCO (Singapore), TChuwa Busan (Nhật Bản)... đã tìm đến Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa để khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Tuy nhiên, sau nhiều lần khảo sát, tìm hiểu kỹ, các doanh nghiệp trên đã "lắc đầu" với Thanh Hóa.

“HỤT HƠI” THU HÚT VỐN FDI

Chật vật để "trải thảm đỏ" chào đón, thu hút nhà đầu tư, nhưng năm 2021, Thanh Hóa thu hút được 8 dự án FDI với tổng vốn đăng kí mới đạt 112,7 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 5 dự án FDI với số vốn điều chỉnh là 14,8 triệu USD.

Con số này rõ ràng khiến lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa không thể yên tâm bởi chỉ cần đối chiếu với một vài địa phương lân cận thì thấy rất rõ, Thanh Hóa đã và đang "tụt hậu" so với nhiều tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Cũng trong năm 2021, Thanh Hóa tụt hạng khá sâu trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Từ vị trí thứ 28 năm 2020, chỉ sau 1 năm, Thanh Hóa đã "rơi tự do" xuống vị trí thứ 43.

Khu kinh tế Nghi Sơn.

Khu kinh tế Nghi Sơn.

Năm 2022, tình hình thu hút vốn FDI của Thanh Hóa không cải thiện nhiều hơn, dù hoạt động xúc tiến đầu tư được địa phương này triển khai tích cực.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn, nhà đầu tư ngoài nước như: Đoàn công tác Ngân hàng Phát triển Châu Á, Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới, Đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, Đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ; Tập đoàn WHA của Thái Lan, Tập đoàn Ramky của Ấn Độ, Tập đoàn Millennium (Hoa Kỳ)… nhằm kêu gọi, giới thiệu cơ hội đầu tư và tháo gỡ các khó khăn cho các dự án đang chuẩn bị đầu tư.

Một số tín hiệu tích cực đáng kể như: Ký kết Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với Công ty TNHH Giầy Venus Việt Nam; Thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Biomass Fuel Nghi Sơn về đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.

Dù vậy, kết quả hoạt động thu hút vốn ngoại của Thanh Hóa trong khoảng thời gian trên vẫn không đạt được như kỳ vọng. 9 tháng đầu năm 2022, Thanh Hóa chỉ thu hút được 4 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 41 triệu USD. Con số này cho thấy khả năng hút vốn FDI của Thanh Hóa thuộc diện thấp nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Nhìn sang Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2022, Nghệ An đã thu hút được hơn 500 triệu USD từ vốn ngoại, gấp 12 lần so với Thanh Hóa. Cả năm 2022, địa phương này thu hút được 1,8 tỷ USD từ nguồn vốn FDI.

Sở dĩ Nghệ An tạo được “cú hích” trong thu hút đầu tư, ngoài những cải cách cách trong giải quyết thủ tục hành chính, địa phương này đã "âm thầm" chuẩn bị quỹ đất “sạch” quy mô lớn tại các dự án khu công nghiệp lớn như VISIP Nghệ An, Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1, do các tập đoàn lớn như tập đoàn VISIP (Singapore), Tập đoàn WHA (Thái Lan) đầu tư xây dựng...

Trái ngược với Nghệ An, Thanh Hóa thời điểm đó luôn trong tình trạng "túng thiếu" thiếu quỹ đất “sạch”. Dù sở hữu một trong những khu kinh tế trọng điểm của cả nước là Nghi Sơn được xác định là trọng điểm của cả nước và khu vực, nên trong những năm qua, đã có 25 khu công nghiệp với diện tích khoảng 9.057 ha.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng diện tích hơn 2.000ha. Mặc dù được quan tâm rất lớn, nhưng đến đầu năm 2023 Khu kinh tế Nghi Sơn mới chỉ có 7 khu công nghiệp được lấp đầy, còn lại hầu hết các khu công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng bài bản, thiếu quỹ đất “sạch”.

Đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng thừa nhận, thực trạng giải phóng mặt bằng khiến tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn chậm theo là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thu hút vốn đầu tư có dấu hiệu chững lại tại Thanh Hóa trong giai đoạn trên.

KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT

Năm 2023, trong danh mục 68 dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khi đó, có 29 dự án đang triển khai thực hiện, thì có tới 25 dự án đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, việc xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, đầu tư xây dựng các khu tái định cư còn chậm... tại các dự án như: Dự án tổ hợp sản xuất hóa chất Đức Giang - Nghi Sơn; dự án Flamingo Linh Trường Khu A và Khu B; dự án dây chuyền 4 - Nhà máy xi măng Long Sơn; dự án khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại của Công ty Cổ phần ORG; dự án khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và Hoằng Long, thành phố Thanh Hóa...

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ xây dựng khu công nghiệp số 3, thời điểm đầu năm 2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ xây dựng khu công nghiệp số 3, thời điểm đầu năm 2021.

Theo ông Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất đối diện nhiều những khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, như một số dự án chưa đủ điều kiện để giải phóng mặt bằng, phải điều chỉnh, gia hạn chủ trương đầu tư, điều chỉnh mặt bằng quy hoạch; chưa có nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận danh mục thu hồi đất (đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất); chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng (đối với dự án sử dụng đất trồng lúa, đất rừng); chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Ngoài ra, một số dự án gặp khó khăn trong công tác xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, thời điểm hình thành tài sản, trong công tác bồi thường di chuyển mồ mả; chưa được bố trí hoặc chậm bố trí kinh phí để bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Với mục tiêu đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì vậy, khó khăn nan giải trong giải quyết vấn đề thiếu thốn quỹ đất “sạch” khiến lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng Thanh Hóa rất "đau đầu".

Đón đọc bài 2: Thanh Hóa tìm đáp án cho bài toán giải phóng mặt bằng: Cùng hành động.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bai-1-thanh-hoa-tim-dap-an-cho-bai-toan-giai-phong-mat-bang-nhan-dien-diem-yeu.htm